Với những định hướng mục vụ trong những lần chia sẻ của Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh. Ngài thường nhấn mạnh và thao thức đến việc ra đi loan báo Tin mừng trong Tổng Giáo phận Huế. Vì thế, năm nay, Ban Đào tạo các Chủng sinh, những Linh mục tương lai, đã đề ra chương trình thực tập chia sẻ “Niềm vui Tin Mừng” cho các Thầy. Với ý thức là những môn đệ bước theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, Đấng là Niềm vui, các Đại Chủng sinh đã được sai đến các Giáo điểm truyền giáo thuộc tuyến địa đầu phía Bắc của Giáo phận trong tháng 9/2019 vừa qua.
Nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và sự đồng hành của các Cha Quản xứ Nam Tây, Cam Lộ và Khe Sanh, lần đầu tiên những Đại Chủng sinh được đến những vùng sâu vùng xa này. Chuyến thực tập truyền giáo không có tham vọng truyền bá một tư tưởng mang tính giáo lý học hàm, nhưng đơn giản là: nơi nào có dấu chân của Chủng sinh – những môn đệ của Chúa đi qua, nơi đó tràn ngập niềm vui (Cv 8,8 ; x. EG, số 5). Bởi thế, người thực tập truyền giáo đã ra đi với tâm hồn vui tươi để tiếp xúc gần gũi và tích cực làm bất cứ việc gì với hoặc cho những anh chị em lương dân mà mình gặp gỡ.
Các Thầy chia thành sáu nhóm, mỗi nhóm từ 5-10 người. Mỗi Giáo xứ đã kể trên có hai nhóm đến thực tập, được chia thành hai khoảng thời gian: từ 1-13/9/2018 và từ 13-25/9/2018. Tuy thời gian thực tập rất ngắn ngủi, nhưng các Thầy đã nỗ lực nắm bắt được tình hình thực tế về con người và hoàn cảnh sống cũng như công việc mục vụ truyền giáo ở những vùng sâu vùng xa này.
Nhìn chung cả ba Giáo xứ đều có điểm giống nhau đó là địa bàn trải dài và quá rộng lớn, đường xá đi lại khó khăn, vất vả, thiếu phương tiện, giáo dân lại sống rải rác xa Nhà thờ. Đây là những vùng miền núi phải gánh chịu hậu quả chiến tranh để lại hết sức đau thương. Những đứa trẻ bị bại não, những người mù, những em bé bị xương thủy tinh, khuyết tật rất nhiều. Đời sống kinh tế cũng khó khăn. Tâm thức về tôn giáo của người dân ở đây vẫn còn rất mù mờ, nhiều người vẫn chưa phân biệt được “nhà thờ” với “chùa” và họ còn hiểu nhầm “chùa” và “nhà thờ” là một. Chính vì thế, tôn giáo đối với họ như là một điều gì xa lạ và khó hiểu, nhất là đối với những anh chị em dân tộc thiểu số. Các Thầy đã chia sẻ cảm nhận rằng: có những hoàn cảnh mà hai chữ niềm vui như là thứ hàng xa xỉ đối với họ. Vui làm sao được khi phải nhìn những đứa con sống cảnh đời thực vật trong điều kiện gia đình hết sức khó khăn. Vui thế nào được khi con cái là niềm hy vọng của cha mẹ già nhưng những đứa con ấy đứa thì bại não, đứa thì tâm thần…
Thế nhưng, người dân ở những vùng này rất hiền hòa và dễ mến, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ mọi nỗi lòng. Họ ẩn tàng một lòng mong mỏi sống đạo chan chứa nhưng có thể nói họ chưa có dịp hay chưa có ai khơi dậy lòng thao thức sống đạo trong họ mà thôi. Còn giáo dân, tuy mỗi tuần họ chỉ tham dự Thánh Lễ được một lần, dù rằng cuộc sống của họ còn quá nhiều khó khăn, thu nhập còn quá thấp, dù rằng mỗi ngày họ chỉ đọc kinh và cầu nguyện ở nhà, dù rằng đức tin của họ có vẻ đơn sơ, chất phác nhưng khá vững vàng, mạnh mẽ, gắn kết và hiệp thông với nhau thể hiện qua các tối đọc kinh chung hoặc cầu nguyện cho nhau khi có người đau ốm, khi có nhà gặp khó khăn, thử thách hoặc mỗi khi gặp được điều gì tốt lành họ đều nói “Chúa cho”.
Từ những thực tế của cuộc sống và con người ở trong ba giáo xứ, các Thầy cảm nhận: Giáo Hội đang cần nhiều “trái tim mục tử” biết dấn thân và nhiệt tâm chăm lo cho sứ vụ truyền giáo. Giáo dân ở những vùng sâu vùng xa này đang cần tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội nâng đỡ và khích lệ họ trong đời sống đức tin cũng như trong sự tương trợ cụ thể. rất vui mừng và thấm thía khi được phục vụ bà con cả giáo dân và lương dân. Quý Thầy tri ân Giáo phận đã gửi mình đến những vùng này, để quý Thầy thấm ‘mùi chiên”, và biết rằng bên ngoài những kiến thức trong sách vở thì còn đó những mảnh đời bất hạnh những hoàn cảnh cần những bàn tay chìa ra để nâng đỡ ủi an.
Đồng thời, quý Thầy trong dịp này cũng cám ơn quý Cha Quản xứ các Giáo xứ Nam Tây, Cam Lộ và Khe Sanh đã đón tiếp, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cầ thiết để quý Thầy có thể hoàn thành chuyến đi mang nhiều ý nghĩa này.
“Hãy đi ra vùng ngoại biên”, đó chính là những cánh đồng truyền giáo còn đang thiếu nhiều thợ gặt bởi còn biết bao tâm hồn chưa được nghe biết đến Tin Mừng. Đây chính là lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” chắc chắn đang tiếp tục âm vang và là lời mời gọi nơi tâm hồn của quý Thầy.
Ban Truyền Thông TGP Huế