Trên chuyến xe đêm trở về lại Huế sau những ngày tham dự Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XVI được tổ chức tại Giáo phận Hải Phòng, lòng miên man nhớ lại những giờ phút mà đoàn đại diện Giới trẻ TGP Huế là những vị khách được mời “hãy đến mà xem” và rồi sau chuyến đi ấy “chúng tôi đã thấy và chúng tôi tin”.
Một buổi sáng sớm ngày 14/11/2018, thức dậy ở một nơi xa, chúng tôi cảm thấy không gian bình yên bao trùm lên mỗi người sau một đêm dài ngủ trên xe.
Bước chân xuống xe, chúng tôi đón chào ngày mới tại trung tâm hành hương Phát Diệm nơi có ngôi nhà thờ đá Phát Diệm là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120 km về hướng Nam.
Sau khi dùng bữa sáng tại nhà hành hương Phát Diệm xong, chúng tôi được Nữ Tu Lụa – Dòng MTG Phát Diệm dẫn đi tham quan khuôn viên nhà thờ.
Trước mắt các bạn trẻ, quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng nhiều hạng mục khác nhau như: ao hồ, tượng đài, Phương Đình, Nhà thờ lớn, Nhà nguyện kinh thánh Rôcô (tên nguyên thủy: nhà nguyện kính thánh Gioan Tiền Hô), Nhà nguyện kinh trái tim Chúa, Nhà nguyện kinh thánh Giuse, Nhà nguyện kinh thánh Phêrô và các hang đá nhân tạo… Tất cả được bố trí trên một mặt bằng tổng thể có không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, quan niệm của người Á đông “Tiền có thuỷ, hậu có sơn”, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau.
Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ, được khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng dần dần bởi linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) – linh mục ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865) và các giáo dân Công giáo trong hơn 30 năm. Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía bắc Việt Nam. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới. Nhà thờ đá Phát Diệm được báo chí đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như “kinh đô công giáo” của Việt Nam.
Có thể nói, quần thể Thánh đường Phát Diệm là sự giao thoa, sự kết hợp hài hoà, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống phương Đông. Phong cách kiến trúc, không gian thờ tự mang đậm hình ảnh mái đình, ngôi chùa vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, tạo nên sự bình an, che chở, đây cũng là biểu tượng của sự gặp gỡ, hội nhập văn hóa giữa Công giáo và truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Qua những lời giới thiệu, hướng dẫn của Nữ Tu Lụa đã giúp cho các bạn trẻ mở mang kiến thức và thêm hiểu biết về ý nghĩa tinh tuý của ngôi nhà thờ qua những đường nét chạm trổ tinh xảo, đạt đến tuyệt đỉnh của tuyệt đỉnh! Mỗi hoa văn trên mỗi tấm đá, trên mỗi bức tường đều có ý nghĩa riêng của nó và chuyển tải đến một nội dung Kinh thánh trong đó, những gì xem ra đơn giản nhất nhưng lại chứa đựng nội dung sâu sắc và giá trị nhất.
Chia tay Phát Diệm, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Hải Phòng, nơi sẽ diễn ra những ngày đại hội.
Khi vừa đến địa điểm tổ chức Đại hội: Nhà Cánh Diều (Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế), chúng tôi đã nhìn thấy hàng trăm, hàng nghìn bạn trẻ từ khắp các giáo xứ, giáo phận miền Bắc lũ lượt kéo nhau về từng đoàn, trong tiếng nhạc, tiếng trống vang dậy cả một vùng trời Hải Phòng, vui hơn cả ngày hội. Bầu khí náo nhiệt đó dường như xua tan đi sự mệt mỏi cùng với cái đói cồn cào đang lấn chiếm trong con người vì phải di chuyển đoạn đường dài như thế.
Hầu hết trong đoàn đều là những người lần đầu tiên được tham dự một Đại hội có đông đảo các bạn trẻ như thế này. Giữa con số ước chừng hơn 16 ngàn tham dự viên, chúng tôi với một nhóm người ít ỏi thế này không hề cảm thấy xa lạ, hay lạc lõng. Từ trên khuôn mặt của mỗi người, chúng tôi vui mừng khi thấy bảng tên “Giới trẻ TGP Huế” được một bạn giáo phận bạn cầm giương cao, hướng dẫn chúng tôi đến trại đã dọn sẵn cho mình. Thỉnh thoảng những câu khẩu hiệu “Vỗ tay chào mừng các bạn trẻ đến từ TGP Huế” hay “các bạn trẻ TGP Huế đang ở đâu?” lại được hô lên giữa lòng Đại hội khiến cho chúng tôi cảm thấy mình là những bạn trẻ được chào đón và quan tâm cách nồng nhiệt.
Giữa bầu khí sôi động, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, chúng tôi nhận thấy quanh mình là niềm vui của các Chủ chăn đang hiện diện với đàn chiên non trẻ trên đồng cỏ xanh tươi. Sự hiện diện của Quý Đức Tổng, quý Đức Cha và quý Cha xuyên suốt trong những ngày Đại hội đã cho chúng tôi cảm nhận được sự yêu thương, xen lẫn vào đó là những băn khoăn, trăn trở của các Đấng dành cho thế hệ tương lai của Giáo Hội và Xã hội.
Với quy mô Đại hội thế này, chắc hẳn mỗi lần tổ chức là một lần tốn kém lớn nhưng quý Đức Cha vẫn luôn cố gắng để tạo sân chơi bổ ích cho giới trẻ, quy tụ các bạn trẻ từ khắp vùng miền đến với nhau, cùng nhau giao lưu, học hỏi giáo lý, trau dồi đời sống đức tin, để “Chính các bạn trẻ là tông đồ cho các bạn trẻ” (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).
Ngoài những đề tài các bạn trẻ được học tập, được tiếp thu qua những bài chia sẻ của quý Đức Cha, quý Cha thuyết giảng, các bạn còn được tiếp cận và đọc thấy những thông điệp được nhắn gửi đến các tham dự viên trên những tâm pano trang trí hai bên đường và các lối đi lớn.
Từ Huế ra Bắc, bầu khí đại hội như tiếp thêm nguồn sinh lực lòng đạo đức cho chúng tôi qua các nghi thức như: Cung nghinh Thánh Giá, chầu Thánh Thể, đêm diễn nguyện, Thánh lễ bế mạc….tất cả đều diễn ra cách trang trọng và sốt sắng. Giữa lòng đại hội, tuy chúng ta khác nhau về giọng nói, về văn hóa vùng miền, và khoác trên mình màu áo đồng phục khác nhau nhưng chúng ta cùng mang trong mình chung một tinh thần của người Kitô hữu trẻ.
Kết thúc chương trình Đại hội, trưa ngày 15/11/2018, chúng tôi ra về trong niềm vui của tuổi trẻ qua những cánh tay vẫy chào, những cử chỉ thể hiện sự thương yêu, quý mến nhau với tình huynh đệ trao nhau.
Chia tay Hải Phòng, chúng tôi muốn ghé đến một địa danh nữa trước khi trở về lại Huế. Bám vào bản đồ chỉ dẫn, xe đã đưa chúng tôi đến nơi muốn đến đó là Đan viện Xitô Châu Sơn, tọa lạc tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đan viện này nằm cách nhà thờ chính tòa Phát Diệm 65 km, cách thành phố Ninh Bình 35 km, cách trung tâm thị trấn Nho Quan 2 km và cách Hà Nội 97 km.
Đến Đan viện Châu Sơn, chúng tôi đắm chìm trong bầu khí thanh tịnh, chiêm ngắm những công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng với vật liệu chính là gạch đỏ không tô trát nên có một vẻ đẹp khác biệt, đặc trưng, chân thật và ấm áp. Và mới đây nhất là công trình vườn cầu nguyện Fatima, được khánh thành vào ngày 13/05/2017, dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Chúng tôi càng vinh dự và hạnh phúc hơn khi được gặp gỡ, trò chuyện và dùng cơm tối thân mật với Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt tại Đan viện. Mặc dù Ngài bận rộn với nhiều công việc nhưng Ngài đã ân cần đón tiếp, ưu ái dành cho các bạn trẻ TGP Huế một khoảng thời gian đặc biệt từ lúc đến cho đến lúc đi.
Trước lúc chia tay, Ngài ban bình an cho chúng tôi, đồng thời gửi lời thăm đến Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh và nhắn gửi rằng “Tôi đang chờ ngài tổ chức Đại Hội giới trẻ toàn quốc tại La Vang”. Lời nhắn gửi của Ngài như là động lực, là mục đích để giới trẻ TGP Huế nói riêng và Giới trẻ toàn quốc nói chung hướng đến trong cuộc gặp gỡ tương lai và hy vọng đến lúc đó sẽ có sự hiện diện của Ngài.
Sau khi lãnh nhận lời chúc bình an từ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, chúng tôi chào Ngài, ra xe và tiếp tục hành trình về Huế trong đêm.
Kết thúc chuyến đi tham dự Đại hội Giới trẻ miền Bắc là lúc để mỗi người chúng ta hồi tưởng lại âm thanh vang vọng, hình ảnh sống động của sức sống tuổi trẻ với những lễ nghi trang trọng. Qua những gì đã diễn ra, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy, được lắng nghe, được cảm nhận đã giúp chúng tôi càng tin rằng: có một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Với tất cả lòng biết ơn, Giới trẻ chúng con xin cám ơn Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã tạo điều kiện cho chúng con được trải nghiệm và tiếp thu những sáng kiến của giáo phận bạn, chúng con cũng không quên cám ơn Cha Bênêđictô Ngô Văn Hài, Đặc trách Giới trẻ TGP Huế, quý cha Đặc trách Giới trẻ giáo hạt đã đồng hành, lo lắng, sắp đặt tìm cách cho chúng con có nơi ăn chốn ở an toàn, chu đáo. Nguyện xin Mẹ Maria La Vang chuyển cầu cùng Chúa Giêsu ban muôn ơn lành xuống trên Đức Tổng, quý Cha, quý ân nhân đã giúp đỡ cho Giới trẻ chúng con có một chuyến đi ý nghĩa và hữu ích này.
Hẹn gặp lại các bạn trẻ trong ngày phục vụ tại La Vang vào dịp Lễ Bế Mạc Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam sắp đến.
Maria Thuỷ Tiên
Xin xem thêm một số hình ảnh: