Ngày 16/06/2020 vừa qua, vào lúc 08g30 tại Nhà thờ Giáo xứ Nước Ngọt, con rất vinh dự được tham dự thánh lễ kỷ niệm Hồng Ân Kim Khánh Khấn Dòng của Chị Têrêxa Nguyễn Thị Biên thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế. Thánh lễ này do Cha Phanxicô Xaviê Hồ Văn Uyển chủ tế, đồng tế còn có Cha Phaolô Trần Văn Quang – Hạt trưởng Hạt Hương Quảng Phong, Cha GB. Nguyễn Thế Tòng là Bào đệ của Chị Têrêsa và cùng quý Cha thân quen.
Thánh lễ có sự hiện của quý Tu sĩ nam nữ, thân nhân, ân nhân, quan khách, quý Hội Đồng Giáo Xứ và bà con giáo dân Giáo xứ Nước Ngọt, Dương Sơn, Hói Dừa và Lăng Cô.
Nếu nhạc sỹ Y Vân cho rằng, cuộc đời của một kiếp người chỉ vỏn vẹn trong ba giai đoạn và tóm gọn trong 60 năm. Thì Hồng Ân Kim Khánh Khấn Dòng đối với một tu sĩ thì quả là một chuỗi ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa trao ban.
Chia sẻ trong Thánh lễ, Cha GB. Nguyễn Thế Tòng đã nói lên những bước thăng trầm, những buồn vui trong đời sống của chị em trong nhà Dòng, và đôi khi cũng là thập giá của nhau trong đời sống ơn gọi và sứ vụ với nhà dòng và với cộng đoàn. “Năm mươi năm trôi qua, tình Chúa thương bao la, Năm mươi năm trôi qua, hòa khúc ca cảm tạ. Bao giây phút trong đời là những cánh hoa. Dâng lên Ngài như hương khói đậm đà”.
Thánh Lễ kỷ niệm 50 năm hồng ân Khấn Dòng là một Thánh Lễ là đặc biệt và vô cùng trọng đại, nhưng câu chuyện về cuộc đời ơn gọi của Chị Têrêxa trong bài giảng của Cha GB. Nguyễn Thế Tòng lại khiến cho Thánh Lễ trở nên đặc biệt hơn.
“Chẳng phải con đã chọn Ngài, nhưng chính Ngài chọn con trước đó. Chẳng phải con đã yêu Chúa, nhưng chính Ngài yêu con từ trước.” Thật vậy, một biến cố kinh hoàng đã xảy ra trong cuộc đời của Chị Têrêxa và Chúa đã gìn giữ chị khỏi sự dữ trong tích tắc, Chúa đã bảo toàn mạng sống của chị, để đến ngày hôm nay chị đã trở thành nữ tỳ của Chúa, sống đời tận hiến suốt 50 năm chuỗi vàng hồng ân. Trong Thánh Lễ Cha GB Nguyễn Thế Tòng đã tường thuật lại câu chuyện mà con gọi đó là câu chuyện về Kim Khánh và Biến Cố Kinh Hoàng!
Câu chuyện này đã xảy ra cách đây 52 năm tại giáo họ Hà Trung, nay là họ lẻ của Giáo Xứ Dưỡng Mong, cách TP Huế 50 cây số về phía Đông Nam, thuộc xã Vinh Hà, Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Người dân vùng này đa phần là người gốc Thanh Hóa di cư vào từ thời kỳ nhà Lê sơ giai đoạn (1428-1527). Thời kỳ này Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ mà công giáo thì chỉ mới manh nha hình thành tại Việt Nam, chính vì phần lớn họ là dân di cư từ đàng ngoài vào, và di cư theo các họ tộc lớn, mà truyền thống tôn giáo của người Việt thường là bị ảnh hưởng bởi gia đình cha truyền con nối, cho nên đến nay vùng đất này người lương dân nhiều hơn Công giáo.
Năm 1967, chị Phanxica Nguyễn Thị Đẳng (là O ruột của chị Têrêxa Nguyễn Thị Biên), cùng với chị Anna Trần Thị Tha thuộc Dòng Mến Thánh Giá Dương Sơn, đang làm mục vụ tại Hà Trung, thời đó Cha Toma Lê Văn Cầu đang coi sóc vùng này.
Xã hội đương thời có những chia rẽ, những mâu thuẫn, những xung đột rõ nét, vẫn thường xuyên xảy ra giữa các tôn giáo lớn. Cộng thêm việc chính sự của Việt Nam vào thời điểm đang thời gian nội chiến, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Công giáo, chính vì thế mà luôn có những xung khắc chia rẽ giữa người công giáo và người không công giáo.
Trước bối cảnh nguy hiểm như vậy, chị Phanxica nói với Cha Cầu rằng: “Cha ơi, Cha lên Huế ở đi, còn chúng con ở lại đây, chỉ cần ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng thì Cha về làm lễ, trong Giáo xứ có việc gì cần thì con sẽ báo cho Cha, chứ ở đây tình hình bất ổn quá, con sợ sẽ xảy ra nhưng điều không hay cho Cha”. Sau đó, Cha Toma Cầu cũng về lại Huế để ở, khi có việc cần thì ngài mới về Hà Trung.
Vào ngày Chúa Nhật, trước Noel 5 ngày, hôm đó Cha Micae Trương Văn Hành và Cha Quyến thuộc Dòng Chúa Cứu Thế về thăm Hà Trung, mục đích là giải tội cho bà con giáo dân. Để chuẩn bị cho việc Mừng Chúa Giáng Sinh. Sau bữa cơm trưa, chị Phanxica, và chị Tha ngồi nói chuyện với hai Cha tại phòng khách, chị Biên thì tranh thủ rửa chén dọn dẹp nhanh, để kịp lên nghe các cha nói chuyện.
Nhà các chị ở khá xa nhà giáo dân, cách bởi những vườn cây vài trăm mét, buổi trưa của tiết trời đông, gió rít từng cơn, cây cối xào xạc, đến nổi không thể nghe được tiếng bước chân của một người đàn ông bặm tợn, hung dữ đang cầm một cây mác có cán dài hơn 1m. Người đàn ông này vừa đi vừa chém cho đến khi đi vào gần tới khuôn viên nhà các chị. Chị Phanxica hoảng hốt nói: “Cha cho phép con đi đóng cửa bếp lại”. Khi chị chưa kịp chốt cửa thì người đàn ông hung dữ này đã giật tung cánh cửa đi vào nhà. Chị Phanxica chưa kịp định thần thì ông đã vung mác chém một nhát lên trên đầu chị, chị gục xuống, máu đầm đìa, đầu bị chẻ một đường lớn.
Rất nhanh chóng, ông ta đi vào phòng khách để tiếp tục truy tìm người khác, vừa đi miệng vừa chửi lớn tay thì vung mác chém loạn xạ. Cha Quyến chạy ra ngăn ông lại, Cha dùng ghế chống trả ông ta, để mọi người chạy ra ngoài kêu cứu, chứ cứ đứng nấp trong nhà với những cánh cửa xiêu vẹo thì kiểu gì ông ta cũng sẽ lục tung để truy sát mọi người. Cha Hành thì chạy thoát được, còn chị Tha khi vừa chạy ra ngoài, thì bị trượt ngã, ông ta đưa mác lên để chém mấy nhát liên tiếp xuống chị, theo phản xạ chị đưa tay lên đỡ, máu chảy ra đầm đìa, chị đã ngất xỉu tại chỗ.
Ông ta quay người lại để truy Cha Quyến, Cha ngã xuống thì ông ta chém liên tiếp vào lưng Cha, may thay những nhát chém của ông lệch sóng, Cha Quyến vẫn giữ được tính mạng, ông định chém tiếp vào Cha nhưng lúc đó chị Biên chạy đến ôm ngang thắt lưng ông lại, nhờ vậy mà Cha Quyến thoát chết. Lúc đó có nhiều người vừa tới nên ông ta đã tháo chạy, Cha Hành trở lại xức dầu cho chị Phanxica khoảng sau 5 phút chị Phanxica đã về với Chúa trước sự chứng kiến của mọi người. Trời mùa đông ở Hà Trung u ám và ảm đạm, gió rít từng cơn, mưa lay bay, khiến nổi u uất tăng lên gấp bội lần.
Chứng kiến cảnh người O của mình là nữ tu và các Cha dòng, bị người ngoại đạo dùng mác để truy sát, chứng kiến cảnh máu chảy, chứng kiến cái chết đau đớn của người O trước xã hội loạn lạc, vậy mà chị Têrêxa không vì lòng sợ sệt mà bỏ Chúa, chị Têrêxa là một nhân chứng sống về ơn lành của Chúa, chị vẫn luôn trung thành với ơn gọi qua xứ mạng mà nhà Chúa đã trao phó, bây giờ đã trở thành nữ tu của Chúa suốt trọn 50 năm hồng ân khấn Dòng. Trong con mắt của những kẻ gù, thì người đứng thẳng là người tật nguyền, cho nên trong con mắt của những người tội lỗi xấu xa thì họ luôn ghen ghét với những người sống bác ái yêu thương công bằng.
Qua câu chuyện về biến cố của cuộc đời chị Terexa, chúng ta nghiệm được rằng, mỗi người là một công trình của Chúa, được sắp đặt riêng trong chương trình của Ngài. Bởi vì: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đã đếm rồi”. (Mt 10,30 ) Chúng ta có một điều chắc chắn rằng Chúa đã đưa chị Phanxica về với Chúa, và Ngài có cách riêng để yêu thương chị.
Vâng, chị Terexa là nhân chứng sống cho tin mừng của Chúa: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10, 28). Thật vậy: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì thầy, thì sẽ tìm thấy được ”. (Mt 10,38-39)
Cuối Thánh lễ, chị Têrêxa chia sẻ tâm tình và cám ơn, cám ơn quý Cha đồng tế, quý Tu sĩ nam nữ, quý Hội đồng Giáo xứ Nước Ngọt, cám ơn quý gia đình, ân nhân, thân nhân và quan khách. Cha Bào đệ của chị Têrêxa cũng có đôi lời cám ơn đến Cha Quản xứ, quý Cha, cám ơn các chị sở Nước Ngọt đã chuẩn bị Thánh Lễ thật chu đáo. Sau cùng Cha Phanxicô Xaviê chủ tế cũng chia sẻ tâm tình về hồng ân khấn dòng và nhấn mạnh chị Têrêxa là mẫu gương để những tu sĩ hậu bối noi gương trung kiên trong đời tận hiến.
Sau Thánh Lễ, quý Cha đã chụp hình kỷ niệm ngày trọng đại của chị Têrêxa.
“Tạ ơn Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn chọn tình thương.” Tạ ơn Chúa về hồng ân Thánh Hiến mà Chúa đã dẫn dắt chị Têrêxa trong suốt 50 năm qua. Chỉ khi lòng trí của chị yêu mến Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, là đối tượng duy nhất, thì mới có thể trải qua được chặn đường 50 năm thăng trầm, gian truân và ân sủng. Nguyện xin Chúa tiếp tục yêu thương và đồng hành với chị Têrêxa và ban muôn ơn lành trên chị cũng như Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế.
Hồng Nhi
(Giáo dân Lăng Cô)