Đầu năm nay, ở đoạn cuối “Lời chúc tết Mậu Tuất”, giữa tháng 2 -2018, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng xin nhắc nhở anh chị em: năm 2018 là năm kỷ niệm 30 năm ngày Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam. Năm mới Mậu Tuất sẽ là cơ hội thuận lợi để chúng ta suy gẫm, học hỏi và sống mẫu gương anh dũng của các bậc tiền bối trong đức tin”.
Ba tuần sau, ngày 05-03, trong cuộc hành hương Ad Limina, yết kiến Đức Thánh Cha, “Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, thay mặt các Đức giám mục nói lời chào mừng Đức Thánh Cha. Thay vì đọc diễn văn, Đức cha Giuse đơn sơ và kính trọng nói lên cảm tưởng đầu tiên rất vui mừng và ngưỡng mộ Đức Thánh Cha khi được trực tiếp diện kiến ngài rất vui vẻ tự nhiên, đơn sơ và gần gũi. Đức cha giới thiệu với Đức Thánh Cha dung mạo của Giáo hội Việt Nam qua vài con số. Giáo hội Việt Nam với ba giáo tỉnh Huế, Sài Gòn và Hà Nội, gồm 26 giáo phận, có 33 giám mục tại chức hôm nay đang hiện diện đầy đủ trước mặt Đức Thánh Cha, khoảng 4500 giáo xứ với hơn 4000 linh mục, 22 ngàn tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2400 đại chủng sinh, 7 triệu giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả nước. Giáo hội Việt Nam năm nay mừng kỷ niệm 30 năm tuyên thánh cho 117 vị tử đạo, thêm một chân phước tử đạo Anrê Phú Yên mà đúng ngày 5/3 hôm nay mừng kính ngài” (https://tonggiaophanhanoi.org/tin-tuc/tin-giao-hoi-viet-nam/13518)
Sau Hội nghị thường niên kỳ I/2018 tại Rôma, ngày 10/3 Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có một thư mục vụ gửi Cộng đồng Dân Chúa. Dù rất ngắn gọn, lá thư đã không quên “việc kỷ niệm 30 năm các vị Tử Đạo tại Việt Nam được nâng lên hàng hiển thánh (1988-2018)”.
Rồi ngày 01-5-2018 Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức công bố Năm thánh tôn vinh các thánh Tử đạo Việt Nam. Bỗng chốc như trên trời rơi xuống cho cộng đồng Dân Chúa Việt Nam trong và ngoài nước, ngay trước mắt, một năm thánh thật bất ngờ, dù chỉ kéo dài vỏn vẹn 5 tháng và 5 ngày, từ 19-6-2018 tới 24-11-2018.
Năm thánh Lòng Thương Xót kết thúc chưa lâu. Các giáo phận Nha Trang và Ban Mê Thuột vừa xong Năm Thánh. Giáo phận Qui Nhơn đang chuẩn bị bế mạc Năm thánh vào cuối tháng Bảy. Với bầu khí ấy, Năm thánh tôn vinh các hiển thánh có nguy cơ trở thành một chuyện vớt vát, bất đắc dĩ và sẽ hẩm hiu, ít được ai quan tâm. Thậm chí còn phải nhắc nhau tránh thái độ xem thường Năm Thánh và tâm trạng mỏi mệt vì nhiều Năm Thánh kế tiếp, xem Năm thánh như một gánh nặng thay vì là một Năm hồng ân. Các cộng đoàn, dòng tu, hội đoàn được mời gọi tích cực tìm ra những sáng kiến mục vụ thực hành Năm Thánh cách sinh động, vui tươi và hiệu quả, mang chiều kích chứng nhân, truyền giáo, hiệp nhất…
Thế nhưng làm sao nghĩ ra được điều gì đáng kể nếu mục đích không rõ ràng?
Năm Thánh đột xuất này nhằm mục đích gì? Ai cũng nghĩ đây chỉ là chữa cháy, phần nào tạ lỗi chuyện cách nay năm 2013 ta đã chẳng làm gì để đánh dấu kỷ niệm 25 năm sự kiện vĩ đại của Hội thánh Việt Nam. Thời điểm đáng nhớ ấy đã lặng lẽ trôi qua không kèn không trống. Cả lần này cũng không hơn gì mấy. Ta đã không nghĩ gì trước tới việc kỷ niệm. Mãi tới lúc những tờ lịch đầu năm 2018 bay vèo vèo trước mắt ta mới sực nhớ. Rồi suy đi nghĩ lại, bàn tới bàn lui, thấy không làm không được, dù nó có vẻ khá bạc bẽo!
Nếu ta đã nghĩ tới từ một năm trước, từ dăm ba tháng trước, hẳn đã có một sự chuẩn bị, một suy tư để đề ra một mục đích rõ. Đằng này, nước lên gần tới đầu gối rồi ta mới nhảy, vội đem một cái gì đó điền vào chỗ trống cho đỡ trống. Thế nhưng hình như Thiên Chúa lại có mục đích riêng của Ngài nên mới nhắc nhở và động viên vị đứng đầu Giáo hội Việt Nam quyết định thực hiện việc này. May thay, vị này đã không làm ngơ trước tiếng Chúa. Dù sao vẫn cần tỏ ra một chút thiện chí để nói lên lòng tri ân Tiên tổ, để rủ nhau cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa. Có lẽ Thiên Chúa chỉ chờ có thế. Ngài chỉ cần một chút lòng của ta là đủ để đưa tay ra chữa lành sự bất lực của ta.
Ông bà cha mẹ chiều cháu, chiều con, dọn sẵn quà cho nó, dỗ mãi cho nó chịu tỏ ra một dấu hiệu cỏn con nào đó có thể tạm cho là biết nghe lời, là đủ để có cớ trao quà cho nó. Ở đây cũng thế, ta chỉ mới quảng đại một tí teo trong hiện tại nhưng quà thì Thiên Chúa đã dọn sẵn tự bao giờ. Các mục tử trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa ký xong thư mục vụ, đang trên đường quay trở lại quê nhà cho kịp lễ an táng một người anh em Tổng Giám mục thì, từ Rôma, vị đại diện chính thức của Chúa Kitô trên trần gian công bố: “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay”. Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Tông huấn “Nên thánh” của Đức Thánh Cha nhắc ta rằng cái Năm Thánh cũn cỡn có vẻ giỡn chơi này là một tiếng gọi hết sức nghiêm túc: Hãy nối gót cha ông mà nên thánh theo đúng với sứ mạng Thiên Chúa đang trao cho trong thời đại này. Cha ông đã làm chứng bằng cái chết, con cháu hãy làm chứng bằng cuộc sống.
Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay khác với Tiếng Gọi Nên Thánh hồi ba mươi năm xưa trở về trước. Năm 1988 ấy cũng là thời đất nước chuyển mình về kinh tế, hướng tới cơ chế thị trường. Đoàn dân Chúa trên quê hương này không hề được chuẩn bị để đương đầu với cuộc thi mới chính Chúa đang đề ra: Đứng vững trước cơn lốc tiêu thụ. Cơn lốc mãnh liệt đã cuốn đi tất cả, cuốn theo cả một dân Chúa có chống chọi nhưng thật yếu ớt. Nó cuốn hết những cái đã từng khiến dân Chúa tại Việt Nam tự hào. Không ít người đã nói tới sự biến chất, sự mỏi mệt. Mọi chuyện có nguy cơ trở thành hình thức, sáo rỗng, vụ thành tích. Lửa nhiệt tình có nguy cơ tắt ngúm, từ trên xuống dưới. Chính trong bối cảnh ấy, tiếng gọi “hãy an ủi dân ta!” (Is 40,1) cộng hưởng với tiếng gọi “hãy nên thánh!” quyện thành một thông điệp hy vọng.
Xin được mở ngoặc để lưu ý một chút: Đó đây ta có thể nghe một vài người nêu những phát biểu trái chiều với Tông huấn Tiếng Gọi Nên Thánh (Tgnt). Thế nhưng, ở đây, ta sẽ học theo một kinh nghiệm rất quý của anh em Tin Lành (Tôi muốn nói đến anh em trong Hội thánh Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp Cơ đốc, đang hiện diện khắp Việt Nam, ở mặt tiền nhà thờ có ghi giản dị hai chữ “Tin Lành”, chứ không nói đến các giáo phái này nọ). Họ có thái độ rất nghiêm túc khi nghe giảng. Họ không bao giờ khen một mục sư “giảng hay”, thay vào đó, họ tạ ơn Chúa vì ông “giảng được ơn” – bài giảng của ông có đầy ơn Chúa và giúp người nghe nhận được ơn Chúa. Bình phẩm là tự cho mình quyền phê phán Lời Chúa, xem người giảng là thí sinh còn mình thì tự ngồi vào bàn giám khảo để chấm điểm. Thay vì phê phán Lời Chúa, ta hãy để cho Lời Chúa phê phán. Hãy đón nhận lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, đừng chạy trốn bằng cách phê phán lời kêu gọi ấy. Đừng theo đuôi bất cứ ai để bình phẩm Đức Thánh Cha.
Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Đức Thánh Cha đang tái hiện tinh thần Công đồng Vaticanô II trước mắt ta bằng hành động và giáo huấn của ngài. Năm năm qua, nếu mỗi chúng ta hưởng ứng 1% những gì Đức Thánh Cha đề nghị, có lẽ khuôn mặt Hội thánh đã đổi khác. Cần nghiêm túc nhìn lại xem bản thân ta đã hưởng ứng được phần trăm nào chưa?
Tông huấn “Tiếng Gọi Nên Thánh trong thế giới ngày nay” đã được dịch giả Phaolô Phạm Xuân Khôi nhanh chóng chuyển sang Việt ngữ rất chuẩn. Để góp phần giúp mọi người sống Năm Thánh, tôi đã trao đổi với dịch giả, xin phép duyệt lại đôi nét để có được một bản dịch dung dị, dễ hiểu, theo sát cách nói của Đức Thánh Cha, nhờ đó tông huấn Nên Thánh này có thể đi thẳng vào lòng những tín hữu Việt Nam chưa quen với các văn kiện giáo hoàng. Được dịch giả đồng ý, mặc dù khả năng đang lụi tàn vì tuổi tác, không làm được như mong muốn, tôi đã cố gắng tối đa và hiện đã có được bản dịch hiệu đính giới thiệu trên mạng, tại vanthoconggiao.net, tapsanmucdong.net, conggiaovietnam.net, thuvienconggiaovietnam.net, simonhoadalat.com vv…
Xin mời tất cả những ai có điện thoại cảm ứng, hãy tải xuống để có thể lắng nghe Tiếng Gọi Nên Thánh trên khắp mọi nẻo đường… không những để đáp lại lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam và của Đức Thánh Cha mà hơn nữa, trên hết, là của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đang an ủi Dân Ngài (x. Is 40,1) như chuyện đã xảy ra cách nay 30 năm.
Những người cao niên trong chúng ta hẳn còn nhớ bầu khí rất lạ lùng ba mươi năm trước. Giữa lúc cuộc sống thời “bao cấp” khiến mọi tầng lớp dân chúng phải tất bật đối đầu với đủ thứ khó khăn tư bề, thì hình như có tiếng loa một tổng thiên sứ nào đó ra lệnh cho tất cả phải dừng lại, tập trung chú ý vào một sự kiện lớn sắp diễn ra. Trên toàn cõi Việt Nam, mọi ngõ ngách từ thành thị tới thôn quê, mọi tờ báo lớn nhỏ, mọi loa phóng thanh trên các cột đèn không ngừng loan báo về các thánh chứng nhân của Chúa tử vì đạo tại Việt Nam. Khắp nơi, biết bao cuộc học tập, hội nghị và thảo luận. Không riêng người Công giáo mà tất cả mọi người, từ lớp tuổi hưu trí tới các em học sinh cấp một, đều được nghe nói tới các anh hùng tử vì đạo. Và rồi bản hành khúc “Tiếng nhạc oai hùng” không chỉ “vang trên khắp cõi trời Việt Nam” mà còn vang lên ngay giữa lòng thủ đô của Giáo hội, tại Rôma, ngày 19-6-1988, mừng 117 vị hiển thánh, sau đó, ngày 05-3-2000, mừng vị thứ 118: Chân phước Anrê Phú Yên.
Khi đã nhận ra mục tiêu cao cả là nên thánh, nhận ra tình thương an ủi của Chúa và cùng rủ nhau nên thánh theo ý Chúa muốn, thì dù chỉ vài tháng ngắn ngủi, Năm Thánh vẫn là một sự tôn vinh đích đáng dâng lên các Thánh tiền nhân chúng ta và dâng lên Thiên Chúa Chí Thánh.
Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh