1- Tin Mừng nơi Mộ Thánh Chúa
“Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. “Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (20,1-9).
Sáng ngày 17 tháng 10 năm 2018, Đoàn hành hương chúng tôi rời khỏi khách sạn lúc 6 giờ 45; đến chổ bãi đậu xe, chúng tôi đi bộ một đoạn đường chừng hơn cây số ngoằn nghèo trong các khu phố. Rồi chúng tôi đã đến nơi Đền thờ Mộ Thánh, cũng gọi là nhà thờ Chúa Phục Sinh khoảng 8 giờ sáng. Đến khá sớm nhưng chúng tôi vẫn xếp hàng sau nhiều đoàn hành hương khác. Có lẽ các đoàn này đã đi lúc từ tảng sáng như các bà đi viếng mộ Chúa ngày xưa chăng?
Xếp hàng theo dòng người để vào kính viếng nơi đã an táng Chúa. Từng bước từng bước một, cứ 2 đến 3 phút lại một bước… sau 3 giờ đồng hồ nhíc từng bước đến 11g00, đoàn chúng tôi từng người một cũng đã vào được bên trong ngôi mộ Chúa Giêsu. Bên trong ngôi mộ, ánh sáng của vài cây đèn điện vàng tạo nên sự linh thánh huyền nhiệm. Tôi đã quỳ xuống và hôn lên phiến đá, được cho là nơi Chúa đã nằm an nghỉ. Tôi đã thấy phiến đá dài bóng láng do bởi hàng triệu bàn tay sờ vuốt của khách hành hương qua hàng thế kỷ và tôi đã tin. Tôi đã tin trên phiến đá này là nơi an táng Chúa trước khi Ngài chỗi dậy từ trong cõi chết. Và tôi đã nghe văng vẳng tiếng thiên thần với những phụ nữ đi viếng mộ từ tảng sớm: “Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã sống lại như lời Người đã nói” (Mt 28,5-6).
Bên ngoài nơi lối đi vào cửa Mộ Thánh, có phiến đá người ta cho rằng người ta rửa xác Chúa nơi đây trước khi đặt vào mộ. Tôi thấy có nhiều người cũng đến sờ vào tấm đá này; có mấy người phụ nữ đến đổ dầu oliu thơm ngát trên phiến đá này rồi lấy những giải vãi và khăn choàng thấm dầu trên phiến đá này để mang về. Nghĩa cử của những người Kitô hữu sùng đạo nơi khu vực Mộ Chúa này làm cho tôi thêm cảm nghiệm sự linh thiêng của đức tin Kitô giáo vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Phải chăng là sự mê muội huyền hoặc? Không. Đó là những biểu cảm của đức tin của đông đảo Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới mỗi ngày về đây như Thánh Phaolô nói với giáo dân ở Côrintô: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích. Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi. Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy. Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết chỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô chỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Kitô chỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không chỗi dậy. Vì nếu kẻ chết không chỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Ki-tô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1Cr 15,1-23). Và trong những cảm nghiệm ấy, tôi xác tín và hy vọng Đức Kitô Phục Sinh, Đấng đã gieo mầm sự sống vĩnh cửu trong tôi, thì Người cũng sẽ cho tôi thông phần vào sự sống và vinh quang của Người trong ngày sau hết.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã chỗi dậy từ trong kẻ chết, xin cho chúng con đức tin mạnh mẽ vào ơn giải thoát tội lỗi và ơn Phục Sinh đời sống chúng con hôm nay và đời đời. Amen.
2- Ánh Sáng Phục Sinh từ trời quy tụ muôn dân khắp thế giới ứng nghiệm lời Kinh Thánh
Mộ Thánh Chúa cũng là nơi Chúa Phục Sinh từ trong cõi chết. Từ trên đỉnh vòm cao vút của đền thờ, ánh mặt trời xuyên qua chiếu sáng cả đền thờ (xem hình). Hình ảnh này biểu tượng Ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô đang quy tụ muôn dân tộc trên khắp thế giới đổ xô “trẩy hội lên đền” ở nơi đây, nơi Đền Thánh Giêrusalem này. Lời tiên tri bao đời đang ứng nghiệm hằng ngày muôn dân muôn nước vẫn đổ xô về tìm đến kính viếng Đất thánh, là nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã đến chia sẻ kiếp trần gian trong 33 năm, nhất là nơi khu vực Mộ Thánh này, Chúa Giêsu đã thực hiện cuộc thương khó tử nạn và phục sinh đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
“Ta cùng trẩy lên Đền Thánh CHÚA!”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
2 cửa nội thành, ta đã dừng chân.3
Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en” (Tv 122,1-4).
Theo như bà Riki Sela (người Do Thái), hướng dẫn viên hành hương, cho biết thêm một số chi tiết về tình hình hiện nay của các cộng đoàn Kitô ở nơi chung quanh mộ thánh.
Có 6 đơn vị cùng quản lý Mộ Thánh Chúa. Quản lý ở đây không mang màu sắc chính trị, nhưng tình hình ở đây phức tạp vì có nhiều cộng đoàn Kitô hữu. Các cộng đoàn Kitô hữu đã đến mua những phần đất chung quanh mộ thánh theo luật đất đai của nhà nước để xây dựng các công trình của họ. Có một nhà thờ Công giáo gần bên cạnh khu vực ngôi mộ này. Giáo Hội anh em chính thống Hy lạp quản lý một phần khu vực ngôi mộ này. Giáo Hội chính thống Arménia cũng hiện diện nơi đây. Giáo Hội Copte đông phương cũng được giao nhiệm vụ giữ mộ thánh này. Bên trái mộ thánh có cộng đoàn nhỏ bé người Syria thuộc Giáo Hội Essenien hiện diện, dù đang bị bách hại. Cuối cùng là cộng đoàn Kitô hữu Ethiopia mua lại phần đất nhỏ, tính theo mái nhà và họ ở trên đó. Đó là một cộng đoàn rất đạo đức, hằng ngày suy niệm các mầu nhiệm thánh và kinh nguyện. Có 2 gia đình hồi giáo đang làm chủ ngôi mộ này với chìa khoá đền thánh. Vì sao? Nguyên do như đã biết là người Hồi giáo đã đánh chiếm vùng này từ thế kỷ thứ 10. Các vua Hồi giáo đã làm chủ nơi đây từ lâu. Họ có quyền thu phí đền thờ.
Nhưng từ năm 1858 đến nay, người ta đã ra quy ước lấy chìa khoá để mở cửa đền thánh. Hai gia đình hồi giáo giữ chìa khoá chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Có 6 đơn vị quản lý ở đây phải tuân theo quy ước này rất chặt chẽ. Ví dụ như ban sáng cộng đoàn Kitô hữu Copte đến lấy chìa khoá từ 2 gia đình hồi giáo này thì chiều cộng đoàn Kitô hữu chính thống đến lấy chìa khoá trả lại cho 2 gia đình đó. Luân phiên 6 đơn vị như thế. Nhà nước Israel quản lý và hỗ trợ an ninh cho khu vực này để tránh xảy ra những tranh chấp. Nhà nước Israel chủ trương đây là một nơi văn hoá chung các dân tộc. Vì vậy mộ thánh cũng như thành phố Giêrusalem là nơi mở cửa đón tiếp tất cả các dân tộc đến từ muôn nơi trên khắp thế giới.
3- Ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô đã khai mở một kỷ nguyên mới cho nhân loại, và đang âm thầm chiếu soi khắp mọi nơi trong các tâm hồn tìm kiếm chân lý. Chúa Giêsu đã phán: “Chính tôi là ánh sáng cho trần gian, ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12).
“Ánh sáng, ồ ánh sáng đâu rồi?
Hãy lấy lửa thèm muốn nhóm ánh sáng lên nào!…
Thống khổ đến gõ cửa nhà ngươi,
nhắn lời rằng chủ ngươi đang thức,
và chờ ngươi tới nơi hẹn hò tình tự qua bóng tối màn đêm.
Chớp chợt sáng kéo màn âm u xuống thấp che kín mắt ta.
Tim ta lần lối tìm đường tới nơi nhạc đêm đang réo gọi.
Ánh sáng, ồ ánh sáng đâu rồi?
Hãy lấy lửa thèm muốn nhóm ánh sáng lên nào!
Sấm rền, gió cuốn rít kêu khắp bầu trời rỗng không.
Đêm tối như là tảng đá đen.
Đừng để thời gian trôi đi trong bóng tối.
Hãy thắp sáng đèn tình yêu bằng cuộc sống của ngươi.” (R. Tagore)
Lạy Chúa, xin chiếu sáng tâm hồn và trí khôn con bằng ánh sáng tình yêu của Đức Kitô Phục Sinh. Amen.
Lm Giorgiô Nguyễn Thành Phương