Trước thềm Bế Mạc Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

23/11/2018

Trong những ngày cuối cùng của Năm Thánh kỷ niệm 30 năm tôn phong hiển thánh cho 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ban ngành trong TGP Huế hiện đang gấp rút chuẩn bị cho Lễ Bế Mạc sắp đến sẽ được tổ chức tại Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang từ ngày 23 – 24.11.2018.

Và có thể nói khắp nơi đoàn con cái đang hướng lòng về Linh Địa La Vang trong niềm hiệp thông, cũng như trong những ngày này nhiều đoàn hành hương từ mọi miền đất nước đang háo hức về bên Mẹ để tôn vinh Mẹ là “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo”.

Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang có vị trí địa lý thuận lợi, là trung điểm cho việc hành hương từ hai hướng Bắc Nam, chính tại nơi đây cũng mang nhiều dấu ấn thiêng liêng về sự nâng đỡ, ủi an và chở che đoàn con cái Mẹ từ thời bắt đạo cho đến ban ơn để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện nay.

Trong dịp Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2018 này, đoàn con cái trong các giáo phận đều muốn dâng lên Mẹ những gì tinh túy nhất, cao cả nhất để chúc tụng, ngợi khen Mẹ, cũng như dẫn đưa đoàn người hành hương cùng hiệp thông với Mẹ trong mầu nhiệm lịch sử cứu độ của nhân loại, và theo dấu chân của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam để cùng Mẹ La Vang vào đời làm chứng.

Với những tâm tình đó, trong Đêm Diễn Nguyện vào lúc 20g30 ngày 23.11.2018 tại Linh Đài Đức Mẹ, sẽ có sự tham dự của 6 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Huế. Mỗi Giáo phận mang đến mỗi nét văn hóa, phong tục tập quán và lối sinh hoạt địa phương khác nhau.

Nói đến Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đây là vùng đất cố đô với nhiều danh lam, thắng cảnh, chùa chiền, lăng tẩm…với cảnh sông Hương, núi Ngự thơ mộng…Riêng người Công Ciáo khi nói đến Huế, người ta sẽ nghĩ ngay đến Đức Mẹ La Vang, đến ngôi thánh đường chính tòa Phủ Cam. Đây là một trong những nhà thờ lớn, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế nhưng được xây theo lối kiến trúc hiện đại do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.

Và một “di sản quý báu” khác của Tổng Giáo phận Huế nữa chính là máu 16 vị anh hùng tử đạo, đã đổ ra dưới chế độ của vua chúa, quan quyền với biết bao sắc chỉ cấm đạo, bắt bớ mà hôm nay trong dịp Năm Thánh có cơ hội để mọi người tôn vinh các Ngài.

Những trang sử đẫm máu của Giáo Hội Việt Nam vào thế kỷ thứ 19 còn ghi nhớ rằng: tất cả có 53 Sắc chỉ cấm đạo chính thức do các vua chúa ban hành nhằm khai trừ và tiêu diệt tận gốc đạo Thiên Chúa. Thế nhưng, những giọt máu của các chứng nhân tử đạo thấm đẫm mảnh đất hình chữ “S” thân yêu này đã khơi lên một mùa ơn cứu độ với triệu triệu Kitô hữu, đã, đang và sẽ tiếp tục đón nhận niềm tin Kitô Giáo. Từ đó khắp mọi miền vang dậy tiếng tung hô công đức của các anh hùng tử đạo Việt Nam.

Và giữa đoàn người anh hùng tử đạo này, Chân phước Anrê Phú Yên là người chứng nhân đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam. Ngài đã trở nên vì sao sáng trên bầu trời Quê hương Đất Việt. Vì cảm nhận và say mê Thánh Giá, nên Ngài dám sống cho đức tin và dám chết vì đức tin. Chân Phước Anrê vui mừng đón nhận phúc tử đạo vào ngày 26 tháng 7 năm 1644 khi tròn 19 tuổi xuân tràn đầy sức sống, tại gò Xử, Dinh trấn Thanh Chiêm, nay thuộc Phước Kiều, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Giáo phận Đà Nẵng. Với 3 nhát giáo, 2 nhát gươm, âm thanh sau cùng phát ra từ vị Tử Đạo là thánh danh “GIÊSU” mà Ngài yêu mến.

Hình ảnh Chân phước Anrê Phú Yên sẽ được phác họa qua tiết mục “Cùng Mẹ Maria và các Thánh Tử Đạo Việt Nam sống mầu nhiệm Thăng Thiên” của Giáo phận Đà Nẵng.

Mỗi vị anh hùng tử đạo đều để lại cho chúng ta nhiều bài học đáng trân quý. Qua sự trợ lực của Đức Mẹ, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã viết nên những trang sử đẹp cho Giáo Hội Việt Nam, để rồi hôm nay con cháu các Ngài có dịp được tái hiện lại những trang sử hào hùng và bày tỏ tình cảm qua các tiết mục như: “Nữ Vương Thiên Đàng”, do các Nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Huế phụ trách; “Lên đường làm chứng” do các Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế phụ trách. Hay hoạt cảnh “Chúa đã sống lại” và vũ khúc “Alleluia – Chúa đã sống lại”, gồm 200 diễn viên tu sĩ và giáo dân đến từ Giáo phận Ban Mê Thuột; “Chúa Thánh Thần hiện xuống” và Thánh tổ Stêphanô Cuénot Thể” đến từ Giáo phận Kontum; “Cùng các Thánh Tử Đạo Việt Nam khải hoàn với Mẹ” đến từ Giáo phận Nha Trang; “Đức Mẹ được tuyên phong làm Nữ Vương” đến từ Giáo phận Quy Nhơn.

Sự đóng góp của các Giáo phận trong Giáo tỉnh Huế, sẽ đem đến cho đêm diễn nguyện thêm phần sống động và phong phú, mang đậm những nét đặc sắc của mỗi văn hóa vùng miền, đồng thời cũng chuyền tải những nội dung của mầu nhiệm Năm sự Mừng.

Trước thềm Bế mạc Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, miền Trung xứ Huế đã bước vào mùa mưa. So với những năm trước, thời tiết năm nay thật khác lạ! Ước mong sao những ngày diễn ra Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2018, sẽ là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, để mọi việc “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi Ơn Chúa”.

Ban Truyền Thông TGP Huế