Số người chết trong động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria tăng lên gần 23.000, hy vọng tìm thấy người sống sót còn mắc kẹt tắt dần.
Các quan chức và nhân viên y tế cho biết 19.388 người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và 3.377 người thiệt mạng ở Syria sau trận động đất mạnh 7,8 độ hôm 6/2, nâng tổng số nạn nhân lên 22.765.
Cơ hội tìm thấy người sống sót tắt dần, mốc 72 giờ mà các chuyên gia coi là khoảng thời gian có khả năng cứu sống nhiều người nhất, đã trôi qua. Nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn do thời tiết băng giá.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 6.500 tòa nhà ở nước này đã bị san phẳng, 13,5 triệu người tại khu vực trải dài 450 km từ Adana ở phía tây đến Diyarbakir ở phía đông bị ảnh hưởng. Ankara đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng với 10 tỉnh để đẩy nhanh các nỗ lực ứng phó.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói trận động đất tạo ra “những khó khăn rất nghiêm trọng” đến kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 14/5.
Đội cứu hộ giải cứu người mắc kẹt do động đất ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/2. Ảnh: AFP.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an cho phép mở các điểm viện trợ nhân đạo xuyên biên giới mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để chuyển hàng viện trợ. “Đây là thời điểm cần đoàn kết, không phải để chính trị hóa hay gây chia rẽ. Chúng ta cần rất nhiều sự giúp đỡ”, ông Guterres nói.
Hàng chục quốc gia đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ứng phó hậu quả. Mỹ ngày 9/2 thông báo gói hỗ trợ ban đầu 85 triệu USD để cung cấp thực phẩm, nước uống, lều và phòng ngừa dịch bệnh tại những khu vực chịu thiệt hại.
Ngân hàng Thế giới cho biết sẽ cung cấp 1,78 tỷ USD cho nỗ lực phục hồi sau thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ước tính thiệt hại kinh tế do động đất gây ra có thể lên đến 4 tỷ USD hoặc cao hơn.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông đang trên đường đến Syria. “WHO đang hỗ trợ chăm sóc y tế tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất”, ông Tedros viết trên Twitter.
Nhiệt độ ở thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, gần tâm chấn động đất, giảm xuống -5 độ C, nhưng hàng nghìn gia đình đã qua đêm trong ôtô và lều tạm. Họ không về nhà vì lo sợ những cơn dư chấn. “Tôi lo sợ cho bất cứ ai bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong nhiệt độ này”, Melek Halici, người quấn con gái hai tuổi của mình trong chăn khi theo dõi lực lượng cứu hộ làm việc đêm 9/2, nói.
Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria là một trong những khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới. Trận động đất ngày 6/2 là trận động đất mạnh nhất Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua kể từ thảm họa cướp đi sinh mạng của 33.000 người năm 1939.
Như Tâm (Theo AFP)
Nguồn: vnexpress.net