Ròng rã gần 10 năm, mặc kệ mọi người “nói vào ra”, khuyên đi bước nữa, chị Thu Trang (39 tuổi, Phú Thọ) vẫn gắn bó, tần tảo chăm sóc chồng bị liệt, phải nằm một chỗ. Chị bảo, có lúc bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn anh cười, chị lại có thêm động lực để cố gắng….
Chuyện tình yêu của chị Nguyễn Thị Thu Trang (39 tuổi, Phú Thọ) và anh Nguyễn Văn Trung (39 tuổi, quê Yên Bái) vẫn được ví như chuyện cổ tích giữa đời thường. Cưới nhau được 3 tháng, anh Trung bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não, phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người khác.
Từ đó đến nay, ròng rã gần 10 năm, chị Trang thuê nhà trọ ở Hà Nội, tần tảo làm đủ mọi việc để có tiền chạy chữa và chăm sóc chồng. Người phụ nữ có thân hình nhỏ thó chỉ nặng 35 kg, cao 1,5m khuôn mặt khắc khổ liên tục bật khóc khi nhắc về những ngày tháng đã qua. Chị bảo, có lúc cảm thấy kiệt sức, tưởng không thể vượt qua được nhưng rồi nhìn anh cười, chị lại có thêm động lực để cố gắng bước tiếp.
Ngày định mệnh và ngã rẽ của đôi vợ chồng trẻ
Chị gặp anh vào năm 2007, tại một tiệm ảnh cưới ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ngày đó, chị là cô thu ngân xinh đẹp với nước da trắng ngần, nụ cười tươi duyên dáng còn anh là chàng trai từ quê Yên Bái xuống học nghề ảnh. Họ làm việc chung rồi cảm mến nhau lúc nào không hay.
Yêu nhau 1 năm, hai anh chị tổ chức đám cưới, về chung một nhà. Những tưởng đây sẽ là cái kết có hậu cho đôi vợ chồng trẻ. Thế nhưng, không phải lúc nào cuộc đời cũng diễn ra như cách người ta mong đợi. Cuộc sống tân hôn mới kéo dài được 3 tháng thì tai họa ập xuống.
Một buổi chiều tan làm, chị Trang gửi tin nhắn cho chồng, nhờ anh đến đón. Anh vui vẻ dặn vợ yên tâm ngồi đợi. Thế nhưng chỉ 30 phút sau, trước cửa tiệm xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng, chiếc xe ô tô của người đàn ông ngoại quốc đâm trúng người đi xe máy. Nạn nhân bất tỉnh, người dân quanh vùng hô hoán nhau chạy ra xem. Ngồi trong tiệm, lòng chị Trang nóng như lửa đốt, nhưng vẫn không mảy may hay biết.
Chỉ đến khi, người em làm cùng tiệm, hớt hải chạy vào thông báo: “Chị Trang ơi, anh Trung gặp tai nạn rồi”. Chị ngã khuỵa, nước mắt trào ra, không tin nổi vào tai mình. Anh Trung được đưa vào bệnh viện Phú Thọ cấp cứu ngay sau đó, bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị chấn thương sọ não, chảy máu trong, cơ hội sống chỉ được tính bằng vài phần trăm ít ỏi.
Sau 1 tháng hôn mê, anh điều trị thêm 2 tháng ở bệnh viện nhưng không tiến triển, kinh phí lúc này cũng cạn kiện, chị đưa anh về quê nhà Yên Bái với hy vọng “còn nước, còn tát”. Từ một người đàn ông khỏe mạnh, khôi ngô, tai nạn đã khiến anh không còn nhận biết được gì, toàn thân bị liệt, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác.
Một năm sau tai nạn, người đàn ông ngoại quốc liên hệ, đưa anh xuống Hà Nội châm cứu. Chị Trang cũng bỏ công việc, thuê nhà trọ, túc trực chăm chồng. Châm cứu được 4 tháng, anh cử động được tay trái, miệng có thể nói bập bẹ được vài câu đơn giản.Tuy nhiên, do bệnh tình của anh quá nặng nên các bác sỹ cho biết, việc điều trị chỉ có thể hỗ trợ giảm nhẹ đau đớn chứ không cải thiện được nhiều. Nghe đến đây, chị sụp đổ, mọi cố gắng, hy vọng như tan biến. “Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, thất vọng, bế tắc cùng cực. Nhưng rồi, nhìn anh, lại tự dặn lòng cứ cố gắng, biết đâu lại có phép màu xảy ra”, chị Trang xúc động nói.
“Có giai đoạn khó khăn, tôi đã tưởng mình không thể bước tiếp…”
Để tiết kiệm chi phí, chị đưa anh vào ở trọ trong xóm lao động nghèo. Ban ngày chị ở nhà chăm sóc, lo cơm nước, tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho anh, buổi chiều muộn tranh thủ 2-3 tiếng, chị bày chiếc bàn nhỏ ra đầu ngõ bán nước chè, ngô nướng để có thêm “đồng ra, đồng vào”.
Mãi sau này, một công ty giấy, thấy hoàn cảnh đáng thương của đôi vợ chồng trẻ, đồng ý nhận chị vào làm việc với mức lương gần 2 triệu đồng/ tháng.
Mỗi ngày chị thức dậy từ 5 giờ sáng, vệ sinh cá nhân và nấu ăn sáng cho anh. Xong đâu đấy, chị ngồi xoa bóp chân tay để anh đỡ đau nhức và máu được lưu thông. Anh bị liệt, nằm lâu nên các cơ xương cứng ngắc, để đưa anh lên ghế ngồi, chị phải rướn mình, dùng hết sức xốc anh lên vai rồi chật vật di chuyển từng đoạn nhỏ ra ghế. Mỗi lần như thế chị Trang phải xoay sở mất vài phút, trán đẫm mồ hôi vì mệt.
“Vất vả lắm vì anh nặng 65 kg, còn mình chỉ chưa đến 35 kg, nhưng không cõng anh ra ghế, để anh nằm lâu trên giường, người càng cứng, lưng lại lở loét, mình không đành”, chị Trang mắt ngân ngấn nói.
Hôm nào cũng vậy, lo xong việc cho anh cũng 7 – 8 giờ sáng, lúc đấy chị mới quay ra nấu ăn cho mình, hôm nào chồng ăn không hết, chị ăn luôn phần còn lại để tiết kiệm chi phí. Cũng may, bên cạnh xóm trọ có hội cơm chay từ thiện, buổi trưa chị xin 1 phần cơm cho mình, còn riêng chồng, chị dành tiền mua thịt cá, bồi bổ để anh có sức chiến đấu với bệnh tật.
Thời điểm vất vả nhất là khoảng thời gian hai vợ chồng mới chuyển xuống Hà Nội. Có những ngày, chị Trang bán hàng đến nửa đêm mới trở về phòng trọ, anh vệ sinh ra khắp giường, chưa kịp ăn uống, chị lại tất tả sắn tay vào dọn dẹp, lau rửa người cho anh. Sáng hôm sau, lại trở mình dậy sớm, tiếp tục công việc của một ngày mới.
“Ngày thường không sao, có những lúc anh ốm, mình ốm. Sốt mê man trên giường, mệt không dậy nổi. Nằm nước mắt chảy ướt gối, khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Cảm giác lúc đó bế tắc, cùng cực vô cùng, chỉ muốn kết liễu cuộc sống cho bớt khổ”, chị Trang thổn thức kể.
“Một ngày là vợ chồng, cả đời là vợ chồng”
Gần 10 năm chuyển xuống Hà Nội ở trọ, chăm chồng liệt, chị Trang chỉ về quê duy nhất một lần khi ông ngoại qua đời. Buổi sáng chị bắt chuyến xe sớm từ tinh mơ, thắp cho ông nén nhang xong đã vội vã xuống nhà trọ ngay. “Anh nằm liệt giường, chỉ nhờ được hàng xóm đảo qua cho anh ăn, còn việc vệ sinh cá nhân không ai làm hộ”, chị Trang nói.
Nhà chị Trang có hai chị em, dưới chị còn một em trai. Kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn, mẹ chị quanh năm đau ốm nên cũng không giúp gì được con gái. Mỗi lần nhớ con, bà lại “khăn đùm, khăn nắm” xuống Hà Nội. Lần nào cũng vậy, cứ gặp con gái là bà lại khóc tấm tức vì thương. Thấy mẹ lo lắng, chị Trang không đành lòng. Từ hồi chuyển chỗ trọ mới, chị giấu địa chỉ, không cho mẹ biết.
Gia cảnh nhà chồng chị cũng không khá giả hơn. Sức khỏe yếu lại bị thoái hóa nên gần10 năm hai vợ chồng chuyển xuống Hà Nội, mẹ chồng chị cũng chưa một lần gặp lại con trai. Thỉnh thoảng, bà gửi một khoản chi phí nhỏ hỗ trợ chị tiền bỉm sữa, chăm chồng.
Nhiều người thấy chị vất vả, khuyên nên tự tìm hướng giải thoát cho mình. Những lúc như thế chị Trang chỉ im lặng, quay đi giấu những giọt nước mắt chảy dài trên gò má. Chị bảo, ngày còn yêu nhau, anh chiều và thương chị lắm. Nhớ nhất là lần chị mổ ruột thừa, anh túc trực cả ngày lẫn đêm, vệ sinh cá nhân và không nề hà cả việc đổ phế thải cho chị.
“Tôi biết, anh thương vợ lắm, nhiều khi anh nhìn tôi mếu máo, môi bập bẹ không thành tiếng như muốn nói điều gì mà không thể. Vợ chồng sống với nhau, ngoài tình yêu thì còn cái nghĩa, cái tình. Tôi bỏ đi một mình sống thế nào cũng được nhưng còn anh, ai sẽ chăm lo anh mỗi ngày?”, chị Trang xúc động nói.
“Tôi còn sống, còn lo cho anh”
Gần 10 năm bên nhau, chị Trang và anh Trung không thể có con. Chị bảo, cũng có những lúc chạnh lòng, nghe tiếng trẻ con khóc, chị cũng mong lắm nhưng bản thân “bất lực, không biết phải làm sao”.
“Bây giờ có hai vợ chồng, đã phải chật vật lo kinh tế vất vả, có thêm một mụn con, rồi ai chăm sóc, lo lắng. Chuyện học hành cho con cũng tốn kém, lấy tiền đâu ra?”, chị tâm sự, mắt ngấn lệ.
Thấy vợ khóc, anh Trung ngồi bên cạnh cũng đưa đôi mắt vô hồn nhìn vợ, mếu máo khóc theo. Chị Trang lau vội nước mắt, rồi quay sang chồng dỗ dành: “Vợ chỉ tâm sự thôi, không phải giận chồng”. “Chồng thương vợ không? Thương thì cười lên xem nào?”, chị nắm và xoa nhẹ bàn tay của chồng.
Anh Trung môi mấp máy, khẽ bập bẹ khó nhọc tiếng: “Có”, rồi cười tươi như động viên vợ. Kể từ khi châm cứu, chị cảm giác anh hiểu được những gì mình nói. Cứ mỗi lần nhắc về vụ tai nạn, về gia đình đặc biệt thấy chị buồn là anh lại mếu máo, mắt ầng ậc nước khóc theo.
Chị bảo, anh thích xem hài, thích nghe nhạc “bolero”. Mỗi lần vợ cho ra ghế ngồi xem, anh cười thích thú, nhìn anh vui chị cũng bật cười theo. “Hôm nay vợ cắt tóc cho Trung, cho đẹp trai nhé”. “Cạo râu cho Trung nữa nhé!”. Nói rồi, chị mang chiếc khăn tắm quấn quanh cổ anh để tóc khỏi vương vào cổ. Cầm chiếc kéo cũ, chị Trang khéo léo cắt những sợi tóc dài, thao tác nhanh nhẹn và chuyên nghiệp không khác những người thợ lành nghề.
Gần 10 năm chăm chồng liệt, từ những việc nhỏ nhất chị đều tự học và làm cho anh. “Hồi đầu, mình cắt tóc xấu, anh biết đấy, nhất định không cho cắt đâu, cứ giãy giụa, kêu la hoài. Giờ hợp tác với vợ lắm, cứ khen chồng đẹp trai là anh lại cười tươi”, chị Trang cười kể, mắt lấp lánh hạnh phúc.
Trong xóm trọ chị Trang ở, ai cũng thương đôi vợ chồng nghèo. Thấy chị vất vả, bà chủ trọ giảm tiền phòng, chỉ lấy tiền điện nước hàng tháng. Bà con trong xóm, thỉnh thoảng có gì ngon cũng mang sang cho hai vợ chồng.
“Vợ chồng sống với nhau, ngoài tình yêu thì còn cái nghĩa, cái tình. Tôi bỏ đi một mình sống thế nào cũng được nhưng còn anh, ai sẽ chăm lo anh mỗi ngày?”Gần 10 năm bên nhau, chị Trang và anh Trung không thể có con. Chị bảo, cũng có những lúc chạnh lòng, nghe tiếng trẻ con khóc, chị cũng mong lắm nhưng bản thân “bất lực, không biết phải làm sao”.
“Bây giờ tôi cũng không tưởng tượng nổi, nếu một ngày mở mắt không thấy anh bên cạnh. Dù có nghèo đói, vất vả nhưng nhìn thấy anh tôi còn có động lực để tiếp tục cố gắng, bước tiếp”, chị Trang nghẹn ngào nói.
Nguồn: dantri.com.vn