Cha Giulio Simoncelli, nhà truyền giáo ở châu Phi

25/04/2019

Cha Giulio Simoncelli truyền giáo tại Cộng hòa dân chủ Congo 50 năm. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 cha viết một cuốn sách kể lại cuộc đời “tận hiến cho chúa từ trong bụng mẹ”

Cha Giulio Simoncelli kể khi còn bé có người hỏi cha: “Lớn lên con sẽ làm gì?” cha trả lời: “Con muốn trở thành một nhà truyền giáo”. Như thế ước mơ ra đi truyền giáo ngày càng lớn dần theo thời gian. Vào ngày 15 tháng 10 năm 1961, Giulio được thụ phong linh mục. Ước mơ truyền giáo của cha vẫn là Châu Phi. Ước mơ này được người mẹ khích lệ. Theo như cha kể, mẹ cha là một người phụ nữ cầu nguyện và có tinh thần mạnh mẽ. Khi cha Giulio xin bà ra đi, bà không những cho phép cha Giulio mà còn cho cả người con trai khác là cha Luigi cùng đi với cha. Cha Giulio nói: “Tôi là bản sao của mẹ tôi, ngay cả trong tính cách, và đối với tôi, tôi theo cách sống của bà, giống như các tông đồ theo gương Chúa Kitô”.

Ơn gọi truyền giáo

Sau một thời gian đào tạo, vào tháng 5 năm 1969, hai anh em được sai đi truyền giáo phía đông Congo, sống giữa những người thuộc bộ lạc Lega, châu Phi. Cha Giulio kể lại cuộc đời dấn thân truyền giáo qua những điểm mốc trong cuộc đời: “Khi người bản địa bắt đầu hiểu tôi, tôi có thể tham gia những sinh hoạt của họ; tôi cố gắng học ngôn ngữ của họ để giao tiếp, hiểu họ hơn. Có những buổi tối, xung quanh ngọn lửa khi họ cùng nhau hát, kể chuyện, nhảy múa. Tôi hiện diện cùng với họ. Sau đó có một phụ nữ lớn tuổi đến gặp và nói với tôi ‘Cha ơi, hãy nhảy như một người trong chúng tôi’. Tôi đã tham gia cùng với họ. Đó là sự tận hiến của tôi».

Một cột mốc khác liên quan đến cái chết của người anh trai yêu dấu Luigi. Cha Luigi chết vào ngày 10 tháng 2 năm 1970, trong một vụ tai nạn máy bay. Cha Giulio nói: «Khi nghe tin anh Luigi chết tôi như bị bất động, hóa đá. Luigi là nền tảng mà tôi đã xây dựng trong suốt những năm truyền giáo. Tôi như đã chết. Tôi cảm thấy cô đơn, tôi đã khóc rất nhiều. Rồi sau những ngày dằn vặt, một lần trước Nhà tạm, tôi hỏi Chúa Giêsu: ‘Giêsu, Ngài biết con cần gì’.

Ngay lập tức tôi cảm thấy mọi thứ thay đổi; tôi cảm thấy bình yên, niềm vui, như thể không có gì xảy ra, và tôi đã trở lại một Giulio như trước kia. Tôi hát, nói đùa, tôi vui vẻ, các cha và mọi người bạn ngạc nhiên. Nhưng thực ra nỗi đau vẫn còn bên trong và tôi không còn được như trước kia. Tôi cảm thấy tinh thần giảm xuống một nửa, bởi vì một nửa của tôi đã biến mất. Nhưng Chúa Kitô luôn lấp đầy mọi thứ. Ít năm sau, cháu trai đầu tiên của tôi, cũng là một nhà truyền giáo, đã thay thế Luigi. Lòng tốt của Thiên Chúa tật tuyệt vời”.

Tại vùng đất truyền giáo, mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng cha Giulio muốn cho cộng đoàn đang phát triển có một nơi để cùng nhau cầu nguyện, cha quyết định xây dựng một nhà thờ. Cha nói: “Tôi chỉ có năm trăm đô la nhưng với sự giúp đỡ của toàn dân, sau tám tháng, nhà thờ đã hoàn thành”. Và thời điểm đó, sau khi sắc lệnh của nhà cầm quyền độc tài có hiệu lực, nhiều biểu tượng tôn giáo bên ngoài các nhà thờ bị phá hủy; tuy nhiên cha vẫn quyết định xây dựng một Thánh giá cao, từ hàng trăm km người ta có thể nhìn thấy. Cha cho biết: «Tôi nói với các tín hữu sắc lệnh sẽ vượt qua nhưng Thánh giá vẫn hiện diện. Chúa nhật sau đó, Đức giám mục, với một chút lo âu về nhà cầm quyền, đã đến làm phép Thánh giá. Mọi người không có mặt tại buổi lễ. Bốn mươi năm đã trôi qua và Thánh giá vẫn còn đó”.

Con người của đối thoại liên tôn

Những người sống gần cha Giulio đều nhận xét rằng cha Giulio có một cuộc sống phiêu lưu. Cha có đôi mắt sống động trên khuôn mặt tươi cười và hóm hỉnh. Cha có nhiều kinh nghiệm trong mọi lãnh vực, luôn thích khám phá và một khát khao học hỏi vô tận. Với Hồi giáo, cha chuyên tâm nghiên cứu về kinh Koran, đến nỗi cha trở thành một chuyên gia về Hồi giáo. Cha nói: “Người Hồi giáo đã mời tôi ba lần để nói về giáo lý thánh thiêng và người Hồi giáo. Về phần họ, họ đã tham dự các bữa tiệc Giáng sinh và Phục sinh của chúng tôi”.

Vào năm 2011, với tuổi đã cao, cha Giulio được sai đến một nhà hưu dưỡng. Cha kể: “Họ nghĩ rằng họ sẽ cho tôi nghỉ ngơi, nhưng rõ ràng, họ không biết Giulio”. Và thực tế, vị linh mục không biết mệt mỏi đã cách mạng hóa ngôi nhà. Cha đã mở ra cho mọi người: một sân bóng đá dành cho nam và nữ, một ngôi nhà nguyện, tượng Đức Mẹ bên ngoài được bày trí thêm giúp mọi người có không gian cầu nguyện, hai phòng cho hội nghị và tĩnh tâm, một vườn rau rộng lớn, cha đích thân chăm sóc. Quả thật cha đã tạo ra một nơi xứng với cầu nguyện và làm việc.

Trong thời gian gần đây, sức khỏe của cha bị suy yếu do bệnh sốt rét nghiêm trọng, khiến cha không thể hoạt động như trước. Khi được hỏi về cái chết cha nói: «Cái chết ư? Tôi cảm thấy nó như một người bạn, người sẽ mở ra cho tôi sự suy ngẫm vĩnh cửu về Thiên Chúa tốt lành. Khi tôi đến trước mặt Chúa, tôi sẽ có một lời trách móc: “Tại sao Ngài lại gọi con muộn thế?”.

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican