Cuộc đời của nữ tu Emidia Bergamaschini, con người của cầu nguyện và yêu mến

16/06/2018

Vào ngày 29 tháng 5 2018, nữ tu Emidia Bergamaschini qua đời. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng sự ra đi của sơ là một niềm thương tiếc không chỉ đối với các chị em trong hội dòng mà cả những người sống xung quanh sơ. Thực vậy, sơ Emidia có dáng người bé nhỏ với giọng nói nhỏ nhẹ. Người nào may mắn gặp được sơ sẽ không bao giờ quên sơ. Không thể nào quên được cái nhìn đầy yêu thương của sơ, cùng đức tin kiên vững của sơ – có khả năng nâng đỡ những ai còn yếu đuối và mỏng dòn – tất cả kết hợp với trí thông minh và một cảm thức văn hóa sâu sắc.

Emidia sinh ngày 3 tháng 12 năm 1920, ở San Bernardino gần Crema, Ý. Vào năm 1939 khi chỉ mới vừa tròn 19 tuổi thiếu nữ Emidia quyết định dâng hiến theo tiếng gọi của Thầy Chí Thánh. Sơ chia sẻ rằng chính nhờ đọc tiểu sử của thánh nữ Têrêsa đã giúp thiếu nữ đang độ tuổi trăng tròn quyết định dành trọn cuộc đời cho việc phụng sự TC và tha nhân. Emidia gia nhập Dòng các nữ tu truyền giáo Thánh Tâm của Chúa Giêsu. Sau thời gian được huấn luyện sơ hoàn thành việc nghiên cứu với chuyên ngành văn học cổ điển, luận văn về thánh Augustino. Sau đó cuộc đời của sơ là một chuỗi những chặng đường thi hành sứ vụ truyền giáo: dạy học, truyền giáo ở châu Phi.

Trong cuộc sống, sơ luôn luôn xác tín vào Tình yêu Chúa một cách thẳm sâu, chính vì thế sơ luôn có một ý chí hoàn thành bổn phận một cách tốt nhất có thể. Người ta có thể nghĩ đến một nhà truyền giáo cầu toàn ở châu Phi, một một đất nước còn hoang tàn và bị tàn phá vì AIDS? Vâng đó chính là sơ Emidia, người đã ở đó cùng với các học sinh. Sơ luôn hướng đến các em với một sự chú ý và trìu mến, luôn sẵn sàng giúp đỡ các em nhưng không ngừng đỏi hỏi các em phải vươn lên, phải có tinh thần cầu tiến. Về phía các cộng tác viên và giáo viên trong trường cũng vậy; sơ không quên khuyến khích họ luôn cố gắng hoàn thành tốt bổn phận được giao với một tinh thần hăng hái và nhiệt thành.

Sơ là tác giả của những lá thư dài và đầy lòng trìu mến dành cho những người cộng tác với sơ, những người cần sự trợ giúp, cần lời khuyên của sơ. Sơ không bao giờ quên những người mà sơ đã gặp và những người mà sơ được giao phó. Sơ nhớ từng người với những ngày lễ kỷ niệm của họ, những ngày này được sơ ghi lại một cách cẩn thận về ngày giờ với những nét chữ đẹp và chính xác. Nhưng sự quan tâm của sơ đối với mọi người phải kể đến đặc biệt là những lời cầu nguyện của sơ dâng lên TC cho họ. Sơ nói rằng trên tất cả sơ bảo đảm sự giúp đỡ của sơ trong lời cầu nguyện, một sự trợ giúp mạnh mẽ hơn tất cả.

Thời gian cuối đời, sơ không thể làm gì được chỉ ngồi trên xe lăn và chầu Chúa Giêsu Thánh Thể thường xuyên trong nhà Nguyện. Nhà nguyện đối với sơ giống như một Thánh địa, từ đây sơ cầu nguyện không ngừng cho Giáo hội, cho hội dòng, cho thế giới. Đặc biệt, sơ nói sơ cảm thấy rằng bổn phận của sơ là cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho sự thánh thiện của các linh mục, cho những người thánh hiến, cho những người sơ biết và những người dấn thân chiến đấu cho một nền văn hóa của các giá trị Kitô giáo, để bảo vệ sự thật và các tiêu chuẩn đạo đức và luân lý, bảo vệ Giáo hội. Sơ nói sơ cảm thấy ở trong con tim của Giáo Hội, gần với những người tìm kiếm can đảm để bảo vệ văn hóa Kitô giáo, giá trị của cuộc sống, công lý, và bày tỏ điều này trên báo trí, trên truyền hình, để đóng góp làm sáng tỏ tư tưởng của Giáo Hội thường xuyên bị thao túng. Đọc mỗi ngày báo “Quan sát Roma” sơ cảm thấy như đây là một người hướng dẫn làm cho sơ gần với toàn thể thế giới: đời sống của Giáo Hội, giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, các hoạt động khác nhau của các Bộ của Giáo triều, thế giới truyền giáo, các Giáo Hội đang chịu đau khổ bách hại.

Sơ chia sẻ: “ngày 3 -12-2017, bước sang tuổi 90, khi tôi thức dậy, tôi đặt tất cả quá khứ vào trái tim của Chúa Giêsu, tôi đắm mình trong tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Tôi đã nói «CÁM ƠN» vì thời gian qua, tôi phó thác tương lai cho ý muốn của Chúa Cha, được bao bọc trong tình yêu của Ngài. Hôm nay tôi hiểu rằng tôi phải luôn luôn chú ý để nói “lời xin vâng” đi cùng với những Lời của Thầy Giêsu và những bất ngờ của tình yêu, bởi vì Thiên Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta làm cho Thiên Chúa vĩ đại trong đời sống công cộng và trong đời sống riêng tư. Điều này có nghĩa là tạo ra không gian mỗi ngày cho Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, bắt đầu từ buổi sáng với lời cầu nguyện và sau đó dành thời gian cho Thiên Chúa. Chúng ta không mất thời gian nếu chúng ta dâng nó cho Thiên Chúa “. (L’Osservatore Romano 31/5/2018)

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican