10 lý do để yêu mến truyền thống

22/04/2019

Cũ kỹ, lạc hậu, thiếu hiểu biết là những gì mà nhiều người nghĩ về truyền thống. Họ thẳng thừng chối bỏ truyền thống chỉ vì họ muốn chối bỏ nó mà thôi. Thế nhưng việc chối bỏ trở nên thật tệ hại khi chúng ta không thực sự biết đến điều gì làm cho mỗi truyền thống trở nên tuyệt diệu.

Khi tôi nghe nói về những truyền thống, tôi lại nghĩ ngay đến Đức Tin Công Giáo của mình cũng như là những bài hát trong phim “Người chơi vĩ cầm trên mái nhà-Fiddler On The Roof” đang vang trong tâm trí mình. Tôi xin trích một đoạn nhạc trong phim có nhắc đến tầm quan trọng của truyền thống: “ừ thì bởi vì truyền thống của chúng ta mà mọi người trong chúng ta biết được anh ta là ai và Chúa chờ đợi anh ta làm gì.”

Hầu hết con người ta nghĩ rằng họ chẳng ưa thích gì truyền thống nhưng chính những truyền thống lại là câu trả lời rõ ràng cho những tìm kiếm về ý nghĩa cuộc đời của nhân loại.

Nhiều truyền thống có thể đã quá xa xưa mà tôi cũng như bạn không biết chúng đã khởi sự ra sao. Có những truyền thống bị loại bỏ nếu như nó không tôn trọng phẩm giá con người. Nhưng truyền thống trong Giáo Hội lại là cách để mọi người gìn giữ Đức Tin của mình luôn sống động từng ngày.

10 lý do để yêu mến truyền thống

  1. Gia đình

Gia đình nề nếp luôn có những truyền thống cho những sự kiện hay nếp sống đặc biệt. Những điều đặc biệt đó nhằm giúp mọi thành viên trong gia đình nhớ về một ai đó hay điều quan trọng nào đó. Tương tự như thế đối với truyền thống của Giáo Hội. Với tư cách là một cá nhân, cả vũ hoàn, và với tư cách là một gia đình rộng lớn bao gồm cả các Thánh thì chúng ta vẫn có sự nối kết nào đó với tiền nhân. Truyền thống như với việc làm dấu Thánh giá chẳng hạn. Việc làm dấu Thánh giá không chỉ nối kết chúng ta với những chân lý trọng yếu trong Đức Tin mà còn nối kết ta với những người xung quanh. Người thì làm dấu Thánh giá đơn trên mình, một số người thì làm dấu Thánh giá kép và có người lại hôn ngón tay sau khi vừa làm dấu Thánh giá xong. Tất cả những điều đó cho chúng ta biết rằng chúng ta là một đại gia đình hạnh phúc với tất cả những người tin trên trần gian này và nơi Thiên Quốc. Bạn cảm thấy ra sao khi được nối kết vào những truyền thống này?

2. Văn hóa

Văn hóa là một phần của cuộc sống. Mỗi nền văn hóa có ngôn ngữ, cử chỉ, ẩm thực và phong tục tập quán riêng. Văn hóa cũng tuyệt diệu khi nhìn ngắm chúng tỏa sáng theo cách riêng của mình. Đạo Công giáo có thể được tin tưởng cách trọn vẹn và truyền bá bất kì nơi đâu trên hành tinh này. Đạo Công Giáo biến đổi con người ta trở nên một dấu chỉ sống động của Đức Tin với những gì họ có và ở chính nơi họ đang hiện diện. Trong dịp cử hành Tuần Thánh, chúng ta có những nghi thức chung được mọi nhà thờ Công Giáo cử hành. Nhưng chúng ta diễn tả những nghi thức ấy một cách rất riêng trên khắp hoàn cầu. Hơn nữa, chúng ta thúc đẩy văn hóa sự sống, tôn trọng phẩm giá con người từ khi thai nghén cho đến khi xuôi tay nhắm mắt trên khắp thế giới. Vậy bạn cảm nhận ra sao khi bạn thấy truyền thống đạo Công Giáo được diễn tả cách sống động trong nhiều nền văn hóa?

3. Thăng tiến

Truyền thống không phải là thứ gì đó èo uột đâu. Nó vẫn luôn lớn lên không ngừng đấy. Trải qua hơn 2000 năm, Giáo Hội Công Giáo không ngừng vươn rộng về các lĩnh vực Thần Học, Triết Học và cả những lời chứng của những người sống Đức Tin. Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể liệt kê ra hết các thánh đã từng hiện diện trên cuộc đời trần thế này! Chúng ta diễn tả truyền thống Đức Tin của mình cũng là truyền thống đã dẫn đưa các Thánh đến gần với Chúa xưa kia. Và những truyền thống ấy cũng cố gắng để cũng mang mọi người chúng ta đến gần với Chúa! Thế thì đời sống Đức Tin của bạn thăng tiến ra sao qua các truyền thống của Giáo Hội?

4. Mới mẻ

Dường như bạn nghĩ rằng truyền thống có thể giúp chúng ta lớn lên, nhưng nó chẳng có gì mới mẻ cả. Ấy thế mà lại có một điểm đủ mới mẻ trong truyền thống đấy! Ví dụ như bạn có thể thấy được truyền thống mới mẻ với mình qua một đời sống dâng hiến hay đi hành hương chẳng hạn. Cách khác, bạn có thể bắt đầu một truyền thống cá nhân bằng việc đưa Đức Tin của mình vào trong đời sống hằng ngày với một cách thức mới. Bạn cũng có thể trở nên thánh nhân và là người khai sáng truyền thống mới cho người khác để tìm gặp Chúa với sự trợ giúp của bạn. Nương theo truyền thống sẽ làm bạn trở nên mới mẻ! Đặc biệt là nơi Bí Tích Thánh Thể. Thế đâu là kinh nghiệm được biến đổi mà bạn có ngang qua những giờ Chầu Thánh Thể hay những khi Rước Lễ?

5. Sự tiến bộ

Cuộc sống quả thực thách đố chúng ta. Nó không chỉ thách đó trong những điều to lớn và còn trong những điều vụn vặt nữa. Trong một Giáo Hội xinh đẹp và sống động, chúng ta sống Tin Mừng cùng nhau ngang qua những mùa trong năm Phụng vụ. Một năm luôn có mùa Chay, mùa Phục Sinh, mùa Vọng, mùa Giáng Sinh hay mùa Thường Niên. Những mùa phụng vụ nhắc nhớ chúng ta về Chân lý cốt lõi trong Đức Tin. Mỗi mùa phụng vụ có ý nghĩa quan trọng, nghi thức và màu sắc riêng của nó. Các mùa phụng vụ đã giúp gì cho bạn để có thể trở nên người môn đệ trọn hảo hơn của Đức Ki-tô qua mỗi năm?

6. Sự hướng dẫn

Bạn đã từng tham gia một cuộc chạy đua tiếp sức chưa? Việc trao gậy tiếp sức có thể mượt mà hoặc có khi khó khăn hay thậm chí đánh rơi gậy tiếp sức luôn. Bạn thử hình dung xem cây gậy tiếp sức là Đức Tin của chúng ta và Đức Tin ấy được thể hiện qua các truyền thống. Tôi hy vọng bạn sẽ không muốn đánh rơi Đức Tin đâu nhỉ! Truyền thống không phải là một cái khuôn để rồi khiến tôi như bị mắc kẹt vào đó. Truyền thống là con đường tìm kiếm Chân Lý được chuyền tay nhau. Truyền thống Đức Tin còn giúp giải thoát người khác khỏi tội lỗi và sự kém lòng tin của họ. Thiên Chúa đã gìn giữ chúng ta bằng Chân Lý Đức Tin Ki-tô Giáo ngang qua các tông đồ và những bậc tiền nhân đã truyền lại Thánh kinh và Thánh truyền. Các ngài cũng đã trao lại cho chúng ta một vài truyền thống. Phần chúng ta là thực hành những truyền thống đó để chúng ta sống trọn vẹn điều đã thánh hóa chúng ta. Điều này cũng giống thắp lên một ngọn nến khi cầu nguyện vậy. Bạn cảm nhận thế nào về việc truyền thống hướng dẫn mình đến sự thật giải thoát?

7. Sự Thật

Với Truyền Thống chữ “T” viết hoa, Giáo Hội dạy chúng ta bằng những giải thích đích thực về Kinh Thánh như đã được dạy từ các Tông Đồ của Đức Ki-tô. Mark Brumley[1] đã chia sẻ trong bài viết của mình về sự viết “T” hoa và “t” thường[2]: “hơn thế nữa, Công Giáo chia ra truyền thống “T” viết hoa là điều đến từ Thiên Chúa cũng như là những truyền thống ngang qua Đức Ki-tô hay các Tông Đồ (Lc 10,16). Còn truyền thống “t” viết thường là truyền thống hay phong tục tập quán của con người… Lời của Đức Giê-su và hành động của Người đã thực sự chứng minh về một yếu tố trọng tâm về truyền thống (Mt 15, 6-9). Nghĩa là ý tưởng trọng tâm về Truyền Thống từ Thiên Chúa là được hiểu và áp dụng sứ điệp Tin Mừng cách chân thực. Trong Giáo Hội, chúng ta không chỉ có phong tục tập quán của nhân loại để giúp chúng ta sống thánh thiện. Bên cạnh đó, Thánh truyền cũng giúp chúng ta hiểu Thánh Kinh đúng nghĩa. Bạn cảm nhận chắc chắn ra sao việc chúng ta có thể biết hoàn toàn Chân lý trong Giáo Hội được đặt nền trên đá tảng là Đức Ki-tô?

8. Thánh Kinh

Theo tác giả G.K Chesterton[3], Thánh Kinh quả là một truyền thống của những bất tuân: “đối với những gì được nhiều người nhìn nhận thì phải luôn có một cuộc cách mạng. Vì trong lòng của một người, Thiên Chúa đã đặt dưới dấu ấn của Satan. Trong thế giới của hỏa ngục thì nổi lên chống lại Thiên Đàng. Nhưng trong thế gian này, Thiên Đàng lại đang chống lại Hỏa Ngục. Vì sự chính thống, có thể luôn có một cuộc cách mạng, vì một cuộc cách mạng là một cuộc tái tạo. Lúc nào đó, bạn có thể đứng về phía của sự hoàn hảo. Một sự hoàn hảo mà không ai có thể bắt gặp được vì Adam.”

Thánh kinh có thể không hẳn là một cuộc cách mạng đối với người khác. Nhưng với những ai thực sự ôm ấp yêu mến Thánh Kinh thì nhờ đó mà thay đổi mọi thứ. Bên cạnh đó, chúng ta còn có Thánh Truyền. Chúng ta cũng được trao ban Kinh Thánh ngang qua các vị Tông Đồ. Các ngài đã lưu tâm mà ghi chép lại Thánh Kinh cho chúng ta, cầu mong công trình ấy được đón nhận và truyền bá khắp nơi. Vậy Lời Chúa trong ngày sống và truyền thống của bạn đã tạo nên sự thánh thiêng ra sao?

9. Ân Sủng

Đức Maria là Đấng tràn đầy ân sủng. Ân sủng ở đây là món quà thiêng liêng đến từ Thiên Chúa. Chúng ta cũng sẽ đón nhận ân sủng vô cùng tận nơi Thiên Chúa ngang qua các Bí tích của Hội Thánh. Các Bí Tích như là nguồn chan chứa ân sủng cùng với truyền thống. G.K Chesterton đã nói lên một chân lý cho chúng ta rằng: “Chiến binh thực thụ chiến đấu không vì chiến binh ấy ghét điều đang trước mặt mình nhưng vì anh yêu những gì phía sau mình”. Bạn yêu mến “những gì phía sau” bạn như thế nào? Và đặc biệt, bạn đã chiến đấu để dành cho kỳ được ân sủng đầy tràn chan chứa của Đức Ki-tô ra sao khi tham dự các Bí tích?

10. Thói Quen

Truyền thống là điều chúng ta gìn giữ mỗi ngày và cuộc sống thường nhật là những điều giúp chúng ta hình thành nên những thói quen. Những điều quen thuộc đó lại giúp chúng ta thực hành các nhân đức. Các nhân đức lại giúp chúng ta sống một cuộc sống thánh thiện. Chúng ta đều được mời gọi để trở nên những vị thánh. Khi noi theo những truyền thống sẽ giúp chúng ta thực hành Đức Tin mà các Thánh đã sống. Chúng ta sẽ là lời đáp trả cho tiếng mời gọi của Chúa. Như thế thói quen của chúng ta mới không trở nên những thói quen vô hồn bất định với chút việc cầu nguyện đạo đức. Làm sao bạn sống được truyền thống trong đời mình để nó giúp bạn cầu nguyện không ngừng?

Tác giả: Genevieve Perkins

Dịch: JB Nguyễn Phi Long, S.J.

Nguồn: https://catholic-link.org

[1] Mark Brumley là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Guadalupe Associates và Tổng Giám đốc của Ignatius Press.

[2] https://www.catholic.com/magazine/print-edition/tradition-with-a-capital-t

[3] Gilbert Keith Chesterton (1874-1936). Ông là một nhà thần học giáo dân, văn sĩ. Ông là một trong những nhà văn kiệt xuất của thế kỷ 20