4 cách truyền giáo

30/10/2023

Bạn là người Công giáo và sống yêu thương. Bạn muốn chia sẻ Tin Mừng với những người quen biết, chẳng hạn các đồng nghiệp. Đó là sống dồi dào trong Đức Giêsu Kitô nơi Giáo hội Công giáo và là điều tốt lành!

Chúng ta thường nghe nói rằng người Công giáo và người Kitô giáo gây phiền toái, thúc ép, và cực đoan. Điều này chỉ đúng trong một số ít trường hợp, còn đa số chúng ta đều là những người thân thiện bình thường.

Tuy nhiên, hành động thân thiện khả dĩ chấp nhận không miễn trừ chúng ta đối với việc chia sẻ Tin Mừng. Thật vậy, đó là một trong số ít điều mà chúng ta thực sự phải làm theo lệnh Chúa Giêsu truyền: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20).

Có nhiều cách để chia sẻ Tin Mừng mà không thúc ép, gây phiền toái và cực đoan. Mục đích là tạo cơ hội để chia sẻ niềm vui về Đức Giêsu Kitô. Cách tốt nhất là “làm bạn với ai đó và đem người đó đến với Đức Kitô”. Hãy thử thực hiện những cách loan truyền Tin Mừng sau đây:

1. Sống hiền lành và hòa đồng

Người hiền lành vui vẻ sẽ thu hút nhiều người khác. Bạn có thể sống vui vẻ và hòa đồng ở mọi nơi mà không gây phiền toái cho ai. Hãy vui cười và sống tích cực. Hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô để nhìn mọi người và mọi thứ bằng con mắt đức tin.
Điều này không có nghĩa là bạn phải tỏ ra ngây ngô. Điều xấu có thể xảy ra, chẳng hạn như đau khổ. Nhưng đối với những người nhìn bằng con mắt đức tin và hiểu biết giáo huấn của xã hội, đau khổ có thể trở thành vinh quang của Thiên Chúa. Niềm vui trong Chúa là sức mạnh của chúng ta. Người ta sẽ “thắc mắc” không hiểu sao bạn lại sống lạc quan trong gian khó như vậy. Đó là tín hiệu tốt!

2. Yêu thương tha nhân

Đó có thể là điều cũ kỹ gây nhàm chán, nhưng đó lại chính là mệnh lệnh của Đức Kitô: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh emThầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).

Làm sao chúng ta có thể yêu thương tha nhân như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta? Có thể chúng ta cho là khó vì không hợp lý. Điều Chúa Giêsu đã làm trên Thập giá vì chúng ta là điều không thể lý giải theo trí tuệ của nhân loại: Chúa Giêsu chịu chết hoàn toàn vì người khác, tức là chúng ta. Như vậy chúng ta cũng phải sống hết mình vì tha nhân. Tại sao? Chúng ta đã được Chúa thương xót thì chúng ta có trách nhiệm và bổn phận phải thương xót tha nhân. Đó là công lý!

3. Phát triển các mối quan hệ

Nhiều người không có những người bạn đúng nghĩa, theo cách nói của người Việt là ít “bạn” mà nhiều “bè”. Đó là một thực tế. Đặc biệt là nam giới, thường chỉ ăn nhậu với nhau vậy thôi, chứ thực sự chưa hẳn là bạn.

Bạn bè với nhau có thể do cùng mục đích, cùng quan điểm, cùng sở thích,… Thực ra ai cũng có thể là bạn của nhau, dù khác nhau về niềm tin tôn giáo, nghề nghiệp, sở thích,… nếu có lòng nhân đạo, tình yêu thương. Tình yêu thương vô điều kiện, mà tình bạn là một dạng yêu thương, thế nên tình bạn không đòi hỏi gì cả.

4. Khuyến khích người khác sống tốt

Nhân chi sơ tính bổn thiện. Sinh ra ai cũng có bản chất tốt. Chúng ta luôn phải cố gắng vươn lên để đạt được điều tốt nhất, và phải nỗ lực tuân theo các giáo huấn của Chúa trong mọi hoàn cảnh, cùng đích là Nước Trời. Lên trời một mình là ích kỷ, nên chúng ta phải kéo người khác cùng lên. Thánh Phaolô nói: “Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng” (1 Cr 9:24).

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

https://www.ngonluanho.net/