Ngôn ngữ có nhiều mục đích, nhưng thông thường nhất, người ta sử dụng ngôn ngữ để diễn tả chính mình về các suy nghĩ, ý tưởng, ý kiến. Người ta sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, trong học tập, trong công việc, để đạt được mục đích nào đó, hoặc để hiểu biết lẫn nhau.
- Ngôn ngữ: tính quy ước
có lời và không lời
nói và viết
Khi bạn bắt đầu đọc những dòng chữ này, là bạn đang sử dụng ngôn ngữ, cụ thể là ngôn ngữ viết, với từng con chữ cụ thể. Cũng thế, khi nói, bạn sử dụng ngôn ngữ, gọi là ngôn ngữ nói. Như thế, có ngôn ngữ nói (tiếng nói), và ngôn ngữ viết (chữ viết). Không phải ai cũng có đủ cả hai loại này, vì có những người mù chữ (không biết chữ), nên họ chỉ dùng tiếng nói. Cũng có những người chỉ dùng chữ viết để bút đàm.
Không phải chỉ những người “khiếm khuyết” (mù chữ, bị câm) mới chỉ dùng một trong hai loại ngôn ngữ, mà ngay cả hầu như tất cả chúng ta, vẫn thường chỉ sử dụng một trong hai. Ví dụ, gọi điện thoại, chỉ là nghe nói. Ví dụ, nhắn tin trên facebook, thì chỉ là dùng chữ viết.
Trong cả hai trường hợp ấy (tiếng nói, chữ viết), ta tạm gọi là thứ ngôn ngữ cụ thể, có lời. Còn có loại ngôn ngữ không lời, đó là các cử chỉ, hành động, diễn tả cảm xúc. Các trẻ thơ bé xíu, tuy chưa biết nói, nhưng hiểu ý cha mẹ rất tốt bằng các cử chỉ, nụ cười, thái độ. Và cũng thế, chưa cần các bé nói, nhưng cha mẹ đã đủ hiểu hầu hết các trường hợp.
- Kinh nghiệm và tên gọi: tính cá nhân và cộng đồng
Đằng sau những chữ bạn đọc, đằng sau những lời bạn nói, có những hình dung diễn ra trong đầu. Nếu hai người nói chuyện với nhau, mà có những hình dung tương tự nhau, thì ta gọi là hiểu nhau. Còn nếu, quá khác nhau, thì chẳng thể hiểu, hoặc hiểu sai. Ví dụ, hai người cùng nói về cơm, nhưng nhiều người châu Âu chỉ nghĩ ngay đến cơm là một món họ có thể ăn vài lần trong năm, và được nấu theo cách của họ. Còn đối với người Việt, thì cơm là món ăn hằng ngày và có rất nhiều loại nhiều cách nấu khác nhau. Nhưng nếu nhắc đến rượu vang, thì người Việt sẽ nghĩ ngay đến một vài loại rượu đến từ châu Âu và họ từng uống một số lần nào đó. Còn đối với người châu Âu, thì có thể họ uống hàng ngày, và có rất nhiều loại khác nhau gắn với các dịp rất khác nhau.
Câu chuyện sẽ có thể đi xa hơn. Ví dụ, nhắc đến sông, thì với người miền Tây, đó cả là một trời kỷ niệm và gắn liền với cuộc sống. Nhưng với người miền núi Tây Bắc, thì sông lại có ý nghĩa rất khác. Nhắc đến các mùa trong năm, thì người miền Bắc ngay lập tức nghĩ đến 4 mùa: xuân hạ thu đông. Còn người miền Nam lại nghĩ đến 2 mùa: mưa và khô.
Tất cả những thứ hình dung diễn ra trong đầu như trên, tôi tạm phân loại chúng làm hai: đó là kinh nghiệm (khái niệm) và tên gọi (danh xưng, phạm trù). Các danh xưng được nhắc đến, như “cơm”, “rượu vang”, “sông”, “mùa”. Ý nghĩa được gán cho các danh xưng ấy, tùy thuộc và kinh nghiệm của mỗi người, mỗi nhóm người, hoặc mỗi dân tộc.
Ta tạm gọi “lời” là tất cả những gì biểu đạt ra bên ngoài của ngôn ngữ, và “ý” là ý nghĩa, là nội dung mà lời ấy có ý nói đến. Thế nhưng, trong những lời, có lời quan trọng mang tính quyết định, ta gọi đó là những lời then chốt, những từ khóa. Trong những ý, có ý là viên gạch để xây nên các ý khác, ta tạm gọi là các khái niệm. Tại sao những phân biệt này quan trọng? Rất quan trọng, bởi lẽ, nếu không ý thức được điều này, người ta không hiểu được, là tại sao họ không hiểu nhau.
Ví dụ, trong cùng gia đình, mà cha mẹ nói một đàng, mấy đứa con tuổi mới lớn, cãi lại, vì không đồng ý. “Không đồng ý”, tức là “không cùng một ý”. Khi những đứa con ấy cãi lại bằng lối nói của tuổi teen, các bậc cha mẹ nhiều khi cũng không hiểu cụ thể là con mình có ý muốn nói gì.
Các vị trong các chuyên môn khác nhau, cũng dùng các thứ ngôn ngữ rất khác nhau, có thể cùng một lời, nhưng ý hoàn toàn khác. Ví dụ, “nhị” trong việc đếm, có nghĩa là hai; còn trong âm nhạc, có nghĩa là một nhạc cụ. “Trời” trong Kitô giáo, có nghĩa là Thiên Đàng, là nơi có Thiên Chúa cùng các thần thánh ngự, là nơi hạnh phúc tràn đầy và vĩnh cửu. Nhưng “Trời” trong Phật giáo, lại có nghĩa là một trong các kiếp luân hồi, tức là có hạnh phúc, nhưng vẫn chỉ là tạm thời. Rất khó giải thích chữ “Duyên” trong kinh Phật cho người châu Âu. Cũng thế, rất khó giải thích các khái niệm triết học của châu Âu cho người châu Á. Bởi lẽ, đó là những truyền thống rất khác nhau.
Cũng thế, không thể giải thích kinh nghiệm sống chết trong chiến tranh cho những người cả đời sống trong nhung lụa. Cũng không thể giải thích kinh nghiệm nghỉ ngơi giải trí cả năm trời, cho những người cả đời chật vật kiếm sống mà hiếm khi có đến một ngày nghỉ. Như thế, người ta chỉ mặt đặt tên cho những vật, những người cụ thể (cơm, sông, rượu), và cho cả những gì là trừu tượng (ý kiến, niềm tin, tư tưởng).
- Trí khôn: tính phổ quát
Ý tưởng sẽ không thể hiểu được, nếu nó lộn xộn. Kinh nghiệm cũng không thể hiểu được, nếu không có một lối nhìn nào đó. Lời lẽ, nếu không có một trật tự nhất định, cũng không hiểu được. Các hoạt động ấy, thông thường ta gọi là các hoạt động do trí khôn điều hành.
Yếu tố này tuy mạnh yếu, nhanh nhạy hay chậm chạp tùy người, nhưng hầu như mọi người có nhiều nét tương tự nhau. Tức là, với một người có khả năng phán đoán lành mạnh, trong tình trạng mạnh khỏe và sáng suốt, được đặt trong tình huống tương tự nhau, thì sẽ sử dụng trí khôn của mình một cách tương tự nhau. Chúng ta thường gọi là lý trí. Hoặc chúng ta đồng ý với ai đó, bằng cách nói rằng: anh có lý. Hoặc người ta có thể đồng thuận với nhau, vì họ thấy cùng một hướng về cùng một vấn đề.
- Cõi nội tâm: nét riêng
Trong cõi nội tâm này, có cách phân chia của truyền thống khá hữu ích, đó là: trí nhớ, trí hiểu, ý chí. Ý chí là ý muốn của riêng bạn. Ý muốn ấy bộc lộ rõ hoặc ẩn đàng sau. Với những ý định khác nhau, sẽ thay đổi hoàn toàn câu chuyện. Trí hiểu, tức là các thói quen trong các nhìn nhận vấn đề của bạn. Đó cũng là các lối tiếp cận, các lối các cách mà bạn chọn để nhìn nhận vấn đề. Trí nhớ là toàn bộ ký ức của bạn: khi thức cũng như mơ, hoặc khi ngủ say, hoặc ngủ sâu. Trí nhớ bao hàm cả những gì tác động lên bạn mà bạn ý thức được, hoặc không ý thức được, bao hàm mọi vết tích của kinh nghiệm sống, ngay cả các ký ức của các thế hệ được khắc ghi trong ADN của bạn.
Giờ đây đụng đến vùng thâm cung bí sử của riêng bạn. Đó là bản năng, là lương tâm, là lương tri. Bản năng, người ta thường nhắc đến bản năng theo nghĩa xấu, tức là giống loài vật với các nhu cầu sinh tồn… Nhưng nhớ rằng, bạn không thể sống mà ngoài cơ thể của bạn, với tất cả những gì gắn liền với cơ thể ấy, với tất cả các cơ chế hoạt động ngày đêm. Lắng nghe và hiểu bản năng của mình, là điều rất hữu ích trong lối sống và luyện tập, cũng như cách làm việc và nghỉ ngơi, cũng như những thói xấu, hoặc những giới hạn mình cần đón nhận và cải thiện. Các bác sĩ chỉ hiểu cơ thể con người theo những mẫu nào đó. Các nhà tâm lý cũng thế, họ phân tích bản năng theo những cách định sẵn. Bản thân bạn, là một trường hợp vừa giông giống các trường hợp khác, nhưng cũng vừa rất riêng. Chỉ có một mình bạn, sống trong cơ thể của bạn mà thôi.
Nếu như bản năng, tạm gọi là điểm thấp nhất để nhìn, thì lương tri là điểm cao nhất và lương tâm là điểm sâu nhất. Lương tri vượt xa trí khôn. Vì trí khôn là trí khôn của tôi, còn lương tri là nơi tôi nhận ra những lý lẽ chính đáng của người khác, nhận ra sự thật vượt xa lý trí. Lương tâm, có khả năng rung cảm, ngay cả khi tôi vô cảm. Bởi vì, lương tâm như một nơi thánh thiêng, mà nơi đó, tôi không thể chối bỏ các khuôn mặt của người khác, tôi cũng không thể chối bỏ rằng: tất cả các cảm xúc và cảm nhận riêng của bản thân tôi, đều có tính tương đối của nó, và cần phải được đón nhận hoặc bị loại bỏ hoặc đơn giản là ở bên cạnh các rung động khác. Có thể tạm hình dung, một cách lành mạnh và hài hòa, tôi như một con thuyền trôi nhẹ theo dòng sông hiền hòa của bản năng, với bánh lái là lương tri, và lương tâm là nơi lắng nghe và chất chứa tất cả những rung động và cảm nhận trên hành trình ấy.
??? Để hiểu thực tế phức tạp
Thực tế là người trong cùng một mái nhà cũng không dễ hiểu nhau. Người trong cùng một mái trường, cũng không dễ hiểu nhau. Người trong cùng một vùng, không dễ hiểu nhau. Người trong cùng một dân, một nước, không dễ hiểu nhau. Người khác dân, khác nước, khác châu lục, càng không dễ hiểu nhau.
Làm thế nào để hiểu nhau, hoặc ít nhất là để hiểu người khác? Từ 4 điều phân tích ở trên, xin đề xuất 4 lối vào, từ ngoài vào trong, để tiếp cận ngày càng tốt hơn.
– (1) Cần học ngôn ngữ thích hợp: Đi cày mà không trâu, không thể cày được.
– (2) Cần có kinh nghiệm sống tương ứng: Không kinh nghiệm, không thể hiểu.
– (3) Đưa trí khôn của mình về tình trạng lành mạnh: Phán đoán lệch lạc, không thể hiểu.
– (4) Tập sống lương thiện, thành tâm thiện chí: Người hiền hiểu kẻ gian, kẻ gian chẳng hiểu ai.
Khi học một ngoại ngữ mới, nhiều khi người ta chỉ tập trung vào (1) mà rất ít quan tâm đến (2), hầu như quên mất (3), và đáng tiếc là nhiều khi ngầm từ chối (4). Do đó, người ta uổng phí thời gian và thất bại khi thấm nhập vào một ngôn ngữ và nền văn hóa mới. (4) chính là nội lực để vượt qua biết bao khó khăn và hiểu lầm bước đầu. (3) là cách định hình và tạo cầu nối. Cho dù cây cầu thường xuyên bị vỡ, nhưng luôn được xây lại kịp thời. (2) là dần dần nhận lấy những gì mới mẻ lạ lẫm trở thành quen thuộc, và đưa (1) từ phương diện lý thuyết trở thành có ý nghĩa cụ thể và đích thực.
Người viết đã cố gắng dùng những từ ngữ đời thường, bao nhiêu có thể; tránh sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của triết học, tâm lý, thần học, ngôn ngữ học… với dụng ý là hữu ích cho những ai quan tâm. Người viết cũng cố gắng không sử dụng lối viết chau chuốt, không sử dụng những từ ngữ đòi hỏi độ chính xác đặc thù, để thấy rằng, thực tế vượt xa ranh giới của ngôn từ, và để mở rộng tâm hồn, lối nhìn và khung văn hóa của bản thân, điều đấy cần nỗ lực rất lớn. Xin đa tạ và chúc mọi người nhiều niềm vui!
Tứ Quyết SJ
Nguồn: dongten.net