Đức Thánh Cha đã chọn biến cố Đức Giêsu Hiển Dung để làm chủ đề chính cho Sứ Điệp Mùa Chay năm nay. Trong Mùa Chay Thánh này, Chúa cũng đem chúng ta đến một nơi riêng biệt, lên một ngọn núi cao, để sống một trải nghiệm thiêng liêng đặc biệt cùng với Người. Sống tinh thần Mùa Chay là một quyết tâm được trợ lực bởi ân sủng, để vượt thắng thái độ phản kháng của chúng ta: khi đi theo Đức Giêsu trên con đường thập giá. Thật vậy, để hiểu và đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta phải được Đức Giêsu dẫn vào một lối đi riêng, phải được đưa lên cao, tách ra khỏi những quyến luyến lệch lạc của trần thế này. Hành trình leo núi đòi hỏi nhiều nỗ lực, hy sinh. Tiến trình hiệp hành cũng đòi hỏi những điều kiện tiên quyết như thế. Để hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong Mùa Chay Thánh này, thật là hữu ích: khi chúng ta suy niệm về mối tương quan giữa tinh thần khổ chế Mùa Chay và những yêu sách đòi ta phải dấn bước trong Tiến Trình Hiệp Hành mà Hội Thánh đang thực hiện.
Hành Trình Mùa Chay và Tiến Trình Hiệp Hành đều có đích điểm là một cuộc biến hình-biến đổi, ở cả chiều kích cá nhân, lẫn chiều kích Hội Thánh. Một cuộc biến hình-biến đổi có khuôn mẫu nơi Đức Giêsu Hiển Dung và được thực hiện nhờ ân sủng của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Để cuộc biến hình-biến đổi này có thể trở thành hiện thực nơi chúng ta trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta được đề nghị: suy niệm Biến Cố Hiển Dung theo ba lộ trình: (1) chiêm ngắm; (2) lắng nghe; (3) kinh hoàng.
1. Chiêm ngắm
Đức Giêsu đã chia sẻ kinh nghiệm ân sủng của Biến Cố Hiển Dung cho ba môn đệ. Toàn bộ đời sống đức tin của chúng ta là một trải nghiệm được chia sẻ. Chúng ta cùng được liên kết với nhau trong hành trình bước theo Đức Kitô. Do đó, Hành Trình Mùa Chay của chúng ta cũng chính là Tiến Trình Hiệp Hành, bởi vì, chúng ta cùng nhau đi trên một con đường, với tư cách là những người môn đệ của Đức Giêsu, và việc chúng ta phải làm trong Mùa Chay Thánh, cũng như trong Tiến Trình Hiệp Hành, không gì khác hơn là: bước theo Đức Kitô và tham dự vào Mầu Nhiệm Cứu Độ của Người cách sâu sát và triệt để hơn.
Khi Đức Giêsu biến hình, thì đồng thời, ông Môsê và ông Êlia cũng xuất hiện: Đức Giêsu kiện toàn Luật cũ, mà Môsê là đại biểu và hoàn tất lời của các ngôn sứ, lời hứa cứu độ, mà Êlia là đại biểu. Đức Giêsu không tách rời khỏi lịch sử Dân Người, nhưng đồng thời, Người cũng mang lại điều mới mẻ và mặc khải ý nghĩa sâu xa hơn cho lịch sử đó. Cũng vậy, Hành Trình Mùa Chay và Tiến Trình Hiệp Hành phải bắt nguồn từ truyền thống của Hội Thánh, nhưng đồng thời, cũng mở ra cho những biên cương mới lạ. Truyền thống là nguồn cảm hứng, nhằm giúp tìm kiếm những con đường mới: để vinh quang của Thiên Chúa được chiếu tỏ rạng ngời, sáng chói qua dung nhan của những con người, đã được mặc lấy chính Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.
Ở cuối hành trình, trên đỉnh núi cao, ba môn đệ được hưởng kiến Vinh Quang chói ngời của Đức Giêsu. Cũng vậy, chóp đỉnh của Hành Trình Mùa Chay và Tiến Trình Hiệp Hành, chắc chắn, sẽ là một điều gì đó làm cho chúng ta ngất ngây, ngỡ ngàng. Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý định của Thiên Chúa và sứ vụ mà Người trao phó cho chúng ta trong khi phục vụ Vương Quốc của Người. Càng chiêm ngắm Dung Nhan rạng ngời của Đức Giêsu, chúng ta sẽ càng được biến đổi, để trở nên đồng hình với Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta, để rồi, chúng ta sẽ sẵn sàng dấn bước theo lời mời gọi của Người, cho dẫu, phải đối mặt với biết bao nghịch cảnh, khiến chúng ta phải bàng hoàng kinh hãi…
2. Lắng nghe
Khi các môn đệ chiêm ngắm Đức Giêsu Hiển Dung, thì có tiếng từ trong đám mây phán ra: Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! Hành Trình Mùa Chay và Tiến Trình Hiệp Hành là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời mà Chúa muốn ngỏ với chúng ta: qua Hội Thánh trong Phụng vụ, qua thiên nhiên vạn vật, qua những biến cố của cuộc sống, và qua những con người đang sống bên cạnh chúng ta. Ước gì chúng ta đừng bỏ ngoài tai những Lời mời gọi yêu thương của Chúa! Sau khi đã lắng nghe Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng lắng nghe nhau. Do đó, lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau là điều cực kỳ quan trọng, mà chúng ta cần phải làm ngay trong Tiến Trình Hiệp Hành và trong hành trình của Mùa Chay Thánh này, để làm tiền đề cho công cuộc xây dựng một Hội Thánh Hiệp Hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ, mà chúng ta đang thực hiện.
3. Kinh hoàng
Khi nghe tiếng Chúa Cha, các môn đệ: kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Chúa Giêsu lại gần, chạm đến các ông và bảo: Chỗi dậy đi, đừng sợ! Chắc chắn rằng: Hành Trình Mùa Chay và Tiến Trình Hiệp Hành luôn hứa hẹn nhiều khó khăn thử thách, chúng ta phải đối diện với nhiều thực trạng nan giải cần phải vượt qua. Tuy nhiên, ánh sáng rạng ngời mà Đức Giêsu tỏ ra cho các môn đệ đã báo trước một chiến thắng vinh quang: Theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở với Chúa trong vinh quang. Đó là điểm đến của Hành Trình Mùa Chay và Tiến Trình Hiệp Hành. Do đó, sau khi chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, và lắng nghe lời Người mời gọi, chúng ta hãy mạnh dạn xuống núi, sẵn sàng đối mặt với bất cứ những gì sẽ xảy đến, cho dẫu, chúng không làm cho chúng ta dễ chịu chút nào.
Trước khi được chiêm ngắm Dung Nhan rạng ngời của Chúa, lắng nghe Lời Người, và được khích lệ can đảm lên đường, các môn đệ đã phải chấp nhận một sự “tách rời”: tách ra khỏi thời gian, không gian, và những mối tương quan quen thuộc hằng ngày.
“Sáu ngày sau”, thánh sử phải dùng đến cả sáu ngày, để thinh lặng, chờ đợi một biến cố trọng đại; “Một ngọn núi cao”, thánh sử cố tình không nói rõ tên, chỉ nói núi “cao”, mà có núi nào lại không “cao”? Vì thế, “cao” ở đây không chỉ là “cao” về không gian, mà còn “cao” cả về kinh nghiệm thiêng liêng; “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ”, thánh sử cho thấy các môn đệ được tách ra khỏi những mối tương quan cũ, nhỏ hẹp hằng ngày, để chuẩn bị cho một sứ vụ mới, với những mối tương quan mới, phổ quát đại đồng. Ước gì trong Tiến Trình Hiệp Hành và trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta cũng tự nguyện để Chúa tách chúng ta ra khỏi: thời gian, không gian, và những mối tương quan xưa cũ, để thiết lập một thời gian mới, không gian mới, tương quan mới của một “trời mới đất mới”, mà chúng ta đang được mời gọi bước vào. Ước gì được như thế!
Trước khi có thể “nhìn” thấy vinh quang Thiên Chúa, các môn đệ phải tạm thời đóng lại đôi mắt thể lý, bởi vì, mặt trời, và ánh sáng chói lòa không thể nhìn thấy được bằng cặp mắt thường. Trước khi có thể “nghe” được tiếng phán từ trong đám mây, các môn đệ phải tạm thời đóng lại đôi tai thể lý, bởi vì, chỉ có “đôi tai lòng” mới nghe được và làm theo những lời mời gọi của Chúa. Ước gì trong Tiến Trình Hiệp Hành và trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta cũng tự nguyện “đóng lại” các quan năng thể lý, để kích hoạt những khả năng thiêng liêng, mà thánh I-nhã gọi là: dâng lại cho Chúa: “cái có” và “cái là” của mình, tất cả là của Chúa, xin dâng lại cho Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa, chỉ xin ân sủng và tình yêu Chúa, như thế là đủ cho chúng ta. Ước gì được như thế!
Xin Chẳng Còn Gì…
Xin cho con chẳng còn các quan năng,
để con được mau mắn, gỡ mình ra khỏi những gì đang trói buộc
khiến con không thể nhìn thấy Chúa.
Xin cho con chẳng còn khả năng của thính giác,
để con được bình an, đi giữa tiếng sấm rền, thác đổ
của những đam mê, dục vọng trần gian.
Xin cho con chẳng còn khả năng của thị giác
để con được an toàn, tiến bước trên chiếc cầu hẹp giữa vực sâu
của những tham vọng, ích kỷ thấp hèn.
Xin cho con chẳng còn khả năng của vị giác,
để con được vui vẻ, nhấp cạn vị đắng chát
của những nhục nhằn, tủi hổ, khinh chê.
Xin cho con chẳng còn khả năng của khứu giác,
để con được dứt khoát, khử trừ mùi tanh tưởi
của những thèm khát quyền lực, giàu sang.
Xin cho con chẳng còn khả năng của xúc giác,
để con được can đảm, sờ chạm những gai góc
của những chống đối, loại trừ, quên lãng.
Xin cho con chẳng còn các giác quan,
để con được hân hoan, đắm chìm trong sự thông truyền, tỏa rạng…
của riêng một mình Chúa mà thôi! Amen!
(Theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha trong Sứ Điệp Mùa Chay Năm 2023)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB