Cổ nhân xưa nói rằng: “Phúc nhân cư phúc địa, phúc địa phúc nhân cư”. Đi tìm nơi phong thủy tốt không bằng tự tu dưỡng phong thủy tự nhiên trong chính bản thân mình.
Câu nói “Phúc nhân cư phúc địa, phúc địa phúc nhân cư” ý rằng, một nơi vốn dĩ có phong thủy không được tốt, người phúc đức đến sinh sống một khoảng thời gian, nơi đó phong thủy tự nhiên sẽ thay đổi và trở thành mảnh đất may mắn. Và ngược lại, nếu một mảnh đất được cho là có thế phong thủy nhưng người ở đó không có đức hạnh, dù có thay đổi thế nào thì cũng chẳng gặp may mắn hay phúc báo.
Do đó, muốn vận khí trong cuộc sống tốt lên, thay đổi tương lai tươi sáng thì chúng ta cần phải vun đắp cho chính mình đầu tiên. Đặc biệt, ai cũng cần chú ý tới 3 loại phong thủy tự nhiên của một con người như sau.
- Phong thủy đầu tiên của con người: Trái tim
Trau dồi trái tim nhân hậu
Nhân chi sơ, tính bản thiện. Lòng tốt là viên trân châu quý hiếm được ban tặng cho chúng ta. Người trao đi yêu thương sẽ nhận được yêu thương, trao đi chúc phúc sẽ nhận được chúc phúc.
Làm điều thiện thì không cần người khác hồi báo, vì giữ trái tim lương thiện đã là một loại phúc báo tự thân. Giống như người đi tặng quà có thể còn vui vẻ hơn cả người được nhận quà. Cho nên mới nói, người hiểu sự thiện lương thì cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Làm điều ác cũng không cần người khác trừng phạt, vì hình phạt lớn nhất đã luôn hiện hữu trong nhận thức và trái tim họ. Những thành tựu đạt được vì duyên cớ bất thiện chỉ đem tới sự lo sợ, hoang mang, chứ không thể thỏa mãn hay hạnh phúc.
Một người có thể giàu sang, cũng có thể nghèo khó, nhưng nếu mất lòng tốt thì cuộc đời mất gốc.
Trau dồi trái tim bao dung
Khi hiểu thấu, tự nhiên sẽ từ bi. Đặt bản thân vào hoàn cảnh người khác, suy nghĩ cho khó khăn của người khác chính là tiền đề để học cách khoan dung. Khi trái tim dịu lại, bạn mới bắt đầu biết tha thứ cho lỗi lầm đã xảy ra.
Khoan dung cũng có điểm mấu chốt của riêng nó, làm việc gì mà mù quáng cũng sẽ trở thành một loại điểm yếu.
Một người không hiểu lòng khoan dung sẽ mất đi sự tôn trọng của người khác, đồng thời, người bao dung một cách mù quáng sẽ đánh mất phẩm giá của mình.
Trau dồi trái tim khiêm tốn
Khiêm tốn là một loại tầm nhìn. Họ đã nhìn thấy một thế giới rộng lớn hơn, biết núi cao bao nhiêu, nước sâu bao nhiêu, cho nên học được cách bình tĩnh trước những thành tích nhỏ nhoi của mình.
Khiêm tốn cũng là một loại sức mạnh. Chúng giống như gốc cỏ dại, không quan tâm đến sự chế giễu của thế gian, cũng không mất thời gian chế giễu thế gian bên ngoài, mà luôn âm thầm tích lũy sức mạnh của chính mình.
Cho nên, cuộc đời có hai loại bệnh nặng cần chữa, một là bệnh lười, hai là bệnh tự kiêu. Giữ lòng khiêm tốn, trăm lợi mà không hại.
- Phong thủy thứ hai của con người: Miệng
Không nói sở đoản người khác
Cây cối cần vỏ, con người cần mặt mũi. Có ai sống mà không trọng thể diện, cho nên, đánh người thì không đánh mặt, nói người cũng không nói tới điểm yếu của họ.
Đây không chỉ là lưu ý để tu dưỡng phẩm chất, mà còn là cách để duy trì chất lượng các mối quan hệ xung quanh. Dù là vô ý hay cố tình, đừng nên chọc vào “vảy ngược” của bất cứ ai kẻo chuốc lấy thị phi và oán hận không đáng.
Người không kiểm soát được mồm miệng sẽ gây thù chuốc oán khắp nơi, con đường tương lai sẽ càng đi càng tắc.
Đừng nói lời khoác lác
Xưa kia có một phương sĩ tự nhận mình đã sống mấy ngàn năm, tận mắt nhìn thấy Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Xi Vưu, Nghiêu, Thuấn, Vũ… cho nên không gì không biết, không gì không hiểu.
Một hôm, nhà vua bị ngã ngựa, trọng thương, thái y yêu cầu phải có máu trên ngàn năm mới có thể chữa khỏi. Vì vậy, nhà vua lập tức mệnh lệnh giết vị phương sĩ nọ để lấy máu.
Bấy giờ, phương sĩ sợ hãi, không ngừng thanh minh rằng mình chỉ khoác lác mà thôi, nhưng không ai tin tưởng. Họ chỉ cho rằng, để giữ mạng nên hắn buông lời dối trá. Cuối cùng, phương sĩ vẫn bị giết một cách oan uổng.
Thế mới thấy, khoác lác lung tung, không biết nặng nhẹ, sớm muộn gì cũng phải trả giá đắt.
Không nói lời vô nghĩa
Ếch xanh trong ao kêu cả ngày, miệng lưỡi khô khốc cũng không ai thèm để ý. Nhưng gà trống chỉ cất lên 2-3 tiếng gáy lúc hừng đông, lại được người người lắng nghe.
Trong cuộc sống cũng vậy, lời nói có trọng lượng, có giá trị, có tính thuyết phục thì mới được người khác hoan nghênh. Đôi ba câu nói suông, vừa hời hợt, vừa ba phải, chỉ khiến người nghe thêm khó chịu.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, nói điều hay theo cách hợp lý mới có thể tạo thêm sức hấp dẫn cho chính mình.
- Phong thủy thứ ba của con người: Hành vi
Đừng đi lối tắt
Lối tắt giúp bạn tới đích thật nhanh, bỏ qua rất nhiều gian khó. Nhưng hành trình lại là một kiểu rèn luyện, giúp bạn xây dựng và vun đắp bản lĩnh của mình.
Cho nên, quá quen với lối tắt, bạn sẽ đạt được một số thành tựu mà không cần cố gắng gì nhiều, cũng không học được cách trả giá mồ hôi và tâm huyết. Đợi đến chặng đường tiếp theo, khi không còn lối tắt nào để tận dụng, bạn mới nhận ra mình đã đánh mất năng lực tự đương đầu với ghềnh đá khó khăn.
Đừng làm việc tổn hại
Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng coi việc ác nhỏ mà đi làm.
Hướng thiện bao giờ cũng khó hơn hướng ác. Nhưng trước khi làm bất cứ hành động nào có thể tổn hại đến người khác, cần nhớ rằng, dù trở nên giàu sang, nhưng lại mất đi nhân phẩm.
Đừng coi người khác là kẻ ngốc. Bạn gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, hành xử như nào, đối phương sẽ đáp trả y nguyên.
Đừng chiếm món hời nhỏ
Không có khoản tiền nào từ trên trời rơi xuống. Đằng sau tất cả những món hời đều có những những cái giá phải trả. Dù có chiếm được vật chất hay địa vị nhưng đánh mất sự tin tưởng, sự tôn trọng, cũng đánh mất tu dưỡng của bản thân, đây mới gọi là mất nhiều hơn được.
Đứng trước những cơ hội chiếm hời, chúng ta không ngu cũng chẳng ngốc đến nỗi không nhận ra. Chỉ là, chúng ta coi trọng tình cảm, lại càng không muốn vì lợi ích mà mất đi bạn bè, không muốn vì tiền tài mà chẳng còn người thân.
Biết nhìn thấu bên nào nhẹ, bên nào nặng mới là một loại trí tuệ, một loại phúc khí tự thân tu dưỡng mà thành.
LILY, THEO REVIVIEW 365 TỔNG HỢP
Nguồn: https://reviews365.net