Một ngày mùa thu, khi đi bộ ngang qua một công viên tôi chợt thấy một thiếu nữ người Mỹ đang chạy tới và ra tín hiệu cầu cứu. Tôi bước nhanh đến, thì ra đó là một con cò rất to đang bị nạn. Mặt hồ có vẻ cạn, nhưng con cò đứng đó bất động vì trên đầu của nó vướng phải một túi ni lông chứa đầy nước. Có lẽ đêm qua trong lúc lúi húi săn mồi, nó đã quên ý tứ cảnh giác đến những hiểm nạn có thể bất ngờ xảy ra trên mặt nước. Nhìn con cò đứng cúi đầu như một khúc củi khô, trông rất tội nghiệp.
Do động tác tháo giày vớ của tôi hơi chậm, cô gái ấy vì quá sốt ruột nên đã nhảy xuống hồ trước. Con cò nghe tiếng động mạnh, nó giật mình vỗ cánh bay đi. Nó bay trong dáng dấp quờ quạng vì nặng nhọc và kiệt sức. Nhưng bay độ chừng vài mét thì nó lại rớt xuống. Chỗ tôi đứng cách con cò khoảng độ hai mươi mét mà tôi cảm nhận được sự run rẩy vì sợ hãi rất lớn của nó. Tôi chưa kịp can ngăn thì cô gái ấy vì quá lo lắng cho thân phận con cò nên đã không kiềm chế được cảm xúc, bước thêm mấy bước nữa làm con cò hoảng vía bay luôn.
Mặt dù đã đuối sức nhưng nó vẫn cố bay lên, đôi cánh của nó vỗ liên tục như hai mái chèo của chiếc thuyền con chòng chành trong cơn nước lũ. Cô gái lên bờ ngồi khóc tiếc nuối, trách sao con cò ngây ngô và nhát quá.
Tôi động viên cô ấy cùng nhau đi tìm con cò, biết đâu nó vẫn chưa bay đi đâu xa. Quả thật, chừng nửa giờ sau chúng tôi phát hiện ra con cò đang đứng dưới hồ, nép sát vào một lùm cây to. Lần này tôi đề nghị cô ấy ngồi yên xuống để tôi thử sức. Tôi không chắc là con cò sẽ chịu cho tôi tới giúp, nhưng tôi nghĩ là mình sẽ làm khá hơn cô gái ấy bằng hành động thật nhẹ nhàng và cẩn trọng. Cứ mỗi lần di chuyển một bước là tôi kiểm soát hơi thở của mình. Đi được đôi ba bước thì tôi dừng lại mỉm cười để tạo sự tiếp cận thân thiện với con cò. Tôi biết năng lượng (energy) của tôi lúc này rất quan trọng, nếu con cò nhận được đúng tín hiệu muốn giúp đỡ của tôi thì tôi mới thực hiện được. Tôi tiến tới gần sát con cò mà nó vẫn đứng yên và hướng về tôi thăm dò, mặc dầu túi ni lông che phủ trên đầu khiến nó không nhìn thấy được gì. Tôi mừng lắm nhưng vẫn tiếp tục điều tiết cảm xúc của mình. Và thật mầu nhiệm, con cò đã chấp nhận cho tôi lấy túi nước nặng trĩu trên đầu nó ra. Hai con mắt của nó đã đỏ ngầu và mệt mỏi, dưới chỗ nó đứng thải ra rất nhiều phân, chắc nó đã hoảng hốt và tuyệt vọng nhiều lắm. Tôi gọi cô gái ấy tới sờ lên con cò một chút cho thỏa niềm thương xót rồi để nó bay đi.
Ngồi nghỉ ngơi, cô gái vẫn cứ thắc mắc tại sao con cò đã đồng ý cho tôi giúp đỡ mà từ chối cô ấy. Cô ấy hỏi tôi đã làm gì trong suốt quá trình đi tới con cò và khi chạm được nó. Cô ấy còn nghĩ là tôi đã dùng thuật thôi miên nữa chứ. Tôi cười bảo với cô ấy rằng tôi không có làm gì cả, nếu có, thì tôi chỉ đem hết định lực (concentration) của mình ra để duy trì năng lượng thương xót và muốn cứu hộ thôi. Tôi và cô đều có lòng thương xót và muốn cứu hộ con cò, nhưng cách thức mỗi người khác nhau và chính chỗ đó đã quyết định sự thành công hay thất bại.
Bạn có con cò nào để cứu giúp không? Và bạn đã thành công hay thất bại? Trong chúng ta ai cũng có thiện chí muốn cứu giúp kẻ đã vụng về gây ra lầm lỡ, nhất là người thân yêu của mình. Nhưng ta thường hay nhân danh tình thương rồi muốn làm gì thì làm, ta không hề biết đến cảm nhận và phản ứng của đối phương, nên không những ta không cứu giúp được mà làm cho tình trạng thêm tồi tệ. Không phải có tình thương rồi là ta muốn giúp ai cũng được. Ta phải có một khả năng để cứu giúp nữa. Điều đó cũng quan trọng không thua kém gì tình thương.
Phần lớn trong chúng ta khi nản lòng bỏ cuộc thì đều tuyên bố rằng tại vì người kia khó chịu quá, cứng đầu quá, cố chấp quá nên mình đành bó tay. Ta ít nghĩ được rằng có thể vì cách thức của ta còn sơ sài và yếu kém quá, khiến cho bên kia không nhận được tín hiệu đúng đắn của một sự giúp đỡ hết lòng, mà họ có thể nghĩ đó là một hành động tấn công, trừng phạt hay tiêu diệt. Như vậy là thất bại. Cho dù ta là cha, là mẹ, là thầy, là anh, là chị hay những bậc trên trước mà nếu ta không học tập cách thức để tiếp cận và tìm hiểu đối phương thì ta sẽ không bao giờ đóng được vai trò của người cứu giúp. Ta sẽ đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không hiểu vì sao.
Ta không thể bỏ mặt con cò vì ta có tình thương với nó. Nhưng con cò thì chưa chắc muốn ta giúp nó. Nó cũng có sự tự ái và kiêu hãnh của nó. Bản thân nó không cần đến một sự thương xót và giúp đỡ nào khác nếu không phải vướng vào cái tai nạn khốn đốn như lần này. Nhưng nếu sự giúp đỡ đó không đáng tin cậy, nó có thể nghĩ đó là một sự phỉnh gạt hoặc một thái độ miệt thị thì thà nó chết còn hơn. Nó cần sự tôn trọng dù nó đang có khó khăn. Nếu ta nghĩ rằng ngươi đã gặp khó khăn rồi mà còn không chịu ngoan ngoãn, dễ thương, quy phục thì cho ngươi chết cũng đáng lắm. Như vậy là ta sẽ không bao giờ cứu được con cò đâu. Ta phải vào vai của con cò, phải thấu hiểu nỗi đau khổ và tuyệt vọng của nó khi không tìm được cách thoát, phải hiểu tâm trạng lo lắng và sợ hãi của nó khi tiếp xúc với loài người mà nó không thường sinh hoạt chung. Nếu ta vẫn là ta, vẫn không nhập được vai con cò, vẫn đứng bên ngoài nhìn vào để trách móc, lên án, buộc tội thì ta sẽ đánh mất ngay cơ hội cứu hộ con cò.
Nhớ hồi nhỏ, ta chạy nhảy vô ý vấp phải ngạch cửa té nhào và khóc ó lên. Bà của ta sẽ chạy tới dỗ dành, bênh vực, và la rầy cái ngạch cửa sao hư quá đã làm cháu của bà té đau như vậy. Bà không có học tâm lý nhưng thấu hiểu được tâm trạng của ta trong lúc đó, bà đã vào được vai của bé thơ. Bà vào vai bé thơ một cách dễ dàng là tại vì bà cũng từng là bé thơ, nhưng bên trên đó là vì bà có nhiều tình thương và kinh nghiệm nuôi nấng nên đã không bị kẹt vào vai người bà đầy thẩm quyền của mình, sẵn sàng nhảy vào vai của bé thơ để cảm thông và che chở. Có thể khi ta hết đau buồn thì bà sẽ khuyên ta hãy cẩn thận cái ngạch cửa chết tiệt kia, chứ bà không bao giờ nhẫn tâm chê trách cháu của bà là hư hỏng cả. Đó là tài năng của người muốn cứu hộ.
Những diễn viên điện ảnh có năng khiếu và được đào tạo qua trường lớp nên họ vào bất kỳ một vai diễn nào cũng trở nên khá dễ dàng. Cố nhiên là họ cũng phải quan sát và học hỏi kinh nghiệm thực tế của nhận vật mà mình thủ vai. Còn những diễn viên không chuyên, tuy có năng khiếu nhưng lại không được sự trao truyền kinh nghiệm của những người chuyên môn thì họ chỉ vào được một ít vai phù hợp với tính cách có sẵn của họ ngoài đời mà thôi. Họ không thể hóa thân vào những vai vượt ngoài khả năng vốn có của họ. Đó là sự hạn chế tất yếu.
Ta đang thủ những vai diễn nào? Ta có kinh nghiệm gì không, hay chỉ dựa vào chút ngưỡng mộ với những vai vế trong xã hội hoặc thành đạt về kế sinh nhai mà ta nghĩ rằng mình có đủ khả năng để hiểu và cứu giúp một ai đó? Có một giáo sư dạy môn Triết trong trường Đại Học Nhân Văn đã đau khổ tột cùng vì không giáo dục được con của mình. Ông nghĩ rằng ông đã từng dạy hằng trăm nghìn đứa học trò thì ông đâu có thiếu khả năng để dạy dỗ một đứa con. Kết quả là vợ và con của ông đã dọn nhà đi nơi khác. Tôi đã kể cho giáo sư nghe câu chuyện cứu con cò và ông ta đã giật mình thức tỉnh. Lúc đó ông mới nhận diện ra rằng chỉ cần một lời nói hay hành động vụng về, thiếu thấu hiểu thì sự truyền thông giữa mình và người kia sẽ bị bít lấp ngay, dù đó là liên hệ nào. Khi trái tim của người kia đóng bít lại thì họ không còn muốn lắng nghe gì nữa, và ta sẽ không tài nào đi vào trong trái tim của họ được. Không vào được thì ta sẽ không bao giờ hiểu. Không hiểu thì ta sẽ không bao giờ cảm thông, chấp nhận và thương yêu cho có kết quả được.
Trong tình thương không có sự tự ái. Ta đã thương và đã có thiện chí muốn giúp thì cứ đi tới, ta đừng để dội lại bởi bất kỳ sự phản ứng nào của đối phương. Nhưng để làm được như vậy ta phải nhìn lại khả năng vào vai của ta bao nhiêu, điều này thực sự quyết định sự thành công của ta. Làm sao ta vào vai cha mẹ khi ta chưa từng có con? Làm sao ta vào vai người con trong khi ta lớn lên trong xã hội thuở còn bề dày đạo đức? Làm sao ta vào vai người vợ hay chồng khi ta chỉ là chồng hoặc vợ thôi? Làm sao ta vào vai người khó khăn khi cuộc đời ta có quá nhiều may mắn? Đó là một thách đố rất lớn. Mong rằng những điều chia sẻ trên đây giúp bạn nhìn nhận lại nhiều vấn đề đã trôi qua và đang tiếp xúc, trong đó bạn sẽ thấy lại mình nhiều hơn. Hy vọng lần sau tôi có thể đóp góp thêm cho tiến trình trở về tìm hiểu trái tim của bạn.
Minh Niệm