Những thói quen khi đi ngủ vô tình làm hại gan

20/04/2021

Gan là cơ quan chuyển hóa và giải độc chủ chốt, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của con người.

Một số chức năng quan trọng của gan phải kể tới:

– Chuyển hóa chất dinh dưỡng: Gan có vai trò trung tâm trong các quá trình trao đổi chất của cơ thể, vai trò tổng hợp và chuyển hóa các chất dinh dưỡng quan trọng như: chất béo, carbohydrate và protein.

– Thanh lọc và đào thải độc tố: Trong cơ thể, máu từ các cơ quan tiêu hóa tới gan thường mang theo chất dinh dưỡng, thuốc và các chất độc hại. Gan phát huy chức năng giải độc bằng cách xử lý, chuyển đổi các chất độc hại thành chất ít độc hại hơn nhiều sau đó vận chuyển tới thận và thải ra ngoài.

– Lưu trữ năng lượng: Bên cạnh việc tích lũy và giải phóng năng lượng, gan lưu trữ các vitamin, khoáng chất khác và giải phóng, đẩy chúng lại máu khi cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể.

Một khi gan mắc bệnh sẽ kéo theo các cơ quan khác của hệ thống và khiến cơ thể suy yếu.

Trên thực tế, nhiều thói quen trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đang “âm thầm” làm tổn thương lá gan.Điển hình là những sai lầm nhiều người thường mắc phải khi đi ngủ:

Bật đèn ngủ

Có khá nhiều người thích bật đèn khi ngủ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là thói quen có hại cho cơ thể, bởi vì ánh sáng ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ trọn vẹn của con người.

Các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên bật đèn ngủ có khả năng thức giấc giữa đêm rất cao, lâu dần sẽ làm giảm sắc tố melanin trong cơ thể, ảnh hưởng đến giấc ngủ bình thường. Khi chất lượng giấc ngủ bị giảm sút, sẽ ảnh hưởng đến quá trình tự sửa chữa của các cơ quan trong quá trình chúng ta nghỉ ngơi.Đương nhiên gan không nằm ngoài sự tác động này.

Nằm sấp để ngủ

Nằm sấp là một tư thế ngủ không tốt cho sức khỏe vì tim sẽ bị ép trong quá trình ngủ. Điều này sẽ làm chậm quá trình lưu thông máu bên trong cơ thể. Ngoài việc làm giảm chức năng tim, nó còn ảnh hưởng đến các cơ quan và bộ phận khác vì thiếu máu. Khi như lượng máu cần thiết cho gan không được cung cấp kịp thời sẽ khiến gan yếu đi và suy giảm chức năng.

Ăn khuya

Do hệ tiêu hóa của cơ thể con người thường ở trạng thái trì trệ sau 8 giờ đêm nên việc ăn vặt trước giờ ngủ sẽ dễ dẫn đến tích tụ mỡ, từ đó làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Đây là căn bệnh khởi đầu cho nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như viêm gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan.

Đi ngủ muộn

Muốn lá gan khỏe mạnh thì bạn không được thức quá khuya, vì 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng là thời gian để gan tự phục hồi.

Nếu bạn chưa đi vào trạng thái ngủ lúc này sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình gan tự giải độc. Những chất độc này tích tụ trong cơ thể mà không thể đào thải kịp thời, lâu dần sẽ làm giảm khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể, dẫn đến các bệnh ở gan hoặc các bộ phận khác.

Uống rượu bia trước khi ngủ

Uống rượu bia trước khi đi ngủ không chỉ tác động xấu đến chất lượng giấc ngủ, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của gan vì những chất độc hại có trong rượu bia.

Cồn và các chất khác trong rượu cần được gan chuyển hóa. Tuy nhiên, cơ thể con người trao đổi chất vào ban đêm rất ì ạch. Lúc này, chức năng giải độc của gan cũng sẽ giảm xuống. Chất độc tích tụ càng lâu trong gan mà không được chuyển hóa thì sức khỏe của lá gan càng bị ảnh hưởng.

Minh Nhật

Nguồn: dantri.com.vn