Sức khỏe: Điều gì xảy ra khi cơ thể bị stress?

01/10/2023

Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể dễ mắc bệnh vì làm giảm khả năng miễn dịch, hại cho tim và trí não, tăng viêm nhiễm.

Căng thẳng tác động đến các cơ quan trong cơ thể, từ hệ thần kinh, tuần hoàn đến tiêu hóa và miễn dịch. Nếu không được kiểm soát, căng thẳng kéo dài hàng tháng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là các tác hại do căng thẳng mạn tính gây ra.

Hại tim

Khi căng thẳng, nhịp tim và huyết áp tăng theo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bệnh cơ tim do căng thẳng là một dạng ít gặp, là sự suy yếu của tâm thất trái (buồng bơm chính của tim) khi thường xuyên căng thẳng nghiêm trọng về cảm xúc hoặc thể chất.

Theo Tiến sĩ Jennifer Haythe, Đại học Columbia (Mỹ), hầu hết trường hợp mắc bệnh này là phụ nữ. Bệnh cơ tim có thể xảy ra khi stress nặng như sau một cú sốc, người thân qua đời… Bệnh thường có triệu chứng đau ngực dữ dội và hội chứng suy tim cấp tính dù động mạch vành vẫn thông suốt. Nếu được điều trị, hầu hết người mắc bệnh sẽ hồi phục.

Tăng viêm nhiễm

Nghiên cứu năm 2017 của Đại học Quân y số 2 (Trung Quốc) cho thấy căng thẳng mạn tính làm tình trạng viêm gia tăng trong cơ thể. Viêm nhiễm là nguyên nhân của nhiều bệnh gồm tim, tiểu đường, đa xơ cứng (một bệnh rối loạn tự miễn dịch).

Theo nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc), căng thẳng mạn tính làm tăng nồng độ các cytokine gây viêm, một loại tế bào miễn dịch trong hệ thống phòng thủ của cơ thể khi nhiễm trùng. Các cytokine này được kích hoạt làm hại tim, tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn dịch. Thiền định có tác dụng chống viêm, làm giảm lượng cytokine trong cơ thể.

Bệnh tiêu hóa

Đường tiêu hóa có các đầu dây thần kinh và tế bào miễn dịch, tất cả đều bị ảnh hưởng bởi các hormone cortisol. Do đó, stress có thể gây trào ngược axit, cảm giác bồn chồn trong bụng, trầm trọng thêm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và bệnh viêm ruột.

Rối loạn hệ thống miễn dịch

Nghiên cứu năm 2007 của Đại học Belgrade (Serbia) cho thấy stress làm giảm khả năng miễn dịch, ví dụ cơ thể dễ bị cảm lạnh hơn. Tình trạng này cũng có liên quan đến sự phát triển của bệnh tự miễn. Bệnh này thường bùng phát trong hoặc sau các sự kiện gây căng thẳng.

Ảnh hưởng đến não

Theo Tiến sĩ Jennifer Haythe, quét não của những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương cho thấy nhiều hoạt động hơn ở hạch hạnh nhân, vùng não liên quan đến nỗi sợ hãi và cảm xúc. Stress có ảnh hưởng đến cách não xử lý thông tin.

Nghiên cứu năm 2007 của Đại học Toronto (Canada) trên 27 người cho thấy những thay đổi liên quan đến cấu trúc, chức năng và khả năng kết nối của não cũng xuất hiện ở người bị căng thẳng mạn tính. Những điều này ảnh hưởng đến nhận thức và sự chú ý, khiến bạn khó tập trung hoặc học hỏi điều mới.

Khó chịu

Theo nghiên cứu năm 2013 của Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương Đức trên 80 người, stress khiến cơ thể nhạy cảm hơn với cơn đau và gây đau do căng cơ. Mỗi người khi căng thẳng sẽ cảm nhận nỗi đau khác nhau.

Người thường xuyên stress cũng ít có khả năng ngủ ngon hơn. Chăm sóc giấc ngủ để có chất lượng tốt giúp khởi động lại hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa trầm cảm, khó chịu và kiệt sức.

Tăng nguy cơ ung thư

Theo Tiến sĩ Michelle L. Dossett, Trung tâm Y tế UC Davis (Mỹ), rất khó để liên kết trực tiếp căng thẳng với một căn bệnh cụ thể nhưng stress góp phần làm tăng nguy cơ ung thư. Hút thuốc, uống rượu quá mức và ăn uống vô độ khi stress dẫn đến béo phì làm tăng khả năng mắc ung thư và bệnh tật nói chung. Bệnh ung thư có thể phòng ngừa bằng sống lành mạnh.

Tập thở sâu, đi dạo, thiền hoặc tập yoga giúp giảm cảm xúc tiêu cực. Tham gia các hoạt động cộng đồng, chia sẻ với bạn bè, người thân cũng giúp giải tỏa cảm xúc.

Nguồn: vnexpress.net