Cầu nguyện không chán nản
Đức Giáo Hoàng lưu ý: Nhiều khi cầu nguyện có vẻ chán nản, nhưng lời cầu nguyện làm chán nản là lời cầu nguyện vẫn tồn tại trong mình, như một tư tưởng luôn quay vòng tròn. Ngược lại, lời cầu nguyện đích thực, không gây chán nản, khiến ta vượt ra khỏi mình, đó là lời cầu nguyện “Xuất hành”.
Đức Giáo Hoàng giải thích: Cụ thể, người Kitô hữu có 2 lối ra để sống lời nguyện “Xuất hành” này, đó là chiêm ngưỡng những dấu đanh của Chúa Giêsu và dấu đanh của anh chị em mình.
Đức Giáo Hoàng còn thêm: Thực ra, trong khi cầu nguyện, người Kitô hữu phải có can đảm đi vào cung thánh của Chúa Kitô, đấng cầu bầu cho con người, cũng như đi vào một cung thánh khác là những vết thương của anh chị em, đang đau khổ, đang vác thập giá.
Nhân danh Đức Giêsu
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tính mới mẻ của Lời Kinh Đức Kitô đã dạy: Đó là lời cầu với Chúa Cha, nhân danh Chúa Giêsu: “Thật, Thầy bảo thật anh em nếu anh em xin gì với Cha, nhân danh Thầy, thì Cha sẽ ban cho anh em.” (x. Ga 16,23-28).
Cha sẽ ban mọi thứ cho ai kêu cầu Ngài, nhưng luôn phải nhân danh Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh như vậy khi ngài xác định Chúa Giêsu luôn bầu cử cho con người với Cha. Thực ra, “Chúa Giêsu bước vào cung thánh nước trời như là một vị tư tế… Ngài bầu cử”
Khi một người kêu cầu với Chúa Cha, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, người đó sẽ nhớ đến Đấng bầu cử, và Đấng bầu cử sẽ cầu cho người đó trước mặt Cha. Vì thế, Đức Giáo Hoàng luôn khuyến khích chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu.
Đàng khác Đức Giáo Hoàng nhắc nhở rằng cửa đến với Thiên Chúa luôn rộng mở. Chúa Giêsu khi lên trời, về với Chúa Cha vẫn để cửa ngỏ. Không phải vì Ngài quên đóng, nhưng chính Ngài là cửa.
Dấu đinh của Đức Kitô
Theo Đức Giáo Hoàng, việc cầu bầu của Chúa Giêsu chính là việc Người tỏ Dấu đinh của Người cho Chúa Cha. Đức Kitô, khi phục sinh, thân thể Người tinh sạch: Những dấu roi đòn, gai nhọn hay bầm tím đều biến mất. Nhưng Người vẫn giữ những dấu đóng đinh, vì đó chính là lời cầu bầu với Cha. Qua những dấu đinh đó, Đức Kitô kêu mời ta tin vào cuộc tử nạn của Người và tin vào việc Người chiến thắng sự chết.
Đức Giáo Hoàng nói tiếp: Tất cả những điều đó cho chúng ta can đảm cầu nguyện. Ngài cũng lưu ý: Nếu chúng ta không vượt ra khỏi mình được để tiến tới những dấu đanh kia, chúng ta sẽ không bao giờ học được tự do, sự tự do đưa chúng ta ra khỏi chính mình.
Cuối cùng Đức Giáo Hoàng kết luận: Phải cầu nguyện trong niềm tin tưởng và can đảm với niềm xác tín rằng: Chúa Giêsu hiện diện trước mặt Chúa Cha, dâng lên Chúa Cha những vết đinh. Nhưng cũng phải cầu nguyện với lòng khiêm cung để thấy được những vết đinh của Chúa Giêsu nơi anh chị em đang cần đến chúng ta. (Viết theo bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô)
Nguồn: hdgmvietnam.com