Covid-19 bài học của sự thinh lặng

11/05/2021

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 trên đất nước Việt Nam chúng ta, nhưng lần này nguy hiểm và trầm trọng hơn các lần trước. Do nó đã lây ra cộng đồng và biến thể phức tạp của loại virus này. Thị Trấn Lăng Cô đang bị giãn cách xã hội để bảo đảm sự an toàn cho người dân, và để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Lăng Cô vùng đất du lịch, là sự giao thoa tiếp nối giữa Huế – Đà Nẵng. Lăng Cô đất hẹp người đông, cộng thêm khách tứ phương nên rất sinh động và náo nhiệt. Ai đã từng đến Chợ Lăng Cô một lần thì thấy rõ điều đó.

Giờ đây, Lăng Cô vắng tanh, lặng yên như tờ. Khi chúng ta đến thăm một ngôi Chùa hay các Đan Viện dòng tu, thì bầu khí và cảnh vật thật là yên lặng và sự yên tĩnh đó làm cho tầm hồn chúng ta được bình an và thanh thoát nhẹ nhàng. Còn yên lặng trước tình hình dịch bệnh này làm cho chúng ta nặng nề, khó chịu, nhất là đối với các bạn trẻ và các em nhỏ. Vì chúng ta chưa làm quen được với yên lặng cho nên một sự yên lặng đáng sợ. Tuy nhiên, trong mọi biến cố và hoàn cảnh nào đều có bài học và thông điệp muốn gửi đến chúng ta.

Qua đại dịch này, chúng ta học sự thinh lặng và trở về với chính mình.

William Shannon cách đây 30 năm đã đưa ra nhận xét: “Chúng ta đang sống trong thời đại của ngôn từ. Chúng ta bị ngạt thở, bị chôn vùi, bị tràn ngập vì ngôn từ từ mọi phía. Và những ngôn từ ấy thường ít gây ấn tượng nơi ta vì nhiều quá và hời hợt. Nó không phát sinh từ thinh lặng nhưng từ sự bận rộn”. Nhận xét ấy vẫn đúng và càng đúng hơn nữa cho thời đại thông tin và internet ngày nay. Tràn ngập thông tin và rất nhiều thông tin ở bề mặt, hời hợt, phiếm diện, thiếu chiều sâu. Thời đại lướt sóng chỉ có bề nỗi mà không có chiều sâu. Con người chạy đua với thời gian, sống vội, làm vội, ăn vội và nói vội…

Để lời nói có giá trị, cần thinh lặng, vì “Trong thinh lặng, tư tưởng phát sinh và có được chiều sâu. Trong thinh lặng, chúng ta hiểu rõ hơn điều mình muốn nói và muốn người khác đón nhận. Trong thinh lặng, chúng ta tìm cách diễn tả chính mình tốt hơn” (Sđ Truyền thông 2012).

Thinh lặng là miền đất phì nhiêu cho hạt lúa đơm bông. Thinh lặng là cung lòng người mẹ cho tư tưởng mang lấy hình hài. Nếu chúng ta không trân quý thinh lặng, ngôn từ sẽ thiếu chiều sâu và lời nói thành vô nghĩa. Như Thomas Merton diễn tả, “Nếu đời ta cứ tuôn ra toàn những lời vô ích, sẽ chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ cái gì, sẽ chẳng bao giờ ta trở thành bất cứ cái gì, và cuối cùng, vì ta toàn nói trước khi có cái gì để nói, ta sẽ trở thành người không biết nói”.

Trong Tông huấn Verbum Domini số 21, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã diễn tả sâu sắc rằng: “Phải thinh lặng để có thể lắng nghe Đấng không chỉ tỏ mình bằng lời nói nhưng còn qua thinh lặng. Như thập giá Đức Kitô cho thấy, Thiên Chúa cũng nói qua sự thinh lặng của Ngài. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách với Đấng toàn năng và là Cha, là một chặng quyết định trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Khi bị treo trên thập giá, Người đã diễn tả nỗi đau khổ do sự thinh lặng (của Thiên Chúa) gây ra: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mc 15,34; Mt 27,46).

Nếu Thiên Chúa là Đấng ngỏ lời trong thinh lặng thì làm sao có thể nghe được tiếng Ngài và đón nhận Lời Ngài khi ta không chấp nhận trở về trong thinh lặng?.

Hơn thế nữa, phải trở về trong thinh lặng để có thể nói với Đấng của cõi lặng. Khi đó, thinh lặng trở thành cầu nguyện trong chiêm niệm. Chiêm ngắm công trình tạo dựng kỳ vĩ và tuyệt hảo của Thiên Chúa. Chiêm ngắm hành động cứu độ qua những đường lối lạ kỳ của Ngài. Chiêm ngắm sự hiện diện vô hình mà sống động của Chúa trong những biến cố của Hội Thánh và thế giới: “Trong thinh lặng của chiêm niệm, Lời hằng hữu hiện diện cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và chúng ta khám phá ra kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong suốt lịch sử bằng lời nói cũng như hành động” (Sđ Truyền Thông 2012).

Nhờ thinh lặng, chúng ta mới lắng nghe được tiếng Chúa và đi vào sống tương giao với Ngài. Thinh lặng mời gọi chúng ta trở về với nội tâm, đối diện với những khuyết điểm và những hạn hẹp yếu đuối của con người thật của chính mình.

Trong khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không những sống thinh lặng, yêu thích thinh lặng, dạy thinh lặng, mà Chúa còn dùng sự thinh lặng như một phương thế hữu hiệu để hoạt động tông đồ. Khi thấy dân chúng rộn ràng, rầm rộ, muốn tôn Chúa lên làm vua, Chúa lặng lẽ lánh xa họ ngay (x.Ga 6,14-15).

Khi thấy dân chúng ồn ào, thôi thúc lên án người đàn bà ngoại tình, Chúa Giêsu thinh lặng để đem lòng từ bi thương xót vô biên của Thiên Chúa đến cho người tội lỗi, và người đàn bà tội lỗi nầy cũng thinh lặng, nên nhờ vậy mà cô hiểu được lòng Chúa xót thương vô bờ đối với cô. (x.Ga 8,9-11).

Trong hồi Thương Khó và Tử Nạn, Chúa Giêsu đã sống thinh lặng một cách lạ lùng: chịu nhiều nỗi khốn khổ sỉ nhục, bị hành hạ tra tấn ác nghiệt, thân xác tan nát vì roi đòn, tâm hồn ê chề trong buồn tủi đớn đau, bị điệu đi một cách nhục nhã từ tòa án nầy đến tòa án khác, nhận lấy biết bao nhiêu lời mỉa mai ác độc, vu khống trắng trợn, trong khi Thượng tế Caipha hống hách chất vấn, tổng trấn Philatô coi mình có quyền trên hết, vua Herode lấy khẩu cung một cách khinh dể, dân chúng gào thét dữ dội, tố cáo đủ tội, nhưng Chúa Giêsu vẫn thinh lặng (x.Mc 26,62-63).

Thế gian thích sự rộn ràng, náo nhiệt và ghét sự thinh lặng vì thinh lặng, tựu trung, là Chúa, là chân lý, là sự tốt, là sự thiện. Thinh lặng làm cho chúng ta dễ gặp Chúa vì Chúa không ở trong sự rộn ràng. Thinh lặng giúp chúng ta sống đạo đức vì trong thinh lặng, tính xấu và khuyết điểm của chúng ta sẽ bị phát giác và được chừa bỏ, tính tốt sẽ được chúng ta yêu thích và tập luyện.

Sự thinh lặng bên trong và bên ngoài là điều rất cần thiết cho đời sống đức tin của chúng ta.

Chúng ta hãy yêu thích sự thinh lặng bên ngoài và luôn cố gắng tạo cho mình một tâm hồn thinh lặng bên trong để được gặp Chúa, để yêu mến Chúa, để sống đẹp lòng Chúa vì Chúa không ở trong sự ồn ào.

Lời Chúa vẫn tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta hôm nay và lúc này: “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31). Tận dùng thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh này, chúng ta nghỉ ngơi thân xác nhưng bồi dưỡng tầm hồn bằng cách: suy tư, học hỏi, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa… Để từ đó, thinh lặng không còn là điều đáng sợ mà trở thành niềm vui và bình an trong tâm hồn.

 Đặc biệt, trong năm tôn vinh Thánh Giuse, vị Thánh của thinh lặng. Xin thánh Cả Giuse giúp chúng ta biết đón nhận và yêu mến sự thinh lặng để qua đó chúng ta nhận ra thánh ý Chúa.

Lời cầu nguyện của Mẹ Têrêxa Calcutta về sự thinh lặng: Lạy Thiên Chúa, Đấng ưa thích sự thinh lặng. Xin dạy chúng con thinh lặng để ở một mình với Ngài, trò chuyện, lắng nghe và thấm nhuần Lời hằng sống. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi con mắt, biết nhắm lại trước những vấp váp của tha nhân, biết quay đi trước những dịp tội gây xao xuyến. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi đôi tai, để nghe được tiếng kêu của người nghèo đói, để khép lại trước những mời mọc của ma quỷ. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi miệng lưỡi, để biết ca tụng Chúa và đem lại an vui cho muôn người, tránh mọi lời nói gây đau đớn, đổ vỡ. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trí khôn, để mở ra trước sự thật và khép lại trước dối trá. Xin dạy chúng con thinh lặng nơi trái tim, để tránh xa mọi ích kỷ, thù hằn, ghen ghét, để yêu mến và ước ao Thiên Chúa trên mọi sự. Amen

                                                                                   Lăng Cô, ngày 11.5.2021

Lm. Giuse Phan Văn Quyền