Đào tạo những mục tử biết phân định theo Thánh Thần

11/10/2024

Người mục tử sẽ học biết thoát ra khỏi những định kiến của mình và sẽ không coi thừa tác vụ là một loạt những việc phải làm hay những quy tắc phải áp dụng, nhưng họ sẽ làm cho cuộc đời mình thành ‘nơi’ đón nhận và lắng nghe Thiên Chúa và anh em. (Ratio 2016, 120)

1. Mở đầu: đào tạo linh mục cho một Giáo hội tham gia

Lời mời gọi của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới XVI nhằm hướng đến một Giáo hội hiệp thông – tham gia – sứ vụ được Giáo hội Việt Nam thể hiện với dấu nhấn về sự tham gia cho năm phụng vụ và mục vụ 2024. Dấu nhấn tham gia này thường được quy chiếu về giáo dân: linh mục hãy mời gọi và dành chỗ cho giáo dân trong đời sống của Giáo hội, và giáo dân hãy ý thức về phẩm giá, chỗ đứng của mình để tham gia vào đời sống Giáo hội.

Để có những linh mục phục vụ theo hướng tham gia ấy, cần phải đào tạo. Ngay chính trong việc đào tạo này, ứng viên chức thánh cũng cần sống tính chất tham gia và được tạo điều kiện cho sự tham gia của họ vào hành trình đào tạo bản thân. Tuy nhiên, tính chất tham gia này không dừng lại ở phương diện tổ chức mà còn đi vào tương giao giữa người với người và giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa đi vào dòng lịch sử nhân loại để đưa họ về với ơn cứu độ. Phần con người, họ cũng cần nhận ra con đường của Thiên Chúa để tham gia vào công trình ấy. Để đọc ra con đường thần linh ấy, con người cũng cần lắng nghe nhau để cùng nhau khám phá con đường của Thiên Chúa. Và như vậy, tính chất tham gia của Giáo hội không chỉ thể hiện nơi vài công việc, vài hoạt động nào đó với cách sắp xếp hợp lý, nhưng đòi hỏi những con người tâm linh. Các thành viên của Giáo hội phải thực sự là những con người của Thiên Chúa để có thể tham gia vào công việc thần linh.

2. Linh mục tham gia vào đời sống Giáo hội trong tư cách là mục tử và là đầu

Trong Giáo hội ấy, mọi thành phần đều tham gia vào đời sống chung, nhưng theo vị trí riêng của mình. Linh mục mang dấu ấn loại biệt là mục tử trong Giáo hội.

Linh mục là mục tử, đó là xác quyết quan trọng của Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới Pastores dabo vobis năm 1992. Và như thế, linh đạo của linh mục là linh đạo mục tử. Có thể nói những từ ngữ mục tử và những ý tưởng liên quan đến mục tử hiện diện trong từng trang của Tông huấn này. Ngay ở tựa đề, Tông huấn đã cho thấy ý tưởng chính yếu đó: Ta sẽ ban cho các các ngươi những mục tử (x. PDV, 1; Gr 3,15).

Mọi linh mục, dù là linh mục giáo phận hay linh mục dòng, tất cả cùng tham dự vào một chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, và như thế cùng tham dự vào sứ vụ là Mục tử và là Đầu của Chúa Kitô. Tuy nhiên, có thể nói rằng, linh mục ở giáo xứ là hình ảnh tiêu biểu nhất của người mục tử, bởi vì giáo xứ là hình ảnh tiêu biểu nhất của một đoàn chiên. Giáo xứ bao gồm mọi thành phần dân Chúa: người già và người trẻ, nam và nữ, người trí thức và người bình dân, người mạnh khoẻ và người đau yếu, người giàu và người nghèo, người kết hôn và người độc thân, người có mái gia đình hay người neo đơn… Đó là một đoàn chiên tiêu biểu gồm mọi thành phần, không có chọn lựa. Linh mục phục vụ ở chủng viện thì phục vụ cho những người được tuyển chọn cho mục đích đào tạo những linh mục tương lai. Linh mục dòng thì phục vụ cho những người là đối tượng của đặc sủng của dòng. Chỉ có linh mục ở giáo xứ là phục vụ cho mọi thành phần, không có chọn lựa. Nếu vì lợi ích mục vụ mà phải phân chia trách nhiệm giữa các linh mục ở giáo xứ, người thì lo cho gia trưởng, người lo cho các bà mẹ, người lo cho giới trẻ hay thiếu nhi, thì cha xứ vẫn là người phải chịu trách nhiệm về toàn bộ đoàn chiên. Và khi cử hành bí tích thì các linh mục ở giáo xứ không chọn lựa đối tượng, không chọn ai, bỏ ai: ai hấp hối cần được xức dầu, ai cần lãnh nhận bí tích Hoà giải… thì mọi linh mục ở giáo xứ đều phải thi hành nhiệm vụ linh mục của mình như là mục tử.

Vì sứ vụ phục vụ cho mọi thành phần dân Chúa như vậy, tôi thiết nghĩ nên bỏ cách gọi “linh mục triều” rất quen thuộc nhưng không thích hợp với các linh mục giáo phận (prêtre diocésain) đảm trách sứ vụ ở giáo xứ. Linh mục Huỳnh Trụ đã có bài viết giải thích từ ngữ “linh mục triều” mang ý nghĩa thuộc về triều đình.[1] Không rõ trong dòng lịch sử của đạo Công giáo ở Việt Nam, ai đó đã đặt ra từ ngữ này. Hẳn là họ khá thông thạo lịch sử Giáo hội, vì có thời các giám mục, linh mục đã thường xuyên lui tới các triều đình, các dinh thự của vua chúa, và “việc phục vụ” của họ dành cho giới này khá nhiều!

Trong những trình bày của mình, Tông huấn Pastores Dabo Vobis rất nhiều phen gắn liền hai từ ngữ “mục tử” và “đầu” khi nói về Chúa Kitô. Hai từ ngữ ấy có chút khác biệt và bổ túc cho nhau. Linh mục được mời gọi tham dự vào hai sứ vụ làm mục tử và làm đầu trong dân Chúa. Sứ vụ làm mục tử nghiêng về ý nghĩa yêu thương, chăm sóc, trong khi sứ vụ làm đầu nghiêng về sự hướng dẫn. Và sứ vụ thứ hai này đòi hỏi khả năng phân định theo Thánh Thần.

3. Đào tạo linh mục về đức ái mục tử và khả năng phân định

Trong khi nhấn mạnh về hình ảnh mục tử của linh mục, Pastores Dabo Vobis lưu tâm đến đức ái mục tử như là “phẩm chất loại biệt của việc đào tạo linh mục” (PDV 72). Tuy dù tính chất làm đầu của đoàn dân vẫn được Pastores Dabo Vobis lưu tâm và thường dùng từ ghép “mục tử và đầu”, nhưng văn kiện về đào tạo linh mục của Bộ Giáo Sĩ năm 2016[2] mới cho thấy tầm quan trọng của khả năng phân định trong cuộc sống của chính linh mục cũng như trong việc mục vụ, mà theo tôi nghĩ, đó chính là điều cần thiết để sống vai trò là đầu của linh mục trong cộng đoàn dân Chúa.

Nếu như hai vai trò mục tử và đầu bổ túc cho nhau, thì đức ái mục tử và khả năng phân định cũng bổ túc cho nhau. Khả năng phân định giúp cho linh mục có “khả năng đọc được cuộc đời người khác” (Ratio 2016, 120). “Ai lắng nghe Thiên Chúa và anh em đều biết rằng chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt Giáo hội đến chân lý toàn vẹn” (Ratio 2016, 120). Như vậy, chính khi có khả năng phân định theo Thánh Thần, linh mục trở thành mục tử đưa đoàn dân bước theo Thánh Thần. Và đó mới là vị mục tử đích thực, là mục tử có đức ái đích thực, vì họ đưa đoàn dân đi vào sự sống thần linh. Không dừng lại ở khả năng phán đoán (jugement) như là một phẩm chất cao quý và cần thiết của người lãnh đạo, linh mục cần đến khả năng phân định theo Thánh Thần (discernement spirituel) thì mới có thể hướng dẫn đoàn dân của Thiên Chúa.

4. Phân định theo Thánh Thần, dấu nhấn về đào tạo nơi Ratio 2016

Có thể nói rằng sợi chỉ xuyên suốt của Ratio 2016 là hành trình đào tạo người môn đệ.

Công cuộc đào tạo linh mục tiếp nối “hành trình đào tạo [duy nhất][3] của người môn đệ”. Hành trình này bắt đầu với bí tích Thánh tẩy, được nên hoàn thiện với các bí tích khai tâm Kitô giáo khác, được đón nhận như tâm điểm của đời sống lúc vào chủng viện, và được tiếp tục trong suốt cuộc đời.[4]

Nét độc đáo của Ratio 2016 là chỉ cho thấy tính chất xuyên suốt của toàn bộ đời sống kitô hữu, ngay từ khi đón nhận bí tích Thánh Tẩy cho đến chết. Tính chất xuyên suốt ấy chính là môn đệ của Chúa Kitô. Như vậy, khi đón nhận chức thánh, linh mục không “nhảy vọt” sang một tình trạng khác, mà bỏ qua căn tính kitô hữu của mình. Luôn luôn là kitô hữu, nên theo Ratio 2016, linh mục vẫn mãi là môn đệ của Chúa Kitô. Khi chấm dứt giai đoạn chủng viện và trở thành linh mục, họ không chấm dứt làm học trò của Chúa Kitô. Cuộc đời tông đồ của linh mục vẫn là ra đi rao giảng rồi lại trở về, ngồi bên chân Thầy Giêsu, kể lại cho Ngài những gì đã làm và lại nghe Thầy dạy bảo (x. Lc 10,17-20). Bao lâu còn là môn đệ thì linh mục mới thực sự là tông đồ, bởi vì họ luôn nghe giáo huấn của Thầy Giêsu và đi theo con đường của Thầy.

Thái độ kể lại và ngồi nghe Thầy Giêsu dạy bảo của các môn đệ ngày xưa được Ratio 2016 “cập nhật” theo dòng lịch sử nơi các linh mục bằng ý niệm phân định theo Thánh Thần. Như vậy cũng có thể nói: linh mục sẽ không thực sự là tông đồ, là người thực hiện công trình của Thiên Chúa nếu không lưu tâm đến sự phân định theo Thánh Thần. Nhọc nhằn, vất vả cả đời, nhưng linh mục chỉ làm công trình của mình thôi, dù rằng xét bên ngoài, những điều ấy là tốt đẹp, được nhiều người tán dương, nhưng có khi đó không phải là điều Thiên Chúa muốn, không làm theo cách thức Thiên Chúa muốn![5] Như vậy, mục tiêu chính của việc đào tạo linh mục phải là đào tạo nên những con người có khả năng phân định theo Thánh Thần để rồi thực hiện điều Thiên Chúa muốn:

Đào tạo linh mục là một công trình biến đổi, công trình này đổi mới con tim và trí óc con người, để họ có thể “phân định đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt lành, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2). Suốt tiến trình đào tạo, [việc] phát triển nội tâm có mục tiêu chính là dần dần biến linh mục tương lai thành một “con người biết phân định” biết đọc ra những thực tại trong đời sống con người dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và do đó biết lựa chọn, quyết định và hành động theo ý Thiên Chúa. (Ratio 2016, 43).

Để huấn luyện khả năng phân định theo Thánh Thần này, chủng sinh và linh mục cần có một tâm hồn dễ bảo (ngoan ngùy, docibilitas). Dễ bảo là thái độ không thể thiếu để có thể thực sự là môn đệ.[6] Thái độ môn đệ được Tin Mừng diễn tả bằng hình ảnh của người ngồi dưới chân Thầy Giêsu.[7] Sống thái độ của môn đệ đối với Đức Giêsu Kitô cũng có nghĩa là sống thái độ dễ bảo với Thánh Thần của Đức Kitô Phục Sinh.

Như đã nói ở trên, kể từ lúc được gọi, cả đời sống của người linh mục là một tiến trình đào tạo liên tục: tiến trình đào tạo của người môn đệ Chúa Giêsu, ngoan nguỳ với tác động của Chúa Thánh Thần để phục vụ Giáo hội. (Ratio 2016, 68).

Ngay khi làm linh mục rồi, người ta vẫn phải có thái độ dễ bảo, để cho mình được dạy dỗ qua các tình huống khác nhau, qua người khác. Đó là thái độ liên tục của người môn đệ Chúa Kitô.

Một linh mục đồng sự với tôi trong chủng viện đã nói rằng: vai trò của linh mục không dừng lại ở việc mang những kiến thức, những luật lệ đã học ra áp dụng trong việc mục vụ ở giáo xứ, nhưng là, trong vai trò linh mục, cùng với cộng đoàn mà mình được sai đến, phân định xem đâu là điều Thiên Chúa muốn cho cộng đoàn của mình, và mời gọi mọi người cùng thực hiện.

Biết phân định theo Thánh Thần và dễ bảo với Ngài, đó là điều hết sức quan trọng mà các ứng viên linh mục và ngay chính các linh mục cần được huấn luyện và phải ý thức huấn luyện cả đời. Với Ratio 2016, hành trình đào tạo người môn đệ với khả năng phân định theo Thánh Thần, trở nên dễ bảo với Thánh Thần chỉ là một. Với khả năng phân định theo Thánh Thần, linh mục thể hiện được vai trò làm đầu mà Pastores Dabo Vobis mong muốn. Lúc đó, họ thực sự là mục tử, bởi vì họ hướng dẫn đoàn chiên đến đồng cỏ của sự sống thần linh.

5. Huấn luyện khả năng phân định theo Thánh Thần nơi cuộc đời và cuộc sống cá nhân

– Khả năng phân định này cần được thực hiện trước hết nơi bản thân của chủng sinh/linh mục. Tại sao? – Tương tự nơi các phương tiện truyền thông, hệ điều hành sẽ quyết định khả năng tiếp nhận và xử l‎ý thông tin. Khi bản thân của chủng sinh/linh mục mang nhiều vết thương của quá khứ khiến họ không trở nên người thanh thản, bình tĩnh để tiếp nhận hướng dẫn của Thánh Thần nơi cuộc đời và cuộc sống của họ được, thì làm sao họ có thể trở thành người bước theo hướng dẫn của Thánh Thần trong việc mục vụ! Nhìn vào cách hành xử trong mục vụ của linh mục, người ta dễ nhận thấy những dấu vết thương tổn của quá khứ nơi họ! Nơi việc huấn luyện chủng sinh ở chủng viện, người ta cũng nhận thấy những rào cản do từ những vết thương trong quá khứ của họ!

Vấn đề cần phân định trước nhất chính là đời sống của mỗi người. Công việc này nhằm đưa vào đời sống thiêng liêng, cả lịch sử bản thân lẫn tất cả những gì làm nên lịch sử ấy. Như vậy, ơn gọi linh mục không bị giam hãm trong một lý tưởng trừu tượng, cũng không có nguy cơ bị giản lược thành một hoạt động đơn thuần mang tính tổ chức và thực hành vốn chỉ nằm ở bên ngoài ý thức khi làm. (Ratio 2016, 43).

Việc đào tạo đôi khi mang tính chất chung chung và nhắm đến số đông. Không ít lần người ta hài lòng với con số và những biểu hiện bên ngoài. Lý tưởng trở nên trừu tượng! Tài liệu của Bộ Giáo Sĩ mời gọi đưa lịch sử bản thân và những gì liên quan vào đời sống tâm linh, có nghĩa là phải nhìn lịch sử ấy với cái nhìn của đức tin và mỗi người phải phát triển từ chính sự thật về bản thân mình. Thiên Chúa sẽ dẫn dắt mỗi người theo con đường riêng của họ dựa trên những gì đã và đang diễn ra trong cuộc đời của họ. Mặc cho những tích cực hay tiêu cực, theo cách nhìn của con người, về lịch sử cuộc đời của họ, Thánh Thần không bao giờ chịu thua sự dữ do con người gây ra và Ngài có cách để dẫn dắt từng người đi tới trước. Cần có cái nhìn đức tin là như thế.

Khi xâu chuỗi những sự kiện, những biến cố rời rạc trong cuộc đời lại với nhau −nhờ cầu nguyện và trao đổi với người trợ giúp−, người ta sẽ dần dần khám phá được lộ trình Thánh Thần đang dẫn đưa cuộc đời mình để bước theo. Có cái nhìn đức tin là như thế. Đó là cách thức để phân định cuộc đời và cuộc sống của mỗi người.

Nhiều khi do vết thương từ quá khứ, người ta trở thành người có thái độ thường xuyên phản kháng người khác bởi vì chính họ cũng phản kháng với lịch sử bản thân của họ. Cần tin tưởng vào quyền năng của Thánh Thần và hãy để cho Ngài dẫn dắt, người ta mới có thể đón nhận bản thân, trở lại là chính mình và sẽ có những bước đi ngoạn mục theo Thánh Thần.

– Việc phân định theo Thánh Thần nơi bản thân còn được Ratio 2016 nói đến qua tiến trình hội nhập (path of integration/ processus d’intégration).

…chủng sinh cũng dấn thân cộng tác với Chúa Thánh Thần để thực hiện sự hòa hợp nội tâm giữa những điểm mạnh và điểm yếu một cách thanh thản và sáng tạo (Ratio 2016, 29)

Nơi mỗi người, có những ân ban, những ưu điểm, nhưng đồng thời cũng có những giới hạn, những mỏng giòn. Người ta không được để những giới hạn trở thành nỗi sợ hãi khiến phải che đậy, hoặc trở nên nỗi đau trong cuộc đời! Ratio 2016 mời gọi thực hiện một tiến trình hội nhập giữa những tích cực và những tiêu cực này. Hội nhập (integration/ intégration) có nghĩa là làm cho chúng trở thành một toàn thể (intergrate/ intégrer). Những giới hạn ấy cũng là một phần của đời người, cần vận hành ngay cả những giới hạn ấy cho sự phát triển toàn thể của con người.

Nhiệm vụ của đào tạo là tìm ra phương cách giúp chủng sinh hội nhập tất cả các yếu tố này dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong một hành trình đức tin và trưởng thành toàn diện, tiệm tiến và hài hòa, đồng thời tránh sự phân mảng, sự phân cực, những thái quá, hời hợt hay thiên vị. (Ratio 2016, 28)

Đối diện với những giới hạn không chỉ ở thái độ “chịu vậy”, nhưng với thái độ tích cực của sự khiêm tốn khi đón nhận giới hạn của mình và đi đến thái độ “cầu khẩn”[8] tha nhân, biết mình cần đến họ trong cuộc đời. Tự tin vào những ân ban Thiên Chúa dành cho mình, chào đón những ân ban nơi người khác và làm nên sự hợp tác hài hòa giữa những ân ban nơi mình và nơi người khác, đó chính là làm nên một toàn thể (integration) tuyệt vời giữa những ân ban và những giới hạn nơi bản thân, giữa bản thân với tha nhân. Khi nói về điều đó, Ratio 2016 số 28 kết luận: “Thời gian đào tạo linh mục thừa tác là thời gian thử thách, trưởng thành và phân định đối với chủng sinh cũng như đối với cơ sở đào tạo”. Thánh Thần sẽ giúp thực hiện tiến trình hội nhập này nhờ sự phân định.

– Việc phân định bản thân không chỉ được thực hiện trên cuộc đời, nhưng còn được thực hiện nơi cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống hằng ngày của người tu hành nhiều khi mang tính chất rất phàm trần, mang nặng những đam mê, chọn lựa theo sự khôn ngoan của người đời. Ngay trong công cuộc đào tạo ở chủng viện, chủng sinh cũng đưa vào đó những cách suy nghĩ và cách ứng xử theo thói đời mà họ đã hấp thụ trong cuộc sống giữa xã hội trước đó. Có những cách che đậy sự thật về bản thân bằng những hình thức tốt lành bên ngoài; hoặc chọn cách “ủ đông” con người thật của mình, bây giờ tạm thời làm theo những quy định chung, sau này khi ra trường sẽ “rã đá” con người thật của mình và sống theo ý mình muốn! Thái độ tìm “sự an toàn” ấy khiến cho chủng sinh không thể đối diện với con người thật của mình và phân định cuộc sống theo Thánh Thần được. Họ chỉ sống theo ý mình muốn chứ không hề muốn để cho Thánh Thần dẫn dắt cuộc sống của mình, không hề muốn phát triển cuộc đời theo con đường của Thánh Thần mời gọi, không hề có đào tạo!

Đời sống của linh mục, bởi vì vẫn luôn là hành trình của người môn đệ, cũng cần phải thực hiện việc phân định trên đời sống cá nhân và việc mục vụ của mình. Vỏ bọc “vì danh Chúa”, “vì Giáo hội” nhiều khi không che đậy được cái tôi với những đam mê và những vết thương của quá khứ. Họ cũng cần phải phân định trên chính cuộc sống và công việc hằng ngày của mình: điều gì ẩn núp phía dưới những phản ứng, những chọn lựa, những lao công vất vả của tôi?

Phân định cuộc sống đòi phải đưa cuộc sống thật hằng ngày vào trong cầu nguyện. Cầu nguyện là lúc ra khỏi mọi ánh nhìn của người khác để không phải ra vẻ hay chứng tỏ, là lúc mà mọi thứ tự biện hộ trở thành ngớ ngẩn trước Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng dạ. Để có thể phân định cuộc sống dưới ánh sáng Tin Mừng, với sự hướng dẫn của Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, cần phải có ước muốn nên giống với Chúa Giêsu Kitô. Không đưa cuộc sống thật vào giờ cầu nguyện và không ước muốn nên giống Chúa Giêsu Kitô[9], thì không có sự phân định thực sự. Chính vì thế mà vào nhà thờ thế nào thì ra khỏi nhà thờ vẫn thế ấy!

Trong thời gian nguyện ngẫm, [sự] thinh lặng giúp mở lòng ra với Chúa Kitô trong một tương quan đích thực, chủng sinh trở nên ngoan nguỳ với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng nhào nặn họ dần dần theo hình ảnh của Thầy (Ratio 2016, 42).

Trong khi cho thấy “đời sống thiêng liêng sẽ ưu tiên quy hướng vào sự hiệp thông với Chúa Kitô” (Ratio 2016, 42), thì bản văn số 42 này cũng cho thấy sự hiệp thông ấy không phải là những “hình thức thế tục thiêng liêng” như hình thức bên ngoài, sự an toàn trong giáo thuyết hay trong kỷ luật… mà ẩn tàng phía dưới vẫn là sự tìm kiếm bản thân. Tương quan đích thực với Chúa Kitô phải đưa đến chỗ để cho Thánh Thần nhào nặn mình trở nên giống Chúa Kitô. Mọi biến cố, chọn lựa, thái độ cần được đặt dưới góc nhìn của Tin Mừng của Đức Kitô. Thánh Thần của Đấng Phục Sinh sẽ làm cho chủng sinh/linh mục hiểu được lời của Đức Kitô cho cuộc sống của mình, giúp phân định theo Thánh Thần và biết đi con đường của Thiên Chúa. Tính chất trần tục đang đi vào đời sống của người tu hành và vào việc mục vụ trong Giáo hội. Cần phải đổi mới chúng bằng tính chất thần linh. Điều ấy được thực hiện nhờ biết phân định đời sống và sứ vụ hằng ngày trong giờ cầu nguyện, dưới sự soi dẫn của Thánh Thần của Đấng Phục Sinh.

– Việc thực hành phân định cần vượt ra khỏi tính chất chủ quan do bởi những đam mê của mình. Vì thế, việc đồng hành cá nhân là cần thiết cho chủng sinh trong quá trình đào tạo.

Tiến trình đào tạo đòi hỏi chủng sinh phải hiểu biết chính mình và để cho mình được hiểu biết nhờ vào một mối tương quan thành thật và trong sáng với các nhà đào tạo[10]. Vì nhắm đến sự ngoan nguỳ (docibilitas) đối với Chúa Thánh Thần, nên việc đồng hành riêng với từng người là một phương tiện đào tạo thiết yếu. (Ratio 2016, 45).

Với góc nhìn về sự phân định trong đào tạo, việc đồng hành cá nhân –trong những gì liên quan đến đời sống hằng ngày, đến ơn gọi cũng như đến đời sống tâm linh− là không thể thiếu, mà còn thực sự cần thiết nữa. Với những lịch sử bản thân riêng biệt, mỗi người cần được đồng hành cách cá vị. “Trong các giai đoạn khác nhau của tiến trình đào tạo, chủng sinh cần những người có trách nhiệm về đào tạo đồng hành cách riêng, mỗi vị theo vai trò và thẩm quyền riêng của mình.” (Ratio 2016, 44).

Việc hướng dẫn theo những bài có sẵn cho tất cả mọi người không đủ cho việc hướng dẫn và đào tạo. Cách thức hướng dẫn người khác theo kinh nghiệm bản thân của nhà đào tạo cũng không đủ. Những cách thức trên không cần đến sự phân định và cũng không cần đến Thánh Thần bao nhiêu! Việc đồng hành không chỉ là sự hướng dẫn, lời dạy dỗ của người có trách nhiệm, người thụ huấn chỉ nghe và thực hành theo, nhưng phải là thời gian để lắng nghe. Nhà đồng hành lắng nghe ứng viên và cùng với họ khám phá về cuộc sống của chính họ, đồng thời cả hai cùng dò tìm con đường mà Thánh Thần muốn dẫn dắt người ấy đi khi biết lắng nghe Thánh Thần. Nhà đồng hành không có giải pháp có sẵn.

Vì nhắm đến sự ngoan nguỳ (docibilitas) đối với Chúa Thánh Thần, nên việc đồng hành riêng với từng người là một phương tiện đào tạo thiết yếu. (Ratio 2016, 45).

Đồng hành cá nhân để cùng nhau phân định theo Thánh Thần những gì diễn ra trong cuộc đời và cuộc sống của từng người, nhìn ra con đường mà Thánh Thần mời gọi đi theo, thấy được lộ trình với từng bước mà Thánh Thần đang gợi lên trong thực tại của cuộc sống, để rồi sẵn lòng bước theo. Đó là sự ngoan ngùy cần thiết với Thánh Thần. “Mỗi nhà đào tạo, theo lãnh vực và thẩm quyền riêng, có nhiệm vụ giúp chủng sinh ngày càng sẵn sàng đối với tác động của ân sủng, đồng thời sáng suốt về chính con người mình, về những tài năng đã lãnh nhận và cả về những mỏng giòn nơi chính mình.” (Ratio 2016, 46).

Việc đồng hành phải được thực hiện từ lúc khởi đầu của tiến trình đào tạo và suốt cả cuộc đời, mặc dù sẽ được làm theo một cách khác sau khi chịu chức. (Ratio 2016, 48).

Đây là lý do khiến Giáo hội khuyến khích các linh mục cũng nên thực hiện việc đồng hành cá nhân này cho bản thân mình. Chính nơi thái độ biết đọc lại cuộc đời, cuộc sống và việc mục vụ dưới sự soi sáng của Thánh Thần mà người ta nhìn thấy rõ thái độ môn đệ là cần thiết biết bao đối với kitô hữu, chủng sinh và linh mục cho đến cuối đời.

6. Huấn luyện khả năng phân định theo Thánh Thần nơi bản thân và nơi việc mục vụ

Tiếng gọi trở thành mục tử của dân Chúa đòi hỏi một cách đào tạo cho phép linh mục tương lai trở thành chuyên viên trong nghệ thuật phân định mục vụ, nghĩa là có khả năng nhận thức cách sâu sắc những hoàn cảnh thực tế và nhận định đúng đắn về các lựa chọn và quyết định phải theo. (Ratio 2016, 120).

Những kiến thức, những quy định chỉ là hỗ trợ cho việc mục vụ của linh mục. Điều chính yếu vẫn luôn là khả năng phân định theo Thánh Thần của linh mục. Đứng trước cuộc sống của những con người cụ thể, nhờ những kiến thức, những hướng dẫn của Giáo hội và kinh nghiệm của người đi trước hỗ trợ, linh mục cần biết phân định để soi sáng cho người xin tham vấn tìm ra con đường của chính họ. Người ta áp dụng luật lệ cách cứng nhắc bởi vì họ không có khả năng phân định và tìm nơi luật lệ sự an toàn, có nghĩa là tìm được chỗ để đổ lỗi cho, để trốn tránh trách nhiệm của mình!

Người mục tử sẽ học biết thoát ra khỏi những định kiến của mình và sẽ không coi thừa tác vụ là một loạt những việc phải làm hay những quy tắc phải áp dụng, nhưng họ sẽ làm cho cuộc đời mình thành ‘nơi’ đón nhận và lắng nghe Thiên Chúa và anh em. (Ratio 2016, 120)

Với khả năng phân định, linh mục có thể “đọc được cuộc đời người khác” để gợi ra cho họ những con đường mà Thánh Thần mời gọi. Không phải là những luật lệ khô cứng phải làm theo, không phải là những mẫu mực mà xã hội đưa ra, cũng không phải là kinh nghiệm bản thân linh mục như chuẩn mực, nhưng là đặt mình dưới sự soi sáng của Thánh Thần, trở nên dễ bảo với Thánh Thần, đó là phân định mục vụ. “Theo cách của mầu nhiệm Nhập Thể, chân lý cũng nảy mầm từ từ trong đời sống thực tế của con người và trong những dấu chỉ của lịch sử.” (Ratio 2016, 120).

7. Huấn luyện chủng sinh khả năng phân định theo Thánh Thần

– Trong việc đào tạo hiện nay tại các chủng viện, có một điều cần suy nghĩ là thái độ tìm kiếm sự an toàn nơi các quy luật. Các nhà đào tạo dễ cảm thấy an toàn khi chủng sinh tuân thủ quy luật cách nghiêm túc, ít là theo ghi nhận của các ngài. Tình trạng “đâu vào đấy”, “mọi sự đều diễn ra như dự kiến” khiến cho nhà đào tạo cảm thấy an tâm. Nhiều chủng sinh cũng chọn thái độ ấy: cứ làm theo quy định, theo ‎ý của các nhà đào tạo, thế là an toàn, không phải suy nghĩ gì nữa. Tuân thủ giờ giấc, quy định cách kỹ lưỡng cũng làm họ cảm thấy mình là chủng sinh tốt. Đường tu đức truyền thống cũng dạy giờ nào việc nấy, vậy thì cứ thế mà làm! Đôi khi các nhà đào tạo mở rộng, cho tự do chọn lựa và quyết định trong vài lãnh vực nào đó, thì lại thấy có vẻ “lộn xộn”, khiến họ lo âu và rút lại “phép rộng” đã cho! Điều này có thể nhìn bằng lăng kính giáo sĩ trị đang được Giáo hội lưu tâm cách đặc biệt ngày nay: chỉ thị từ trên xuống, phía dưới cứ chờ lệnh và tuân thủ! 

Mối ưu tư dành cho tín hữu trong mục vụ buộc linh mục phải được một sự đào tạo vững chắc cũng như một sự trưởng thành nội tâm vững vàng. Linh mục không thể coi là đủ khi chỉ trưng ra cho thấy “lớp sơn” đức hạnh của mình, hoặc chỉ tuân theo những nguyên tắc trừu tượng thuần túy bề ngoài và mang tính hình thức. (Ratio 2016, 41).

Được sự giúp đỡ của các nhà đào tạo, mối tương quan thân tình với Chúa và sự hiệp thông huynh đệ sẽ khiến chủng sinh nhận thức được và loại bỏ mọi “hình thức thế tục thiêng liêng” như: tôn sùng hình thức bề ngoài, tìm kiếm “an toàn” trong giáo thuyết hay trong kỷ luật cách cao ngạo, say mê chính mình và độc đoán, tham vọng muốn áp đặt ý mình, chỉ chăm chút bề ngoài và làm một cách phô trương khi hoạt động phụng vụ, thích vinh quang phù phiếm, cá nhân chủ nghĩa, thiếu khả năng lắng nghe người khác, và mọi hình thức tham vọng địa vị[11]. (Ratio 2016, 42).

Ở trong lối giáo dục được quy định sẵn từng chi tiết như vậy, chủng sinh sẽ trở thành những linh mục áp đặt luật lệ trên cộng đoàn. Họ giải quyết những vấn nạn trong cộng đoàn chỉ với một cách thức duy nhất là “lập lại trật tự, kỷ cương”! Những tín hữu gặp những khó khăn trong đời sống đạo và bỏ xa nhà thờ sẽ được “kết nạp” vào số những người kém đạo đức! Không có thái độ và thời giờ cho sự lắng nghe.

Trong lối giáo dục ấy, sáng kiến dường như không được khích lệ, hoặc nếu có thì chỉ ở ngôn từ, còn thực tế thì không được quan tâm. Những ai có lối sống “bước ra khỏi hàng”, không ở trong đám đông, thì được coi là khác người, thích thể hiện! Những ý kiến khác với số đông được coi là phản kháng! Sự đều đặn được làm cho an tâm bằng tên gọi “nề nếp”, “trung thành trong bổn phận”…, nhưng lại sinh ra hậu quả tai hại là cộng đoàn không sinh động, không có thao thức! Lối giáo dục theo phong cách đã được quy định sẵn ấy khiến cho chủng sinh không có dịp huấn luyện khả năng phân định.

– Trong cách nhìn hiện nay về một Giáo hội hiệp hành với ba thái độ hiệp thông, tham gia và sứ vụ, việc đào tạo ở chủng viện cần phải trả lại vị trí cho chủng sinh trong việc xây dựng đời sống cá nhân và cộng đoàn, và cả trong việc đào tạo nữa. Nhiều điều có thể không cần phải đi từ trên xuống mà có thể để chủng sinh biết nhìn nhận vấn đề và tìm cách giải quyết với nhau. Những giải pháp chưa hoàn mỹ mời gọi họ ngồi lại với nhau lần nữa, và có thể ngồi lại với các nhà đào tạo, để tìm giải pháp tốt hơn.

Cách đào tạo này sẽ làm cho chủng sinh bây giờ và linh mục mai sau biết lưu tâm đến những biến chuyển trên thế giới, trong Giáo hội, trong xã hội, những nơi họ đến phục vụ bác ái… và được họ đưa vào suy tư, cầu nguyện và trăn trở cho hướng đi tương lai. Cách thức này sẽ sinh ra nhiều sáng kiến, thao dợt khả năng trao đổi trong Thánh Thần. Đó chính là phân định.

Thiếu khả năng trao đổi cách bình tĩnh và lương thiện là tình trạng đáng quan tâm trong đời sống chủng viện. Nhiều người là những chiến sĩ “dập tắt lửa Thánh Thần” (x. 1Tx 5,19). Thiếu khả năng trao đổi thì không có phân định theo Thánh Thần. Những chủng sinh như thế thì cũng sẽ là những anh hùng dập tắt lửa Thánh Thần nơi các cộng đoàn mà mình được sai đến mai sau! Cuối cùng, người ta chỉ làm theo ý mình thôi, chỉ thực hiện công trình của con người thôi, chứ không phải là công trình của Thiên Chúa. Như vậy thì đời sống linh mục có còn ý nghĩa gì đâu!

Phải huấn luyện sao cho chủng sinh cảm nhận được rằng việc trao đổi trong Thánh Thần thực sự làm cho họ lớn lên về mọi mặt và họ cần đến người khác, cần trao đổi với người khác. Với sự rèn luyện khả năng phân định, chủng sinh sẽ được mời gọi dần dần thánh thiêng hóa việc đào tạo trước nguy cơ lớn lên của tính trần tục trong đời sống của các chủng viện. Phải làm sao người được đào tạo cảm thấy thao thức đi tìm điều Thiên Chúa muốn trong cuộc sống hằng ngày và trong sứ vụ của họ.

8. Khả năng phân định theo Thánh Thần làm cho linh mục đón nhận vai trò của mọi thành phần Dân Chúa trong đời sống Giáo hội

Tình trạng giáo sĩ trị làm cho vai trò của hàng giáo sĩ trở nên duy nhất cần thiết. Không có cha là không có việc gì xong cả. Mọi việc từ lớn đến nhỏ đều cần cha đồng ‎ý! Cha cứ ra lệnh là mọi sự đều xong hết. Giáo dân ở vai trò thụ động chỉ làm theo ý cha.

Linh mục cần khả năng phân định và cần thực hành phân định trong mục vụ. Điều này sẽ làm cho linh mục nhận ra vị trí thật sự của người giáo dân trong Giáo hội.

Trong công cuộc đào tạo những người được Chúa Kitô gọi và trong việc phân định ơn gọi, hành động của Chúa Thánh Thần là tối thượng và đòi hỏi thái độ lắng nghe lẫn nhau và sự cộng tác giữa những thành viên trong cộng đoàn Hội Thánh – linh mục, phó tế, người sống đời thánh hiến và giáo dân. (Ratio 2016, 125).

Những kỳ tĩnh tâm có tầm quan trọng lớn đối với đời sống linh mục, bởi vì khi linh mục đến gặp riêng Chúa trong thinh lặng và hồi tâm, đây là khoảng thời gian tốt nhất để phân định nhằm nhìn lại, từng bước một và một cách sâu xa, đời sống cá nhân và tông đồ của mình. (Ratio 2016, 88)

Tiếng gọi trở thành mục tử của dân Chúa đòi hỏi một cách đào tạo cho phép linh mục tương lai trở thành chuyên viên trong nghệ thuật phân định mục vụ, nghĩa là có khả năng nhận thức cách sâu sắc những hoàn cảnh thực tế và nhận định đúng đắn về các lựa chọn và quyết định phải theo. Để thực hành sự phân định mục vụ, phải đặt trọng tâm cuộc đời mình vào việc lắng nghe Tin Mừng, để giải thoát người mục tử khỏi cám dỗ sống trừu tượng, hành động đơn độc, quá tự tin và khỏi thái độ lạnh lùng và khô khan có thể biến họ thành một người “kế toán thiêng liêng” (comptable de l’esprit) thay vì là “người Samaritanô nhân hậu”. Ai lắng nghe Thiên Chúa và anh em đều biết rằng chính Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn dắt Giáo hội đến chân lý toàn vẹn (x. Ga 16,13) và, theo cách của mầu nhiệm Nhập Thể, chân lý cũng nảy mầm từ từ trong đời sống thực tế của con người và trong những dấu chỉ của lịch sử. (Ratio 2016, 120).

9. Kết luận: đào tạo những linh mục biết phân định cho một Giáo hội hiệp hành

Hướng về một Giáo hội hiệp hành với sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa, theo tôi, điều tiên quyết vẫn là đào tạo những linh mục tha thiết và biết cách thực hiện một Giáo hội như thế. Nếu không thay đổi từ linh mục, những lời kêu gọi của Thượng Hội đồng Giám mục XVI sẽ sớm rơi vào quên lãng! Vì thế, việc đào tạo các linh mục theo hướng ấy, nhất là cho các linh mục giáo phận sống và làm việc trực tiếp với giáo dân, thực sự là điều mấu chốt cho tương lai của Giáo hội. Nhưng làm sao có được những linh mục như thế nếu như họ không được đào tạo trong chủng viện theo cùng một hướng. Trong việc đào tạo này, theo tôi, đào tạo cho được những linh mục biết phân định theo Thánh Thần là điều khá căn bản. Một linh mục thực sự thấy cần thiết phải phân định để tìm ý Chúa, tìm con đường của Chúa để bước theo thì đã trở nên gắn bó với Chúa, không chỉ là nơi những phút bay bổng của giờ kinh, nhưng là nơi việc thực hành ý Chúa Cha trên trời. Ước muốn tìm kiếm và thực hành công trình của Chúa cũng làm cho linh mục-mục tử trở nên biết tôn trọng và lắng nghe tha nhân. Khi ấy, những con người biết bước theo Thánh Thần sẽ làm nên những cộng đoàn của Thánh Thần. Và đó là một Giáo hội truyền giáo được nhìn thấy nơi sách Công Vụ.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

[1] Đây là trường hợp ảnh hưởng của ngôn ngữ trong văn hoá thời phong kiến ở nước ta. Thời xưa, có quan niệm cho rằng giám mục – vị chủ chăn của giáo phận – cũng giống như lãnh chúa của một vùng (Tây phương) hay ông vua của một nước (Đông phương). Các linh mục trong giáo phận thuộc quyền tài phán của giám mục được xem như những ông quan của triều đình, của nhà vua (là giám mục) vậy. Do đó, các ngài được gọi là linh mục triều.

Một số từ ngữ nhà đạo mang dấu ấn thời phong kiến, chẳng hạn:

– Thánh lễ do giám mục long trọng cử hành gọi là lễ đại triều (Pontifical Mass).

– Toàn bộ các văn phòng hành chánh và tư pháp giúp đức giáo hoàng điều hành các hoạt động của Giáo hội gọi là giáo triều (Curia).

– Chữ triều hay triều đại còn để chỉ thời kỳ cai quản Giáo hội của vị “giáo hoàng”, ví dụ: triều Đức Lêô XIII.

– Chúng ta không nói “các đức giám mục gặp gỡ đức giáo hoàng” mà nói: “các đức giám mục triều kiến (hay yết kiến) đức giáo hoàng”. (x. Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm Hiểu Từ Vựng Công Giáo, NXB Tôn Giáo – Hà Nội, 2021, tr. 697-698).

[2] Bộ Giáo Sĩ, Đào tạo linh mục – Hồng ân ơn gọi linh mục (Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis), 2016, bản dịch của Ủy Ban Giáo Sĩ & Chủng Sinh, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Xin được viết tắt là Ratio 2016.

[3] Bản dịch tiếng Việt không thể hiện được ý tưởng “duy nhất” này.

La formation des prêtres s’inscrit dans la continuité d’un unique “cheminement de formation du disciple”…

The formation of priests means following a singular “journey of discipleship”…

[4] Ratio 2016, Dẫn nhập, số 3.

[5] “Vô phúc cho kẻ xem thường lẽ khôn ngoan, coi khinh lễ giáo:

mong gì, rồi cũng viển vông,

nhọc nhằn cho lắm cũng công dã tràng,

chúng làm việc, được gì chăng?” (Kn 3,11)

[6] Một ẩn sĩ rót nước mời người thanh niên đến xin học đạo. Chung nước đã đầy nhưng ông vẫn cứ rót, nên nước tràn ra ngoài. Khi người thanh niên nhắc khéo, vị ẩn sĩ đáp: nếu tầm sư học đạo mà tâm hồn học trò đã đầy thì không nhận thêm được gì!

[7] Cô Maria ngồi dưới chân Đức Giêsu như người môn đệ của con đường thập giá của Đức Giêsu. Trong hành trình lên Giêrusalem của Tin Mừng Luca (9,51-19,27), các môn đệ và mọi người đều phản đối quyết tâm chọn lựa của Đức Giêsu. Họ muốn nhiều điều “tốt lành” nơi với Đấng Messia lắm, chỉ trừ con đường thập giá! Cô Matta diễn tả thái độ này. Chỉ có một mình cô Maria đón nhận điều ấy như người môn đệ qua thái độ ngồi dưới chân Đức Giêsu.

[8] Tư tưởng của Gabriel Marcel.

[9] Mục tiêu của giai đoạn thần học theo Ratio 2016.

[10] X. Đức Phanxicô, Diễn từ dành cho chủng sinh và tập sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nhân dịp năm Đức Tin (06/07/2013): Insegnamenti I/2 (2013), 9.

[11] X. Tông huấn Evangelii Gaudium, số 93-97: ;AAS 105 (2013), 1059-1061.

Nguồn: hdgmvietnam.com