Đức Thánh Cha Phanxicô: 7 điều nên tránh trong Mùa Chay

08/03/2023

Trong hành trình Mùa Chay, tín hữu Công giáo được mời gọi ăn chay và tránh làm một số điều để chuẩn bị tâm hồn cho việc cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu chiến thắng tội lỗi và sự chết qua sự Phục sinh.

Dưới đây là 7 gợi ý rút ra từ những Sứ điệp, diễn văn và bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể giúp chúng ta sống mùa Chay năm nay một cách cụ thể và hữu hiệu hơn.

1. Tránh việc xa lánh Thiên Chúa

Trong bài giảng Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro năm nay, 22. 02. 2023, Đức Thánh Cha nhắc nhở:

Mùa Chay thực sự là “thời gian thuận lợi” để trở về với những gì thiết yếu, để trút bỏ tất cả những gì đè nặng lên chúng ta, để được giao hòa với Thiên Chúa, và để thắp lại ngọn lửa Thánh Thần ẩn dưới lớp tro tàn bản tính nhân loại yếu đuối của chúng ta.

Ngài giải thích rằng, “Nghi thức xức tro bắt đầu cuộc hành trình trở về này” nhắc nhở chúng ta “ai là Đấng Tạo Hóa và ai là thụ tạo”, để tuyên xưng rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, để chúng ta cởi bỏ sự giả vờ “cho mình là tự đủ” và muốn đặt mình làm trung tâm. Đây là một cơ hội để “trở về với sự thật về chính mình và trở về với Chúa và anh chị em chúng ta”.

2. Tránh sự kiêu ngạo thiêng liêng

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật ngày 23. 10. 2022, Đức Thánh Cha đã cảnh báo chống lại “sự kiêu ngạo thiêng liêng”, là điều khiến chúng ta đặt mình lên trước người khác và lên trước Thiên Chúa. Sự kiêu ngạo này ngăn cản chúng ta hướng tới người khác: “Nơi nào có quá nhiều “cái tôi”, thì ở đó có quá ít Thiên Chúa

Đức Thánh Cha nhấn mạnh,

Chúng ta có nguy cơ rơi vào điều này. Nó khiến chúng ta tin rằng mình hoàn hảo và bắt đầu xét đoán người khác […] Nếu không cẩn trọng, chúng ta tôn thờ cái tôi của mình và rũ bỏ Thiên Chúa. Nó là việc chúng ta đang xoay quanh chính mình. Lời cầu nguyện như này không có sự khiêm nhường.

Để có thể trở nên khiêm tốn hơn, không bao giờ là điều dễ dàng, do đó,

Chúng ta hãy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Rất Thánh, người tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, Mẹ là hình ảnh sống động về những gì Thiên Chúa mong muốn thực thi qua việc hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

3. Tránh những nền tảng truyền thông kỹ thuật số

Với sứ điệp Mùa Chay 2022, Đức Thánh Cha nói rằng thời gian Phụng vụ này là thời điểm hoàn hảo để chống lại sự cám dỗ của các phương tiện kỹ thuật số, “thứ làm nghèo đi các mối tương quan của con người”. Ngài khuyến khích chúng ta nuôi dưỡng “những cuộc gặp gỡ trực tiếp diện đối diện đích thực”.

Đây cũng là lời cảnh báo mà Đức Thánh Cha thường đưa ra, chẳng hạn như trong sứ điệp gửi tới SIGNIS, một hiệp hội Công giáo quốc tế về truyền thông vào tháng 7. 2022. Một cách cụ thể, cho dù thừa nhận “phương tiện kỹ thuật số đã có thể dẫn chúng ta đến với nhau như thế nào” qua việc “phổ biến thông tin cơ bản” và “hiệp nhất toàn bộ gia đình và cộng đoàn giáo hội trong lời cầu nguyện và thờ phượng”, nhưng Đức Thánh Cha vẫn không quên nhấn mạnh những phương tiện này phải được sử dụng một cách khôn ngoan:

Việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là mạng xã hội, đã đặt ra một số vấn đề đạo đức nghiêm trọng” và nhiều “trang mạng truyền thông đã trở thành khu vực độc hại với ngôn từ kích động thù địch và tin tức giả mạo.

4. Tránh sự phân cực và chia rẽ

Thật dễ để bị cuốn vào những cuộc tranh luận và chia rẽ ảnh hưởng đến xã hội hàng ngày. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha gọi người Công giáo “không phải một trong hai – hoặc” mà là “cả hai – và, kết hợp những khác biệt”. Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí Jesuit America, được xuất bản vào tháng 11. 2022, Đức Thánh Cha tuyên bố rõ ràng “Sự phân cực không phải là Công giáo. Một người Công giáo không thể suy nghĩ ‘ủng hộ hay chống đối’ và giảm thiểu mọi thứ thành sự phân cực”.

Ngài giải thích xa hơn,

Người Công giáo kết hợp người tốt và người ít tốt hơn. Dân Thiên Chúa là một. Sự phân cực đến từ não trạng chia rẽ vốn ưu đãi người này và gạt người khác sang một bên. Người Công giáo luôn nghĩ đến sự hài hòa giữa những sự khác biệt

5. Tránh vô cảm đối với tha nhân

Đức Thánh Cha khẳng định rõ trong Sứ điệp Mùa Chay 2015,

Vô cảm đối với tha nhân và với Thiên Chúa cũng là một cám dỗ thực sự đối với các Kitô hữu chúng ta. Vì thế, hằng năm vào Mùa Chay chúng ta cần nghe lại lời các ngôn sứ lên tiếng thức tỉnh lương tâm chúng ta.

Việc quan tâm đến những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề, và đau khổ trong xã hội là điểm cốt yếu trong triều đại giáo hoàng của Đức giáo hoàng Phanxicô. Ngài thường lên án “văn hóa vứt bỏ” và kêu gọi đề cao phẩm giá của mỗi con người. một lần nữa, ngài nhắc nhở:

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bày tỏ mối quan tâm này đối với người khác, qua những dấu chỉ –tuy bé nhỏ nhưng cụ thể– nói lên rằng chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất.

6. Tránh xa những tiếng ồn không cần thiết

Qua hàng loạt bài giáo lý về Thánh Giuse trong các buổi Tiếp Kiến Chung, vào ngày 15. 12. 2021, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thinh lặng, Ngài giải thích tại sao các sách Tin Mừng không tường thuật bất cứ một lời nào của thánh nhân, “Qua sự thinh lặng của mình, thánh Giuse mời gọi chúng ta hãy dành chỗ cho sự Hiện diện của Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, cho Chúa Giêsu“.

Đức Thánh Cha nhận ra rằng sự thinh lặng khiến nhiều người “sợ hãi”, vì nó buộc người ta phải hướng nội. Tuy nhiên, ngài cho thấy, trau dồi thinh lặng là “để cho Chúa Thánh Thần có cơ hội tái tạo chúng ta, an ủi và sửa dạy chúng ta”.

Trong bài diễn văn mới đây, ngày 20. 01. 2023, trước các vị phụ trách Phụng vụ của giáo phận, Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng sự thinh lặng trong Thánh lễ là đặc biệt quan trọng. Vì sự thinh lặng này “giúp chúng ta chuẩn bị cho mầu nhiệm” Thánh Thể. Ngoài ra, Đức Thánh Cha cũng là người rất có lòng yêu mến Đức Mẹ Thinh lặng.

7. Tránh xa thái độ tự yêu mình, coi mình là nạn nhân, và bi quan

Trong bài giảng Lễ Hiện Xuống năm 2020, Đức Thánh Cha xác định “ba kẻ thù chính” ngăn cản chúng ta đón nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn chúng ta: đó là thái độ “tự yêu mình (narcisismo), thái độ coi mình là nạn nhân (vittimismo) và thái độ bi quan (pessimismo)”.

Đức Thánh Cha minh họa,

Thái độ tự yêu mình làm cho ta tôn thờ chính mình, chỉ hài lòng về những thành đạt và lợi lộc của mình. […] Thái độ coi mình nạn nhân, hằng ngày than trách người khác. Than trách rằng không ai hiểu mình và không cảm thấy điều mình cảm nhận. […] Người bi quan bất mãn với thế giới, nhưng tiếp tục bất động, không làm gì, và nghĩ rằng: “Hiến thân có ích gì đâu”.

Thuốc giải độc đối với những kẻ thù này là cầu nguyện. Chúng ta hãy khiêm tốn nài xin

Chúa Thánh Thần, Đấng là ký ức của Thiên Chúa, khơi dậy trong chúng ta ký ức về hồng ân đã nhận lãnh. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự tê liệt vì ích kỷ và khơi lên trong chúng ta ước muốn phục vụ, làm điều thiện.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (02. 3. 2023)