Chúng ta đang sống trong những ngày chào đón năm mới: Năm Ất Tỵ 2025. Thật thú vị khi văn hóa Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, mỗi năm đều chọn một con vật làm biểu tượng. Biểu tượng, nghĩa là qua con vật này, chúng ta ước mong một năm với nhiều ý nghĩa trong chính tên của con vật. Cho phép tôi suy tư về biểu tượng của con rắn trong Kinh Thánh. Con rắn không chỉ mang nghĩa văn hóa Việt Nam, như chúng ta thường nghe, nhưng nó còn thể hiện nhiều khía cạnh khác như thần học, luân lý và nhân sinh.
Trong Kinh Thánh, con rắn xuất hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau. Con rắn thường ám chỉ đến kẻ cám dỗ, bên cạnh đó còn là biểu tượng của sự cứu độ, đến hình ảnh minh họa cho sự khôn ngoan và chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa. Bài viết này sẽ làm rõ ba ý nghĩa chính của con rắn sau:
1. Con rắn: biểu tượng của sự cám dỗ và tội lỗi
Hình ảnh con rắn xuất hiện lần đầu trong Sách Sáng Thế (St 3,1-5). Con rắn đến cám dỗ và lừa dối bà Eva trong Vườn Địa Đàng. Kinh Thánh nêu đặc tính của rắn: “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng” (St 3,1). Với sự khôn ngoan tinh ranh, con rắn đã đặt câu hỏi nhằm làm lung lay niềm tin của bà Eva vào Thiên Chúa. Con rắn nói thế này: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4-5). Con rắn không chỉ cám dỗ mà còn gieo rắc hoài nghi và gia tăng lòng kiêu ngạo. Hậu quả của hành động này là sự sa ngã, khiến con người đánh mất mối quan hệ hài hòa với Thiên Chúa và dẫn đến đau khổ, sự chết chóc trong thế gian.
Sự xuất hiện của con rắn trong câu chuyện trên không phải ngẫu nhiên. Thuật ngữ “con rắn” trong tiếng Do Thái là “וְהַנָּחָשׁ֙-nahash”. “Nahash” bắt nguồn từ gốc từ “נח” (nachash), mang nghĩa cơ bản là “lấp lánh, sáng bóng” hoặc “dò xét, tiên đoán”. Điều này cho thấy con rắn còn liên hệ đến cả vẻ đẹp bề ngoài mê hoặc, và khả năng thâm nhập, lừa dối bên trong. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta thấy con rắn phản ánh bản chất của Satan. Từ cổ chí kim, Satan luôn thu hút con người bằng vẻ bề ngoài hấp dẫn, nhưng dẫn đến hậu quả đau thương. Từ đó, con rắn trở thành biểu tượng của Satan trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Chẳng hạn trong Sách Khải Huyền, thánh Gioan viết: “Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12,9).
Trong khi đó, con rắn trong văn hóa phương Đông tuy mang ý nghĩa bí ẩn, khôn ngoan và linh hoạt, nhưng có hướng tích cực hơn. Rắn được cho là thông minh, nhạy bén, biết quan sát và phân tích tình huống tốt. Rắn biểu trưng cho sự tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo.
2. Con rắn: dấu chỉ của sự cứu độ
Dù thường được liên kết với sự cám dỗ và tội lỗi, con rắn cũng mang một ý nghĩa cứu độ đặc biệt trong Kinh Thánh. Sách Dân Số kể lại câu chuyện khi dân Israel bị rắn độc cắn do sự bất tuân. Trong cơn đau khổ, họ kêu cầu Thiên Chúa, và Thiên Chúa ra lệnh cho ông Môsê làm một con rắn bằng đồng và treo lên cột. “Bất kỳ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng đều được sống” (Ds 21,9).
Hình ảnh này mang tính biểu tượng mạnh mẽ, không chỉ là sự chữa lành về thể chất mà còn là bài học về sự cứu độ qua đức tin. Con rắn đồng được giương cao giữa sa mạc là dấu chỉ nhắc nhở dân Israel rằng chính Thiên Chúa là Đấng cứu rỗi (Mêsia). “Hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.” Vậy, qua biểu tượng con rắn này, chẳng nói lên quyền năng cao cả của Thiên Chúa sao? Dĩ nhiên con rắn đồng không tự có quyền năng chữa lành, nhưng qua đó, Thiên Chúa biểu lộ lòng thương xót. Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên những đường cong là vậy. Tương tự, thập giá không tự cứu chuộc nhân loại, mà là qua thập giá, Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ qua Chúa Giêsu. Giống như rắn đồng là con đường duy nhất để dân Israel được cứu khỏi cái chết do rắn độc, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là con đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời (Ga 14,6). Tóm lại, rắn đồng là biểu hiện của sự công bằng (hình phạt cho tội lỗi) và lòng thương xót (ơn cứu chuộc). Tương tự, thập giá của Chúa Giêsu là nơi công lý của Thiên Chúa được hoàn thành và tình yêu của Ngài dành cho nhân loại được tỏ hiện.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh con rắn đồng để tiên báo về cái chết cứu chuộc của Ngài: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao, để ai tin vào Người thì được sống đời đời” (Ga 3,14-15). Ở đây, “giương cao” không chỉ nói về việc treo trên thập giá mà còn ám chỉ sự tôn vinh của Ngài trong vai trò là Đấng Cứu Thế. Con rắn đồng trở thành hình bóng của Thập Giá, nơi mọi đau khổ và tội lỗi được gánh lấy, và sự sống đời đời được ban cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài.
Có thể quý độc giả thắc mắc khi đang đọc những dòng này, vì cùng một hình ảnh con rắn, nhưng lại mang hai ý nghĩa. Đúng là có sự mâu thuẫn này, nhưng chúng ta thấy một mặt quyền năng Thiên Chúa thường biến đau khổ thành phương tiện cứu độ. Mặt khác, Kinh Thánh không phủ nhận bản chất xấu xa của Satan, nhưng chính từ sự đau khổ do tội lỗi gây ra, Thiên Chúa mở ra con đường cứu độ. Vì vậy, hậu quả của sự sa ngã không vượt quá quyền năng chữa lành của Thiên Chúa. Chẳng phải đây cũng là kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan” (Rm 5,20).
3. Con rắn: bài học về sự khôn ngoan
Một khía cạnh khác của con rắn là sự khôn ngoan. Trong Tin Mừng Mátthêu, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ: “Hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Câu nói này nhấn mạnh rằng người Kitô hữu cần có sự khôn ngoan để đối phó với những hiểm nguy trong thế gian, đồng thời giữ tâm hồn trong sáng và chân thành. Sự “khôn ngoan” ở đây không mang nghĩa xảo trá mà là khả năng nhận biết nguy hiểm và hành động đúng đắn. Cụ thể, con rắn như là biểu tượng của trí tuệ, khôn ngoan, cẩn trọng, và khả năng tự bảo vệ. Điều này cho thấy con người cần tỉnh táo, nhạy bén để đối mặt với thách thức, nhận thức rõ ràng về môi trường xung quanh và đưa ra quyết định sáng suốt. Điều này chưa đủ, nhưng Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta “đơn sơ như bồ câu”, nghĩa là cần hiền lành, trung thực, hòa nhã, chân thành, không gian dối, và cách cư xử hòa ái trong các mối quan hệ.
Để hiểu rõ hơn, tôi xin kể bạn mẩu đối thoại vui này:
Lan: (cười) Này Minh, hôm qua mình nghe cha giảng về câu “Hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”, mà sao thấy khó hiểu ghê. Làm sao vừa khôn như rắn mà lại đơn sơ như bồ câu được chứ?
Minh: (gật gù) À, đơn giản mà! Để tớ ví dụ cho cậu nhé. Giả sử cậu đi mua bánh mì, nhưng quán đông quá, cậu làm sao?
Lan: Ờ thì đứng xếp hàng chứ sao! Chẳng lẽ chen lấn?
Minh: Đúng rồi! Đó là “đơn sơ như bồ câu” đấy! Thật thà, ngay thẳng, không tính toán. Nhưng nếu cậu sợ muộn học, cậu sẽ làm gì?
Lan: À… chắc là tớ sẽ nhờ người ta mua giúp hoặc chọn chỗ bán ít đông hơn!
Minh: Đó! Chính là “khôn như rắn” rồi! Tìm cách giải quyết vấn đề một cách khéo léo, thông minh. Cậu thấy không, mình có thể vừa khôn vừa đơn sơ mà!
Lan: (cười lớn) À há! Vậy tóm lại là phải biết dùng đầu óc khi cần, nhưng đừng quên giữ tâm hồn ngay thẳng đúng không?
Minh: Chính xác! Nếu chỉ khôn thôi mà không đơn sơ, cậu sẽ dễ thành người mưu mẹo, thiếu chân thật. Còn nếu chỉ đơn sơ mà không khôn, cậu sẽ dễ bị người khác lợi dụng.
Lan: Thế là từ nay mình phải tập làm “rắn bồ câu” rồi! (cười)
Minh: Ừ, nhớ nhé! Vừa thông minh, vừa tốt bụng, đó mới là cách sống đẹp.
Thực tế là những người theo Chúa Giêsu không được tự vệ bằng các hình thức quyền lực thế gian. Họ phải luôn giữ sự đơn sơ như bồ câu, nhưng cũng phải khôn ngoan như rắn. Đối diện với một thế giới thường xuyên thay đổi và đầy rẫy cạm bẫy, người Kitô hữu được mời gọi học hỏi từ hình ảnh con rắn để trở nên khéo léo và sáng suốt. Sự khôn ngoan sẽ giúp họ tránh gây ra rắc rối một cách không cần thiết hoặc chỉ ra cách để né tránh mà không làm mất đi sự trung thành. Rắn thường bị mọi người tấn công và phải sử dụng sự sáng tạo và khôn khéo để sinh tồn. (Chú giải Matthêu 10)
Nói cách khác, khả năng nhận định, phân định đúng sai dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần là điều cần thiết. Thông minh thôi chưa đủ, lòng khiêm nhường và sự phó thác nơi Thiên Chúa cũng không thể thiếu. Tóm lại, thông minh sắc bén và khiêm nhường là hai phẩm chất bổ trợ lẫn nhau. Thông minh giúp chúng ta nhìn thấu vấn đề, đưa ra giải pháp hiệu quả, nhưng nếu thiếu khiêm nhường, sự thông minh dễ trở thành kiêu ngạo, gây xa cách người khác. Ngược lại, khiêm nhường giữ cho tâm hồn luôn mở rộng, biết lắng nghe và học hỏi, giúp trí tuệ phát triển sâu sắc hơn.
Kết luận
Hình ảnh con rắn trong Kinh Thánh là một biểu tượng đa chiều, vừa mang ý nghĩa tiêu cực của sự cám dỗ và tội lỗi, vừa chứa đựng thông điệp về sự cứu độ và bài học khôn ngoan. Con rắn nhắc nhở chúng ta về thân phận yếu đuối, đồng thời khơi dậy hy vọng vào ân sủng và sự chiến thắng của Thiên Chúa. Trong năm Ất Tỵ 2025 này, ước gì mỗi người nhận ra bài học quan trọng về sự tỉnh thức, lòng tin và hành động khôn ngoan trong đời sống đức tin. Như con rắn đồng trong sa mạc, chúng ta được mời gọi hướng lòng lên Chúa Giêsu, Đấng đã “giương cao” để mang lại sự sống đời đời cho nhân loại. Đó là lời mời gọi để tin tưởng, sống trong sự khôn ngoan và đặt niềm hy vọng vào Đấng Cứu Chuộc duy nhất.
Xin Chúa của Mùa Xuân luôn ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng ta.
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com