Trong phẩm trật của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng là Đấng kế vị Thánh Phêrô, trong vai trò người Cha chung của Giáo Hội Công Giáo. Kế đến, là các Hồng Y, Giám mục, Linh mục, và sau cùng là Phó tế. Tên gọi Phó tế bắt nguồn từ chữ “diakonos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là người phục vụ hoặc thừa tác viên. Đúng như ý nghĩa của từ “diakonos,” Phó tế mang trong mình sứ vụ phục vụ Chúa và anh chị em ngang qua sứ vụ được Giáo Hội trao phó.
Chức vụ Phó tế bắt nguồn từ thời các Thánh Tông Đồ. Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết chức Phó tế được thiết lập để đáp ứng nhu cầu phục vụ của Giáo Hội sơ khai. Khi thấy số môn đệ thêm đông, nhiều bà góa vẫn bị bỏ rơi không được quan tâm vì thiếu người phục vụ, các Tông Đồ đã triệu tập các môn đệ lại họp bàn và chọn ra “bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí, và khôn ngoan” để các ngài đặt tay cầu nguyện, trao nhiệm vụ, và sai đi phân phát lương thực cho các tín hữu, đặc biệt cho các bà góa bị bỏ rơi. Nhờ có các Phó tế, các Tông Đồ không còn phải bận tâm nhiều việc để có thể lo cho sứ vụ rao giảng Lời Thiên Chúa (Cv 6:2-3). Đây là nguồn gốc của chức vụ Phó tế trong Giáo Hội Công Giáo.
Trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai, Phó tế có nhiệm vụ chăm sóc, phân phát lương thực, và phục vụ những nhu cầu “cơm áo gạo tiền” cho giáo dân, vì các tín hữu sơ khai thường sống tập chung, ăn uống chung, làm việc chung, và tham dự cử hành chung với nhau tại tư gia. Khi các cử hành phụng vụ của Giáo Hội được canh tân, vai trò của Phó tế cũng dần dần được thay đổi để phù hợp với nhu cầu mục vụ của Giáo Hội. Trong nhiều thế kỷ, Phó tế là cánh tay đắc lực của hàng Giám mục trong việc mục vụ và nhất là phục vụ anh chị em có hoàn cảnh khó khăn nhân danh Giám mục.
Ngày nay, nhiệm vụ của Phó tế không còn đơn thuần là phục vụ nhu cầu vật chất như xưa, nhưng Phó tế được tuyển chọn để phục vụ như một thừa tác viên của Lời Chúa, phụ giúp Giám mục và Linh mục trong việc cử hành các Bí tích, và thừa tác viên bác ái của Giáo Hội. Là thừa tác viên Lời Chúa, Phó tế là người công bố Lời Chúa trong Thánh Lễ và có thể được phân chia chia sẻ Lời Chúa cho cộng đoàn. Đồng thời, Phó tế giúp Giám mục và Linh mục trong việc chuẩn bị Bàn Tiệc Thánh. Bên cạnh đó, Phó tế có thể là thừa tác viên cử hành Bí Tích Rửa Tội, chứng hôn, cử hành nghi thức an táng ngoài Thánh Lễ, và chủ sự Giờ Kinh Phụng Vụ.
Một trong những vai trò của Phó tế mà nhiều khi bị quên lãng trong thời đại của chúng ta, đó là vai trò thừa tác viên bác ái. Các Phó tế không chỉ trợ giúp các Giám mục và Linh mục trong phục vụ Bàn Thánh, nhưng họ còn là cánh tay nối dài và cầu nối giữa các Giám mục, Linh mục, và anh chị em giáo dân, đặc biệt trong việc phục vụ những anh chị em có hoàn cảnh khó khăn. Bởi vì các Phó tế chính là sứ giả của tình yêu Chúa, mang niềm hy vọng, và ơn chữa lành cho con người qua sứ vụ của mình.
Chính vì thế, sống trong xã hội trần thế, các Phó tế cần phải có tính nhạy bén với hoàn cảnh, với môi trường sống của con người, đặc biệt với nhu cầu cần thiết của anh chị em xung quanh. Họ cần phải đón nhận những người già cả, những người ốm đau, những người bị tù tội, những người nghèo, những người mẹ đơn thân, và những anh chị em đang phải đối diện với những đau khổ dưới nhiều hình thức khác nhau trong sứ vụ của mình. Qua Bí Tích Rửa Tội, tất cả tín hữu được kêu gọi để phục vụ, nhưng Phó tế được kêu gọi phục vụ với chức vụ thánh và được sai đi. Phó tế được Giáo Hội sai đi để làm nổi bật sự hiện diện của Chúa Kitô nơi những anh chị em khó nghèo, sai đi để thi hành sứ vụ mà Chúa Kitô đã ủy thác, và sai đi để làm cánh tay nối dài yêu thương của Chúa cho tha nhân qua ơn gọi phục vụ.
Để có thể là người phục vụ trong tinh thần của Thầy Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Phó tế hãy liên kết sứ vụ của họ trong đời sống cầu nguyện hằng ngày, hãy dâng lên Thiên Chúa tất cả những công việc mục vụ của họ, và hãy nhận ra việc phục vụ tha nhân chính là một hình thức thờ phượng thiết thực và cao đẹp. Thánh Phaolô trong thư gửi cho Timôthê cũng đã hướng dẫn các Phó tế cách sống sao cho đúng vai trò là người phục vụ của mình. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Các Phó tế phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch” (1Tm 3:8-9). Thánh nhân cũng khẳng định, “Những ai thi hành chức vụ phó tế cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu” (1Tm 3:13).
Xin chúc mừng bảy Tân Phó Tế của Dòng Thánh Tâm Huế cùng với sáu Tân Phó Tế của Tổng Giáo Phận Huế vừa được Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Tổng Giáo Phận Huế tuyển chọn, phong chức, và sai đi như người phục vụ của Thiên Chúa trong chức vụ Phó tế. Xin cho các Tân Phó Tế biết noi theo Thầy Giêsu, Đấng đã làm người để phục vụ và sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn loài. Xin mượn lời của Thánh Phaolô cầu chúc các Tân Phó tế nhiệt thành “thi hành chức vụ phó tế cách tốt đẹp,” để mỗi Phó tế sẽ “được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Kitô” qua sứ vụ phục vụ, và sớm “được một chỗ danh dự” trong Giáo Hội và trong Nước Chúa.
Vincent Nghiệp Phạm, CSC