Trong loạt bài này, tôi đã giới thiệu lời cầu nguyện, doce me passionem Tuam – Lạy Chúa, xin dạy con hiểu thấu cuộc Thương khó của Chúa. Hôm nay, tôi muốn suy niệm về việc Đức Maria tham gia vào Thập giá của Đức Kitô như một mẫu gương cho mỗi chúng ta biết làm sao để bước vào sự đau khổ của Đức Kitô cách trọn vẹn hơn, và qua đó, được hiệp nhất sâu xa hơn với Người.
Là một bác sĩ về tâm thần, tôi đã học được rằng một trong những hình thức đau khổ khó khăn nhất mà chúng ta có thể trải qua là cảm giác bất lực khi chứng kiến người thân yêu chịu đau đớn. Đức Maria đã chứng kiến Con mình chịu cuộc Khổ nạn mà không thể ngăn chặn được nỗi kinh hoàng không thể tả xiết ấy. Dù mang địa vị cao trọng là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria cũng không được miễn trừ khỏi đau khổ. Nhưng thay vì chịu đựng cách miễn cưỡng, Mẹ đã đón nhận đau khổ ấy vì tình yêu dành cho người Con yêu dấu.
Sự tham gia của Đức Maria vào Thập giá của Đức Kitô đã bắt đầu ngay cả trước khi Người được sinh ra. Tháng trước, chúng ta đã mừng lễ Truyền tin, khi Mẹ Maria thưa với Thiên Chúa lời fiat – “xin vâng” vô điều kiện trước kế hoạch thần linh của Ngài. Trong sự vâng phục này, Mẹ đã tự nguyện dâng lên Thiên Chúa tất cả những gì Mẹ có và cả những gì Mẹ còn thiếu; Mẹ đã tự vét rỗng chính mình để dành chỗ cho Đức Kitô . Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên của biến cố Nhập thể, khi Đức Kitô trở thành một phôi thai mong manh trong lòng Mẹ, dấu ấn của Thập giá đã được in khắc trên toàn bộ cuộc đời của Người – và do đó, trên toàn bộ cuộc đời của Đức Mẹ nữa. Chúa chúng ta đã được sinh ra từ Thập giá và đã chết trên Thập giá.
Cũng giống như cái chết đầy bất công và gây sốc, sự sinh ra của Đức Giêsu cũng gây sốc và bất công không kém. Chẳng ai được xem làm Thiên Chúa mà lại chọn cách được sinh ra bởi một người thiếu nữ bình thường trong một hang đá, và được đặt nằm trong máng cỏ, chỉ vì không tìm được chỗ trọ. Chúng ta đã quá quen với câu chuyện này đến mức quên mất rằng đây là một kế hoạch kỳ lạ đến mức gây sốc, mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể nghĩ ra. Thập giá không chỉ xuất hiện trên đồi Canvê; Thập giá đã hiện diện ngay trong hang đá Belem, và trong từng khoảnh khắc của cuộc đời Chúa Giêsu. Tình yêu dịu dàng và tuyệt đẹp của Chúa Giêsu nơi máng cỏ cũng chính là tình yêu dịu dàng và tuyệt vời của Người trên Thập Giá.
Khi lên đường từ Nazareth đến Bêlem, Đức Maria đã để lại mọi sự phía sau. Mẹ không có nhà ở đó, cũng không biết con trẻ này sẽ chào đời như thế nào, hoặc điều gì sẽ xảy ra với một hài nhi được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần. Mẹ biết các lời ngôn sứ trong Cựu ước, nhưng Mẹ không biết chính xác vai trò của mình sẽ ra sao, hoặc cuộc đời của mình, của Thánh Giuse, và của Hài nhi sẽ dẫn đến những gì. Mẹ đã đặt trọn mọi sự – niềm hy vọng và nỗi sợ hãi, đức tin và lòng tín thác, sự không hiểu, sự thiếu thốn vật chất hoặc thậm chí một kế hoạch rõ ràng – hoàn toàn trong tay Thiên Chúa. Mẹ đã dấn bước ra vùng nước sâu, liều mình trước tất cả, với lời đáp trả: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Chưa từng có thụ tạo nào khác đã hiến dâng bản thân cách trọn vẹn cho Đấng mình yêu mến, mà không giữ lại gì, như Đức Maria.
Khi dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ và nghe lời tiên tri của ông Simêon – rằng Con của mình sẽ là dấu chỉ bị chống đối, và một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn mình – Đức Maria đã chấp nhận nỗi đau khổ tương lai ấy, dù không biết nó sẽ xảy ra khi nào và ra sao. Khi phải trốn sang Ai Cập chỉ với chút hành trang ít ỏi, sống đời tha hương nơi đất khách, Mẹ cũng đã chấp nhận gian khó ấy để bảo vệ người Con chí thánh, dù chẳng biết làm sao để sinh sống hoặc khi nào mới có thể trở về quê hương. Mười hai năm sau, khi cậu bé Giêsu bị lạc, Đức Maria và Thánh Giuse đã lo lắng và đau đớn giống như bất kỳ bậc cha mẹ nào: Mẹ không có một quả cầu pha lê phép thuật để báo trước rằng chỉ cần đợi ba ngày rồi sẽ tìm thấy Con trong Đền Thờ.
Sau này, khi người Con trưởng thành, Đức Maria vẫn kiên vững, không hề phẫn nộ hay than trách, khi chứng kiến Đức Giêsu chịu một phiên tòa giả tạo và lãnh bản án bất công. Mẹ đã chứng kiến cảnh Con mình bị đánh đòn tàn bạo không sao kể xiết, thấy đầu Con bị đội mão gai, nhìn Con lê bước vác Thập giá, và cuối cùng đứng bên Con trong giờ Người bị đóng đinh. Khi đứng khóc dưới chân Thập giá, rồi sau đó bồng ẵm thi thể bầm dập và lạnh giá của Con, Mẹ vẫn chưa biết rằng ba ngày sau Người sẽ phục sinh vinh hiển. Mẹ chịu đựng tất cả những điều ấy trong đức tin, phó thác trọn vẹn cho kế hoạch của Thiên Chúa, dù chưa hoàn toàn hiểu thấu về kế hoạch của Ngài.
Đức Maria chỉ biết rằng Mẹ muốn đón nhận, muốn ôm lấy và muốn sống trọn vẹn tất cả những gì Thiên Chúa mong chờ nơi mình. Nhưng Mẹ không được ban cho để biết một kế hoạch chi tiết ngay từ đầu: Mẹ không biết tất cả những gian nan sẽ ra sao. Thiên Chúa đã đón nhận lời thưa “Xin vâng” đơn sơ nhưng trọn vẹn của Mẹ – “Lạy Chúa, con muốn thực thi ý Chúa” – và ban cho Mẹ sức mạnh để dâng hiến nhiều hơn gấp bội so với những gì Mẹ có thể hình dung. Khi thưa “xin vâng”, Mẹ đã mặc nhiên chấp nhận chia sẻ cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, dù không biết trước cách cụ thể về những đau khổ ấy. Và mỗi ngày, bằng việc không ngừng lập lại tiếng “xin vâng” ấy, Đức Maria lại tiến sâu hơn vào mầu nhiệm thánh ý Thiên Chúa dành cho mình. Chính vì thế, mặc dù tâm hồn đau đớn tận cùng khi đứng dưới chân Thập giá, Mẹ vẫn không tuyệt vọng, không oán trách Thiên Chúa.
Suốt cuộc đời trần thế, Đức Maria không ngừng vác lấy thập giá của mình, nhưng còn hơn thế, Mẹ đã đón nhận chính Thập giá của Đức Kitô. Khi làm như vậy, Mẹ đã nên một với Con của Mẹ trong cuộc thương khó của Người. Khi đứng dưới chân Thập giá, như mọi người mẹ từng chứng kiến con mình quằn quại trong đau đớn có thể thấu cảm, Đức Maria, như thể cũng bị đóng đinh cùng với Con yêu dấu. Nhà thần học Hans Urs Von Balthasar đã diễn tả trong tập suy niệm về kinh Mân côi: “Thân xác của người Mẹ không thể không cảm nhận những gì xảy ra với ‘hoa trái’ của lòng mình. Bởi trong một cách thế huyền nhiệm, Đức Maria hiệp thông với những đau khổ của Con, nên Mẹ cũng cảm nếm theo cách riêng của mình thực tại tội lỗi của thế gian”. Nói cách khác, nỗi thống khổ của Đức Giêsu cũng trở thành nỗi thống khổ của Mẹ.
Chính tại chân Thập giá, ơn gọi của Đức Maria trở nên trái tim gương mẫu cho Giáo hội đã được hoàn tất, như Balthasar tiếp tục minh giải: “Trong cuộc Khổ nạn và sự tham gia âm thầm của Đức Maria, đã diễn ra cuộc biến đổi mang tính quyết định: Mẹ trở nên Giáo hội, Hiền thê của Chúa”. Lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ (Lc 2,35), điều đã được ông Simêon tiên báo từ khi Mẹ dâng Con trong Đền thánh, nay trở thành “tiếng vọng trong lòng Giáo hội” của lưỡi đòng đâm thấu trái tim Đức Kitô (Ga 19,34), từ đó phát sinh các Bí tích – Máu và Nước, Bí tích Thánh thể và Bí tích Thánh tẩy.
Ngay cả sau khi Con Mẹ thăng thiên vinh hiển về trời, Đức Maria vẫn tiếp tục cưu mang Thập giá của Đức Kitô trong Trái tim Vô nhiễm của Mẹ – một trái tim đã bị lưỡi gươm của cuộc Thương khó đâm thấu tận cùng. Mẹ vẫn phải tiếp tục cuộc lữ hành trần thế, vắng bóng sự hiện diện hữu hình của Con Mẹ (ngoại trừ sự hiện diện mầu nhiệm trong Bí tích Thánh Thể), cho tới ngày Đức Kitô gọi Mẹ về trời và trao ban cho Mẹ triều thiên Nữ Vương Thiên Đàng. Chính Thân Mẫu của Đức Kitô – Đấng Vô Nhiễm Tội, Đấng đã cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể trong cung lòng thanh khiết – cũng chỉ có thể đạt đến sự kết hiệp viên mãn cùng Người bằng việc hoàn toàn đón nhận cuộc khổ nạn của Người, tự nguyện gắn bó với Người trên Thập giá. Qua đó, Mẹ trở nên Trái tim bị đâm thâu, gương mẫu tuyệt hảo của toàn thể Giáo hội.
Cũng vậy, chỉ nhờ sự tham gia vào cuộc Khổ nạn của Đức Kitô, những đau khổ riêng của chúng ta mới thực sự có được ý nghĩa – thậm chí trở nên một món quà, dẫu rằng điều này khó lòng chấp nhận được theo cái nhìn phàm nhân. Đây chính là mầu nhiệm thẳm sâu của việc chúng ta được thông phần vào Thập giá Đức Kitô. Phương dược hữu hiệu nhất cho những khổ đau của chúng ta không đến từ việc tập trung vào nỗi thống khổ của riêng mình, nhưng là biết nài xin Chúa Giêsu dạy ta thấu hiểu chính cuộc Thương khó của Người – học biết sự đau khổ của Người như Mẹ Maria đã từng học. Đây chính là tâm điểm của lời kinh nhỏ bé này: Doce me passionem Tuam – Lạy Chúa, xin dạy con hiểu thấu cuộc Thương khó của Chúa.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: catholicexchange.com (11/04/2025)
Nguồn: hdgmvietnam.com