ĐỨC ÁI LÀ YẾU TÍNH CỦA SỰ THÁNH THIỆN
TRƯỚC TÔN NHAN THIÊN CHÚA – Tôi đặt mình trước tôn nhan Thiên Chúa và nhận biết Ngài là tình yêu vô biên: “Deus caritas est”, Thiên Chúa là tình yêu.
Suy niệm
Đức ái thì rất thiết yếu trong đời sống siêu nhiên, đến nỗi tình trạng sống hay chết của người Kitô hữu hoàn toàn tùy thuộc vào sự hiện diện hay vắng mặt của đức ái. Ai không có đức ái thì cũng không có ơn thánh hóa, vì chúng tuyệt đối không thể tách rời nhau: “Ai không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1 Ga 3,14). Nói khác đi, ai có đức ái, thì cũng có ân sủng và được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. “Ai ở trong tình yêu, ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy” (1 Ga 4,16), và như Thánh Tôma dạy: “Đức ái… kết hiệp tình cảm con người với Thiên Chúa, đến nỗi con người không còn sống cho mình nữa, mà sống cho Thiên Chúa” (IIa IIae, q.17, a.6, ad 3).
Ba nhân đức đối thần được phú ban cho linh hồn chúng ta cùng với ơn thánh hóa: đức tin, đức cậy, và đức mến. Cả ba nhân đức đều có đối tượng là Thiên Chúa, nhưng “cao trọng hơn cả là đức ái” (1 Cr 13,13). Đức ái là cao trọng nhất, vì không có đức ái, không thể có đời sống Kitô hữu. Đức ái là cao trọng nhất, vì đức ái tồn tại mãi. Hơn nữa, đức ái là sức mạnh liên kết gắn bó chúng ta với Thiên Chúa, vì đây là một sự thông phần vào đức ái vô biên chính là Thiên Chúa. Thật vậy, khi người Pharisêu hỏi điều răn nào trong lề luật là cao trọng nhất, thì Chúa Giêsu đã trả lời: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa, Chúa của ngươi hết lòng, và với hết linh hồn , và với hết trí khôn ngươi. Đây là điều răn cao trọng nhất và đầu tiên” (Mt 22,37. 38).
Khi đức ái trong chúng ta nên hoàn hảo, thì nó sẽ gìn giữ chúng ta nên một trọn vẹn với Thiên Chúa, và sẽ hướng mọi hoạt động của chúng ta về Người. Do đó, tùy theo mức độ đức ái chi phối một linh hồn, mà linh hồn này nên trưởng thành trong đời sống siêu nhiên, nên thánh thiện hơn hay kém đi.
Tâm sự
Lạy Thiên Chúa, xin cho con hiểu một chút mầu nhiệm đức ái vô biên của Ngài. Ngài là đức ái toàn vẹn, và mọi sự trong Ngài đều là đức ái. Đức ái là hữu thể của Ngài, yếu tính của Ngài và sự sống của Ngài. Ngài là đức ái toàn vẹn. Từ vĩnh cửu, ab aeterno, Ngài yêu thương chính mình, và Ngài hài lòng với chính Ngài. Lạy Chúa Cha, Ngài yêu thương Ngôi Lời, Người là dung mạo bản thể của Ngài. Lạy Ngôi Lời, Ngài yêu thương Chúa Cha, Ngài từ Chúa Cha mà đến. Lạy Chúa, với tình yêu hỗ tương này hai ngôi yêu thương nhau một cách hoàn hảo đến nỗi sinh ra một Ngôi Vị, Ngôi Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Người là Chúa Thánh Thần.
“Hồn tôi ơi, hãy vui mừng và yêu mến mà nhìn xem Chúa Cha nhận biết Chúa Con, và Chúa Con nhận biết Chúa Cha của mình. Hãy chiêm ngắm lòng sốt mến mà Chúa Thánh Thần kết hiệp với Hai Ngôi kia. Hãy chiêm ngắm là không ngôi nào trong Thiên Chúa Ba Ngôi chia lìa nhau khỏi lòng yêu mến và sự nhận biết, vì Ba Ngôi làm thành một duy nhất. Ba Ngôi nhận biết nhau, yêu thương nhau và hài lòng về nhau. Thế thì, sao lại cần đến tình yêu của con? Lạy Chúa, vì Ngài muốn tình yêu của con? Ngài được lợi ích gì nơi nó? (Thánh Têrêsa Giêsu, Tiếng linh hồn than thở cùng Thiên Chúa, 7,2).
Chúa Giêsu Kitô phải là tâm điểm đời sống cầu nguyện của tôi, bằng không khi cầu nguyện, tôi nói một mình. Trong cầu nguyện, tôi học lắng nghe Chúa nói với tôi. Tôi để Lời Chúa vang vọng trong tôi, để Lời Chúa đến soi sáng những biến cố trong đời tôi. |
Tác phẩm: p. Gabriele di S.M. Maddalena, o.c.d, Intimità divina
Trích dịch: Lm. Đặng Quang Tiến