Xét mình xưng tội Mùa Vọng theo bảy nhân đức của Thánh Giuse

13/12/2020

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm, ngày 8/12/1870- 8/12/2020, Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX đã ban hành sắc lệnh Quemadmodum Deus, công bố thánh Giuse là Đấng Bảo trợ Giáo hội, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.

Tông thư Trái tim của người Cha được ĐTC Phanxicô viết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Theo ngài, đại dịch giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của những con người vì công ích, những người xa ánh đèn sân khấu, kiên nhẫn mỗi ngày và nuôi dưỡng hy vọng, lan toả sự đồng trách nhiệm. Chúng ta có thể tìm thấy nơi thánh Giuse, “một người không được chú ý, người hiện diện hàng ngày, kín đáo và âm thầm, người chuyển cầu, là sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”. Thánh nhân nhắc chúng ta rằng những người dường như “giữ vai trò phụ”, âm thầm, lại là “những vai chính không thể so sánh trong lịch sử cứu độ”.

Sau đây những gợi ý xét mình xưng tội theo bảy nhân đức về người cha của Thánh Giuse:

1. Người cha yêu mến. Các điều luật của Chúa tóm lại trong hai điều là: mến Chúa yêu người và lấy đức mến làm chủ đạo. Chúng ta có thể xét mình dựa vào bài ca đức mến của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn Côrintô (1Cr 13,4-8).

Học nơi thánh Giuse, chúng ta sống yêu mến hết mọi người. Tôi có yêu mến anh chị em mình không? Tôi có ghét ai không? Tôi có cầu nguyện cho người tôi không thích?

2. Người cha dịu dàng. Thánh Giuse là người cha dịu dàng, nơi ngài, “Chúa Giê-su nhìn thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa”, điều giúp chúng ta đón nhận sự yếu đuối của mình”, bởi vì “chính nhờ và bất chấp sự yếu đuối của chúng ta” mà hầu hết các kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện. Thật vậy, Thiên Chúa “không lên án chúng ta, nhưng đón nhận, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.

Học nơi thánh Giuse, chúng ta sống dịu dàng với mọi người. Nhiều khi chúng ta dịu dàng với người khác mà lại thô lỗ với người thân của mình. Tôi có cục cằn, thô lỗ, thô bạo và hay nóng giận vô cớ không?

3. Người cha vâng lời Thiên Chúa. Thánh Giuse là người cha vâng lời Thiên Chúa; bằng sự vâng phục, ngài đã cứu Mẹ Maria và Chúa Giê-su, cùng dạy Con của ngài “thi hành ý Chúa Cha”.

Học nơi thánh Giuse, chúng ta sống vâng lời, nhất là vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Tôi có vâng lời đấng bề trên, cha mẹ, người lớn? Hay là cãi lại, chống đối, bằng mặt mà không bằng lòng?

4. Người cha của sự đón tiếp. Thánh Giuse cũng là “người cha của sự đón tiếp” bởi vì ngài “đón nhận Mẹ Maria vô điều kiện”. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh cử chỉ này ngày nay vẫn quan trọng. Qua thánh Giuse, Thiên Chúa lập lại với chúng ta “Đừng sợ!” bởi vì “đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố. Sự đón nhận của thánh Giuse mời gọi chúng ta đón tiếp người khác như chính họ là, không loại trừ, và đặc biệt ưu tiên cho những người yếu đuối”.

Học nơi thánh Giuse, chúng ta cũng biết đón tiếp người khác, mở cửa, mở rộng vòng tay và con tim đón tiếp anh chị em. Tôi có hẹp hòi, ích kỷ, sống kép kín, từ chối tiếp đón và không chia sẻ cho người khác không?

5. Người cha can đảm một cách sáng tạo. Thánh Giuse có lòng can đảm sáng tạo, “biết cách biến vấn đề thành cơ hội bằng cách luôn đặt niềm tin vào Chúa Quan Phòng lên hàng đầu”. Thánh nhân phải đối mặt với “những vấn đề cụ thể” của gia đình mình, giống hệt như những gia đình khác trên thế giới, đặc biệt là những người di cư. Là người bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thánh Giuse “không thể không là người bảo vệ Giáo hội”, của tình mẫu tử và Thân thể Chúa Kitô: mọi người túng thiếu đều là “Hài nhi” mà thánh Giuse bảo vệ và từ ngài, người ta có thể học cách “yêu mến Giáo hội và người nghèo.

Học nơi thánh Giuse, chúng ta sống can đảm một cách sáng tạo. Sống can đảm một cách sáng tạo thì sẽ làm cho cuộc sống luôn tươi mới. Vì thiếu can đản và sáng tạo nên cuộc sống của bản thân, gia đình, giáo xứ và cộng đoàn cứ xơ cứng, ù lì và nặng nề không có gì mới mẻ. Biết bao năm tháng đã qua đi và biết bao Mùa Vọng đã đến nhưng tôi vẫn y nguyên, vũ như cẩn (vẫn như cũ). Tôi có can đảm giữ vững đức tin và trung thành với Chúa? Tôi có chấp nhận thay đổi trong tình yêu can đảm và sáng tạo?

6. Người cha lao động. Thánh Giuse là người lao động. Là người thợ mộc lương thiện để nuôi sống gia đình, thánh nhân cũng dạy chúng ta “giá trị, phẩm giá và niềm vui” của việc “ăn miếng cơm thành quả lao động của mình.” ĐTC Phanxicô mời gọi hiểu ý nghĩa của lao động, điều mang lại phẩm giá và là sự tham gia vào chính công trình cứu độ. Lao động là cơ hội cho các gia đình; không có việc làm các gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn, căng thẳng, rạn nứt và thậm chí là sự cám dỗ tuyệt vọng và phân tán. ĐTC Phanxicô khuyến khích mọi người “khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của lao động”, để “làm nảy sinh một chuẩn mực mới, trong đó không ai bị loại trừ”. Đặc biệt, khi nhìn vào tình trạng thất nghiệp ngày càng trầm trọng do đại dịch Covid-19, ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi người dấn thân để chúng ta có thể nói: “Không có người trẻ nào, không có người nào, không có gia đình nào không có việc làm!”.

Học nơi thánh Giuse, chúng ta chăm chỉ, cần cù và chịu khó làm việc. Tôi có làm ăn lương thiện? Tôi có dối gian trong công việc, lơ là biếng nhác trong công việc bổn phận, ăn không ngồi rồi trông chờ vào người khác mà không chịu khó tìm công việc để làm không?

7. Người cha luôn là bóng mát che chở. Thánh Giuse đó là người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn, giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse được gọi là Đấng rất thanh khiết, nghĩa là “đối nghịch với sự chiếm hữu”: ngài biết yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giê-su và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của ngài là “trao tặng chính mình”: không bao giờ thất vọng nhưng luôn tin tưởng, luôn thinh lặng, không than van, nhưng có những cử chỉ cụ thể tín thác.

Học nơi thánh Giuse, chúng ta luôn là bóng mát che chở người khác, là bến bình an cho thuyền đời neo đậu, là nơi cao cho người ta tránh lụt và nhà kiên cố cho người khác tránh bão. Tôi có độc quyền, độc tài, bắt nạt, tạo áp lực và gây khó khăn cho người khác? Tôi có khiêm tốn khi phục vụ và có lòng hăng say nhiệt thành?

Chúng ta chỉ cần cầu xin Thánh Giuse ơn khẩn thiết nhất, đó là ơn hoán cải.

Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với ngài:

Lạy Đấng Bảo hộ Chúa Cứu Chuộc,

là Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria.

Thiên Chúa đã trao phó Con Một cho ngài;

Mẹ Maria đã tín thác vào ngài;

và với ngài, Chúa Kitô đã làm người.

Lạy Thánh Giuse, cả đối với chúng con nữa,

xin ngài hãy làm một người cha

và hướng dẫn chúng con trên đường đời.

Xin giúp chúng con có được từ tâm, lòng thương xót, và can đảm,

và bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

Lăng cô, ngày 12.12.2020

Lm. Giuse Phan Văn Quyền