Nếu con cái không được phép khinh dể cha mẹ mình,
thì người tín hữu sao dám đạp ảnh Chúa tạo dựng trời đất.
Thánh Đaminh Trần Duy Ninh chào đời năm 1841, tại làng Trung Linh, tỉnh Nam Định (nay thuộc giáo xứ Trung Linh, Giáo phận Bùi Chu). Anh là một thanh niên Công giáo đạo hạnh. Đến năm anh 20 tuổi, anh lập gia đình với một thiếu nữ trong làng.
Hằng ngày, anh Ninh siêng năng việc đồng áng, chiều về cơm nước xong, lại tụ họp đọc kinh chung trong xứ đạo. Anh sống đời đạm bạc trong yên lành. Thế nhưng, đời sống các tín hữu bị đảo lộn vì sắc lệnh cấm đạo khắc nghiệt của vua Tự Đức.
Ngày 16/09/1861, năm 21 tuổi, anh Ninh cùng với nhiều giáo hữu bị quan quân vây bắt giải về phủ Xuân Trường. Các tù nhân vẫn nhất mực tuyên xưng niềm tin, không chịu đạp ảnh Thánh. Quan phủ hạ lệnh cho khắc hai chữ “tả đạo” vào má và đưa đi lưu đày. Anh Ninh bị đi đày ở làng Đông Trị, huyện Đông Quan. Các anh hùng đức tin còn phải bị thay đổi nơi chốn lưu đày nhiều lần.
Trong hơn 9 tháng ngục tù, bao nhiêu lần tra tấn, roi đòn, dụ dỗ ngon ngọt, vẫn không thể lay chuyển được vị anh hùng đức tin trẻ tuổi Trần Duy Ninh. Anh can đảm trả lời quan án: “Nếu con cái không được phép khinh dể cha mẹ, thì người tín hữu sao dám đạp ảnh Chúa tạo dựng trời đất. Quan hãy làm gì quan muốn, nhưng đừng bắt tôi phạm tội đạp Thánh Giá Chúa.”
Trước lòng can đảm và khẳng khái của anh hùng đức tin Đaminh Trần Duy Ninh, tổng đốc Nguyễn Đình Tân đã ra lệnh xử trảm anh vào ngày 02/06/1862 tại pháp trường An Triêm, tỉnh Nam Định, dưới thời vua Tự Đức.
Chứng nhân đức tin Ðaminh Trần Duy Ninh được phong chân phước ngày 29/04/1951 do ÐTC Piô XII và được ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
Nguồn: hdgmvietnam.com