Ngày 06.10 – Thánh Phanxicô Nguyễn Văn Trung, Cai đội tử đạo (1825 – 1858)

06/10/2018

Ngày 06 tháng 10

Thánh Phanxicô NGUYỄN[1] VĂN TRUNG

Cai đội (1825 – 1858)

“Tôi là người Công giáo.

Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc,

nhưng không bao giờ tôi bỏ đạo.”

Phanxicô Nguyễn Văn Trung sinh khoảng năm 1825 tại làng Phan Xá, tỉnh Quảng Trị, dưới thời vua Minh Mạng, thuộc gia đình Công giáo. Thân phụ cậu trước cũng là cai đội, nhưng đã về hưu. Cùng chí hướng với cha, cậu cũng tham gia binh nghiệp và trở thành một cai đội. Khoảng 24 tuổi, anh Trung kết hôn với một thiếu nữ cùng làng và sinh được 4 người con.

Lần kia, cùng với 11 bạn đồng ngũ, ông phải dự cuộc khảo thí. Trong hoàn cảnh bấy giờ, muốn thi cử trót lọt, phải hối lộ với quan trên. Chẳng may vụ việc bại lộ, cả 12 cai đội phải vào tù.

Khi Cửa Hàn (Đà Nẵng) bị quân Pháp dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Grenouilly đánh chiếm ngày 01-09-1858, vua Tự Đức cho phóng thích các binh lính bị giam giữ để bổ sung quân số bảo vệ kinh thành. Nhưng khi sắp xuất trận, 12 cai đội bị quan bắt ép bước qua Thập giá. 11 người kia theo lệnh, riêng ông Trung nhất định không: “Tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi bỏ đạo.”

Câu nói khẳng khái trọn vẹn đôi đàng của công dân nước Việt và công dân Nước Trời ấy đã đưa cai đội Trung trở lại nhà ngục. Trong một tháng bị giam, ông bị điệu ra tra hỏi nhiều lần, bị tra tấn 3 lần, mỗi lần 50 roi. Những trận đòn đó không làm cho người chiến sĩ đức tin bỏ cuộc. Dự đoán mình sẽ bị xử tử, ông chẳng những không sợ, lại tỏ ra chờ mong ngày đó.

Mặc dầu bị giam cầm, ông cai đội vẫn bình tĩnh thu xếp việc gia đình. Ông căn dặn vợ: “Tôi có bị chết, mình liệu săn sóc con cái! Hãy hết lòng yêu thương chúng, đừng tái hôn với ai nữa.” Khi nhớ ra còn thiếu nợ vài người, ông bảo vợ bán một số đồ đạc để thanh toán nợ nần chu đáo.

Lúc không còn hy vọng khiến ông đội Trung mất đức tin, các quan tâu vua Tự Đức cho lệnh trảm quyết. Nhà vua liền châu phê. Sáng ngày 06-10-1858, ông đội Trung được dẫn ra pháp trường An Hòa (Huế). 5 viên quan cỡi ngựa và 60 lính đi bộ hộ tống.

Thế nhưng các quan đã đình việc xử tử lại, rồi cho người về xin vua tha cho ông, lấy cớ việc xử án có thể bị hiểu lầm là khiêu khích quân Pháp, họ sẽ đánh thì rất nguy hiểm. Đoàn người chờ đến khoảng 20 giờ tối, thì có chiếu chỉ của vua Tự Đức gửi tới, ra lệnh xử tức khắc ông đội và đe phạt những quan đã xin ân xá cho ông.

Cai đội Phanxicô liền quỳ xuống nền đất, xin đao phủ lấy vôi vẽ trên cổ hình Thánh giá, để chứng tỏ mình trung kiên với Đức Kitô đến cùng. Sau đó, ông hiên ngang đưa cổ cho lý hình chém. Thủ cấp ông được bêu 3 ngày để làm gương, rồi mới được đem chôn. Ngày 08-10-1858 thi hài của vị chứng nhân được lưu giữ ở tại Tòa Tổng Giám mục Huế.

Cai đội Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Trung được nâng lên hàng chân phước ngày 02-05-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-06-1988.

 ————————————————————————

CÂU HỎI:

1- Hỏi: Thánh Phanxicô Trung sinh năm nào? ở đâu?

Thưa: Thánh Phanxicô Trung sinh năm 1825 tại làng Phan Xá, tỉnh Quảng Trị.

2- Hỏi: Khi bị ép buộc bước qua Thập giá, thánh Phanxicô Trung đã nói gì để từ chối?

Thưa: Phanxicô Trung nhất định không bước qua Thập giá và nói: “Tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi bỏ đạo.”

3- Hỏi: Trong một tháng bị giam cầm, thánh Phanxicô Trung bị tra tấn như thế nào?

Thưa: Thánh Phanxicô Trung bị điệu ra tra hỏi nhiều lần, bị tra tấn 3 lần, mỗi lần 50 roi.

4- Hỏi: Thánh Phanxicô Trung đã chu toàn bổn phận làm chồng, làm cha như thế nào?

Thưa: Dù biết mình sẽ phải chết, thánh Phanxicô Trung vẫn bình tĩnh thu xếp công việc gia đình. Ngài căn dặn vợ: “Tôi có bị chết, mình liệu săn sóc con cái! Hãy hết lòng yêu thương chúng, đừng tái hôn với ai nữa.” Khi nhớ ra còn thiếu nợ vài người, ngài bảo vợ bán đồ đạc để thanh toán nợ nần chu đáo.

5- Đâu là thái độ anh hùng của vị tử đạo cai đội Phanxicô Trung?

Thưa: Thánh Phanxicô Trung quỳ xuống nền đất, xin đao phủ lấy vôi vẽ trên cổ hình Thánh giá, để chứng tỏ mình trung kiên với Đức Kitô đến cùng. Sau đó, ngài hiên ngang đưa cổ cho lý hình chém. Thủ cấp ngài bị bêu 3 ngày để làm gương, rồi mới được đem chôn.

 

6- Hỏi: Thánh Phanxicô Trung được kính nhớ ngày nào?

Thưa: Thánh Phanxicô Trung được kính nhớ ngày 06 tháng 10.

7- Hỏi: Hiện nay hài cốt thánh Phanxicô Trung được tôn kính ở đâu?

Thưa: Hài cốt thánh Phanxicô Trung được tôn kính tại nhà nguyện Tòa Tổng Giám mục Huế.

Ban Biên soạn Tư liệu Năm Thánh Tử Đạo TGP Huế

[1] Họ Nguyễn chứ không phải họ Trần, vì Cha FX. Nguyễn Văn Huy cháu ruột đời thứ 4 gọi thánh Phanxicô Trung là ông cố nội. (Lịch công giáo Giáo phận Huế đã sửa lại họ Nguyễn từ năm 2011).