Ngày 10 tháng 07
Thánh Antôn NGUYỄN HỮU QUỲNH (NĂM)
Trùm họ (1768-1840)
“Nếu bà và các con không đồng ý cho tôi
lấy của nhà giúp người,
tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê, kiếm tiền giúp họ.”
Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo gia phả, ông Quỳnh là con cháu đời thứ 15 của Đệ nhất Công thần Nguyễn Trãi (1380-1442).
Thời niên thiếu, cậu xin làm đệ tử Đức Cha Labartette An, có ý học làm linh mục, nhưng vì hai anh trai cũng xin đi tu, nên gia đình cậu gọi về để nối dõi tông đường. Năm 1800, theo việc cắt cử của làng xã, anh gia nhập đội quân của Nguyễn Ánh, góp phần vào chiến thắng quân Cảnh Thịnh. Đến khi đất nước đã thống nhất (1802), Gia Long lên ngôi, thấy đời quân ngũ không còn thích hợp, ông xin giải ngũ, trở về quê nhà, canh tác và buôn bán để sinh sống. Đồng thời, ông học thêm nghề thuốc và dần dần trở nên một lương y nổi tiếng khắp vùng.
Tuy nhiên đối với ông, tài sản và khả năng Chúa ban cho là để phục vụ, nên thay vì thu tích cho bản thân và gia đình, ông quan tâm giúp đỡ dân nghèo tận tình: chữa bệnh miễn phí, đôi khi còn tặng họ tiền để làm vốn. Có lần ông nói với vợ: “Nếu bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà giúp người, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê, kiếm tiền giúp họ.” Lòng thương người của ông biểu lộ rõ rệt hơn nữa khi làng ông gặp thời kỳ dịch tả. Ông bỏ ra hàng trăm quan tiền để phát thuốc, nuôi dưỡng và săn sóc bệnh nhân. Thế nhưng tinh thần bác ái Kitô giáo đòi hỏi ông đi xa hơn. Ông vâng lời Đức Cha An phụ trách giáo lý trong hạt và nhận lời làng Mỹ Hương giữ chức Trùm trưởng.
Trong thời cấm đạo, các linh mục tu sĩ phải rút vào bóng tối, vai trò của những giáo dân như ông trở nên cần thiết. Nhà ông biến thành lớp giáo lý, nơi tiếp nhận các thừa sai và giáo sĩ. Bản thân ông đứng ra tổ chức mọi sinh hoạt tôn giáo và bác ái trong vùng. Điều đáng lưu tâm là dù bận rộn với việc tông đồ, ông vẫn khéo léo chăm sóc, dạy dỗ con cái sống đạo. Cô gái lớn gia nhập dòng Mến Thánh Giá. Những người con khác cũng noi gương cha: kiên vững đức tin, quên mình phục vụ.
Năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh truy nã linh mục thừa sai Candalh Kim. Ông Quỳnh thân hành đưa cha lên Kim Sen, một trang trại cũ của tổ tiên ông, và đem theo một số sách vở, ảnh tượng của xứ Mỹ Hương. Thấy ông đi vắng lâu ngày, quan sai lính đến nhà ông khám xét. Họ lôi các đầy tớ ra đánh đập tra khảo, một người sợ quá đã khai ra chỗ của chủ. Thế là quân lính kéo nhau đến vây trại Kim Sen. Sau khi bắt được ông Quỳnh và tịch thu một số sách đạo, họ áp giải ông về Đồng Hới.
Tại trại giam Đồng Hới, ông Quỳnh vui mừng được gặp linh mục Thừa sai Borie Cao, cha Điểm, cha Khoa cùng thầy Tự. Nhiều lần cùng bị tra tấn chung với các vị ấy, nhưng bao giờ ông cũng tuyên xưng: “Thà chết chứ không chối Chúa, dù chỉ trong giây lát.” Có lần quan cho lính lôi ông qua Thánh giá, ông lớn tiếng phản kháng rằng: “Việc này do quan lớn làm, nếu có tội là quan phạm, chứ không phải tôi.” Thất vọng, quan gửi án về kinh đô. Đức Cha Cao bị kết án trảm quyết (chặt đầu), hai cha Điểm, Khoa thì bị kết án xử giảo (thắt cổ) ngay, còn thầy Tự và ông Quỳnh cũng bị xử giảo nhưng “giam hậu”, nghĩa là sẽ thi hành sau.
Thời gian trôi nhanh, thấm thoát ông Quỳnh và thầy Tự đã bị giam 2 năm tròn. Trong thời gian đó, quan sốt ruột gửi sớ về kinh ba bốn lần xin xử tử, nhưng vua Minh Mạng vẫn trì hoãn, khuyên quan quân cứ từ từ, mong con người có uy thế như ông bị đánh gục ý chí mà bỏ đạo.
Thấy không làm nản lòng được ông Quỳnh, vua Minh Mạng chấp thuận cho quan tỉnh Quảng Bình xử giảo ông vào ngày 10-07-1840. Quân lính dẫn ông ra pháp trường với thầy Tự. Đến nơi, hai vị hỏi chỗ xử Đức Cha Cao, cha Khoa và cha Điểm năm trước, rồi dừng lại đúng chỗ đó mà cầu nguyện, nói lời từ giã con cái thân thuộc, rồi bình thản để cho lính thi hành phận sự.
Ngày nay ai nấy vẫn còn cảm kích với hai câu thơ khắc trên bia mộ ông ở xứ Kim Sen, nơi ông được an táng với tổ tiên dòng họ:
“Nghĩa khí nêu cao trên đất nước,
Oai linh phù hộ khắp non sông.”
Trùm họ Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) được nâng lên hàng chân phước ngày 27-05-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-06-1988.
——————————————————————–
CÂU HỎI:
1- Hỏi: Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) sinh năm nào? quê ở đâu? và gia tộc như thế nào?
Thưa: Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm) sinh năm 1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo gia phả, Quỳnh là con cháu đời thứ 15 của Đệ nhất Công thần Nguyễn Trãi.
2- Hỏi: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) làm nghề thuốc thế nào?
Thưa: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) làm nghề thuốc với tất cả sự tận tình quan tâm giúp đỡ dân nghèo: chữa bệnh miễn phí, đôi khi còn tặng họ tiền để làm vốn.
3- Hỏi: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) thương người bệnh như thế nào?
Thưa: Lòng thương người của ngài biểu lộ rõ rệt, khi dân làng gặp thời kỳ dịch tả. Ngài đã bỏ ra hàng trăm quan tiền để phát thuốc, nuôi dưỡng và săn sóc bệnh nhân. Có lần ngài nói với vợ: “Nếu bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà giúp người, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê, kiếm tiền giúp họ.”
4- Hỏi: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) bị bắt vì lý do nào?
Thưa: Năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh truy nã linh mục thừa sai Candalh Kim. Thánh Antôn Quỳnh (Năm) thân hành đưa cha lên Kim Sen ẩn náu. Thấy ngài đi vắng lâu ngày, quan sai lính đến nhà khám xét. Họ lôi các đầy tớ ra đánh đập tra khảo, một người sợ quá đã khai ra chỗ của chủ. Thế là quân lính kéo nhau đến vây trại Kim Sen và bắt ngài.
5- Hỏi: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) tuyên xưng đức tin như thế nào?
Thưa: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) đã tuyên xưng rằng: “Thà chết chứ không chối Chúa, dù chỉ trong giây lát.” Có lần quan cho lính lôi ông qua Thánh giá, ông lớn tiếng phản kháng rằng: “Việc này do quan lớn làm, nếu có tội là quan phạm, chứ không phải tôi.”
6- Hỏi: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) bị giam trong ngục bao lâu?
Thưa: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) bị giam trong ngục hơn 2 năm.
7- Hỏi: Việc xử án thánh Antôn Quỳnh (Năm) diễn ra như thế nào?
Thưa: Vào ngày 10-07-1840, quân lính dẫn thánh Antôn Quỳnh (Năm) ra pháp trường với thầy Tự. Đến nơi, hai vị hỏi chỗ xử Đức Cha Cao, cha Khoa và cha Điểm năm trước, rồi dừng lại đúng chỗ đó mà cầu nguyện, nói lời từ giã con cái thân thuộc, rồi bình thản để cho lính thi hành phận sự.
8- Hỏi: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) chịu hình xử nào? vào ngày tháng năm nào?
Thưa: Thánh Antôn Quỳnh (Năm) chịu xử giảo vào ngày 10 tháng 7 năm 1840.
Ban Biên soạn Tư liệu Năm Thánh Tử Đạo TGP Huế