THÁNH VINH SƠN NGUYỄN THẾ ĐIỂM
Linh mục, Tử đạo (1761 – 1838)
“Tôi thà chết trăm lần, chẳng thà quá khóa.” Đây là khẳng định hùng hồn của Cha Vinh sơn Điểm khi quan quân bắt phải bước qua ảnh Chuộc tội.
Thánh Vinh sơn Nguyễn Thế Điểm sinh năm 1761 tại làng An Do, gần Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có ba người con. Thuở nhỏ cậu đi chăn trâu. Lớn lên cậu giúp việc cho thừa sai Jacques Longer Gia, học tiếng La-tinh rồi được cho vào tiểu chủng viện Kẻ Vĩnh, Nam Định thuộc Giáo phận Tây Đàng Ngoài, và sau được thụ phong linh mục.
Nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Trị ngày nay (tức Kẻ Vĩnh ngày xưa).
Mục tử nhiệt thành
Lãnh nhiệm vụ chánh xứ Cồn Nâm và coi sóc giáo hữu các vùng lân cận như Lũ Đăng, Đan Sa thuộc Giáo hạt Bố Chính, Quảng Bình, cha Vinh-sơn Điểm nêu gương vị mục tử đạo đức, nhân tử hay thương giúp người nghèo khổ, chuyên cần giảng truyền lời Chúa, nhiệt tình ban phát các bí tích, nhất là phép giải tội, cho giáo dân, và loan báo Tin Mừng cho lương dân khắp vùng. Người rất quan tâm, chuyên chú huấn luyện các thầy giảng và giúp họ giữ vững ơn gọi. Mặc dầu đã cao niên, với tinh thần hy sinh cao độ, người vẫn ăn chay mỗi tuần hai ngày, thứ tư và thứ bẩy, hẳn là có ý tôn kính Đức Maria và thánh Giuse. Người luôn rao giảng lòng sùng kính Đức Trinh nữ Maria và siêng năng lần hạt.
Nhà thờ Giáo xứ Cồn Nâm (Quảng Bình) ngày nay.
Tìm nơi ẩn náu.
Vào năm 1838, cuộc bách hại Công giáo của vua Minh Mạng trở nên ác liệt hơn. Ngày 02 tháng 7 năm ấy, quan quân tầm nã vùng Bố Chính truy lùng thừa sai Jean Candalh Kim, bắt được linh mục Vũ Đăng Khoa, trước là phó xứ của cha Vinh sơn Nguyễn Thế Điểm, cùng với hai thầy giảng Đức và Khang tại làng Lệ Sơn, rồi nộp các vị cho quan Đồng Hới. Bị tra khảo đau đớn, thầy Khang đã tiết lộ nơi ẩn trú của thừa sai Borie Cao.
Quân lính liền được lệnh truy nã bủa vây khắp vùng Bố Chính. Chưa tìm thấy vị thừa sai, nhưng khi đến gần làng Đan Sa, họ bắt được linh mục Vinh-sơn Điểm và chú học trò tên Sang.
Nguyên do khi nghe tin cha Khoa bị bắt, cha Điểm sai chú Sang đến làng An Bài hỏi giáo hữu có sẵn lòng cho người đến trú ẩn không? Giáo hữu thấy làng mình không đủ bảo đảm an ninh, nên chẳng dám nhận lời. Vị linh mục lão thành lúc ấy đang lang thang ngoài ruộng đồng, nhận được câu trả lời như thế, không biết đi về đâu để tìm nơi ẩn trú. Người tiếp tục cuốc bộ một quãng nữa thì bị bắt giải về Đồng Hới. Trong tù, linh mục Vinh sơn Điểm gặp lại cha Khoa, và mấy tuần sau gặp cha Cao, thầy giảng Nguyễn Khắc Tự, rồi ông Trùm Nguyễn Hữu Quỳnh. Cả năm chứng nhân Chúa Kitô sau này đều được phúc tử đạo.
Thà chết trăm lần.
Trong lần tra vấn đầu tiên, vì mệt mỏi và sợ hãi, cha Vinh-sơn Điểm lỡ lời khai ra mấy nhà giáo hữu, nhưng người rất mạnh dạn tuyên xưng đức tin, nhất quyết không bước qua ảnh Chụôc tội. Đến khi cha Cao vào tù cho biết những lời khai ấy đã làm tổn hại một số giáo hữu, cha Điểm tìm cách sửa lỗi, thưa lại với quan: “Tôi già nua lẩm cẩm, trong lúc sợ hãi quá, đã khai dông dài, có khi gây oan ức cho một số người. Xin quan bỏ qua lời lẽ của tôi, đừng bận tâm đến những người ấy kẻo lầm, và xin thả họ về.”
Trong các cuộc tra khảo sau này chung với cha Cao và cha Khoa, người thừơng im lặng. Tuy nhiên, khi cần thiết, người cũng lên tiếng minh chứng niềm tin của mình. Một lần quan hỏi người: “Này đạo trưởng Điểm, Hòang thượng đã ra lệnh cấm đạo rất ngặt. Dầu vậy. nếu ông chịu quá khóa, ta sẽ tha ông ngay tức khắc.” Cha đáp: “Tôi thà chết trăm lần, chẳng thà quá khóa.” Vì đã 77 tuổi, cha Điểm không bị đánh đập, luật pháp đương thời cấm tra tấn tù nhân cao niên.
Trong thời gian bị giam giữ, cha Vinh sơn đã luôn nêu gương đạo đức trung kiên cho các tín hữu cùng bị bắt và đối xử bác ái quảng đại vớí các bạn tù ngoại giáo. Người san sẻ lương thực và khuyên họ sống ngay chính lương thiện. Tại đây, cha Điểm cũng được vinh dự chia sẻ niềm vui của cha Cao qua văn thư Tòa Thánh đặt vị này làm Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài. Được Đức cha Cao khuyên bảo và ban các bí tích cần thiết, cha Vinh sơn Điểm như được thêm ơn Chúa Thánh Thần, càng lúc càng tỏ ra can đảm vững tin hơn, đêm ngày cầu nguyện và mong ước được hiến mạng sống để làm chứng cho đạo thánh,
Ngày 24.11.1838, bản án được vua Minh Mạng châu phê về tới Đồng Hới. Ước nguyện của vị mục tử lão thành được thỏa mãn, người bị kết án xử giảo. Ba vị tông đồ mục tử: Đức cha Cao, cha Khoa và cha Vinh sơn Điểm được dẫn ra pháp trường. Người lính đi đầu cầm tấm thẻ ghi chữ Hán cho mọi người biết đây là đây là đạo trưởng tả đạo cố chấp bất tuân lệnh vua nên phải tử hình.
Đến nơi xử, cha Vinh sơn Điểm quỳ xuống cầu nguyện một lát. Quân lính thi hành nhiệm vụ, trói chân cha vào cột, quấn dây thừng vào cổ, và theo hiệu lệnh, họ kéo mạnh hai đầu dây cho đến khi vị chứng nhân Chúa Kitô tắt thở. Cha Phêrô Vũ Đăng Khoa cũng bị xử như vậy. Riêng Đức cha Cao thì bị trảm quyết (chém đầu). Người ta chôn cất ba vị tử đạo ngay tại pháp trường Đồng Hới. Về sau linh mục Tự cải táng các hài cốt về nhà thờ họ đạo Hướng Phương.
Trong lần cải táng này, có một cậu học trò lén lấy khúc xương đầu ngón trỏ của vị tử đạo thì lập tức bụng quặn đau dữ dội, tưởng chết đi được. Bị cha Tự hỏi, chú thú nhận và trả lại khúc xương. Cha liền xin vị chứng nhân tha thứ và các cơn đau chấm dứt tức thì. Trước đó, khi cuộc bách hại còn tiếp diễn, một cá nhân nổi tiếng xấu nết đã lật đổ nhà mồ người ta dựng lên để tôn kính cha Vinh sơn, hầu tránh sự sách nhiễu của người ngoại. Năm sau, anh ta chết đuối, và ai cũng tin rằng đó là hình phạt cho thái độ bất kính vô đạo của anh.
Linh mục lão thành Vinh sơn Nguyễn Thế Điểm được Đức Giáo hoàng Lêô XIII suy tôn lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900 và được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh ngày 19.6.1988.
Thánh lễ tôn phong 117 Thánh tử đạo Việt Nam do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ sự ngày 19.6.1988.
Thánh Vinh sơn Nguyễn Thế Điểm (Linh mục, Tử đạo) được mừng kính vào ngày 24 tháng 11 hằng năm.
Ban Biên tập Lịch sử và Ban Truyền thông TGP Huế