Ngày 26 tháng 05
Thánh Matthêu NGUYỄN VĂN PHƯỢNG (ĐẮC)
Trùm họ (1808–1861)
“Tôi không gả đâu, trừ phi chính anh theo đạo!
Còn chuyện phải chết vì đạo, thì tôi sẵn sàng.”
Matthêu Nguyễn Văn Phượng chào đời khoảng năm 1808 tại làng Kẻ Lái, tỉnh Quảng Bình, con ông Nguyễn Văn Bường, quân nhân. Cha mẹ đều là người Công giáo đạo đức. Tên gọi của ông là Đắc, trong sổ là Kế, và mãi sau khi lập gia đình, người ta mới gọi ông là Phượng theo tên con cả.
Mồ côi cha từ năm lên 10, hai năm sau lại mồ côi mẹ, cậu Đắc sớm phải tự lực mưu sinh. Anh theo học nghề thuốc với thầy lang Nhu, một người lương rất tốt. Dưới thời vua Minh Mạng, anh theo giúp cha Nguyễn Thế Điểm suốt 7 năm, tận tụy như đứa con hiếu thảo. Đổi lại, như một hiền phụ, cha Điểm đã mai mối cho anh cưới một thiếu nữ hiền hậu xứ Sáo Bùn. Từ ngày ấy, anh dọn về ở với bố vợ, tức ông đội Khiêm và hành nghề y sĩ. Được vài năm, anh chuyển sang nghề buôn bán và khá thành công.
Thời gian thấm thoát, ông Phượng sinh được tám người con. Dầu bận rộn với việc buôn bán, ông vẫn chu toàn bổn phận Ki-tô hữu: siêng năng xưng tội rước lễ; giáo dục con cái chu đáo; sống trọn vẹn giới luật mến Chúa yêu người: mỗi tuần ông đều thu xếp thời giờ đi thăm bệnh và giúp đỡ bà con nghèo ở chung quanh. Cô Thủ, con gái ông, dâng mình cho Chúa trong dòng Mến Thánh Giá. Khi con cái đã trưởng thành, ông tìm nơi đạo hạnh để làm thông gia.
Năm ông 50 tuổi, vợ ông từ trần. Toàn thể giáo hữu Sáo Bùn mến phục tài năng nhân đức của ông, nên cử ông làm Trùm họ. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu linh mục, ông Phượng có nhiều cơ hội phục vụ dân Chúa: rửa tội nhiều trẻ em, đưa nhiều người vào đạo. Đặc biệt, ông rộng rãi tiếp các linh mục và thầy giảng đến trú ngụ tại nhà mình. Nghe mọi người dự đoán trước cuộc tử đạo ông sẽ phải lãnh nhận, ông mỉm cười và vẫn tiếp tục làm việc bác ái.
Ngày 02-01-1861, cha Gioan Đoạn Trinh Hoan về Sáo Bùn giúp mọi người mừng lễ Hiển Linh, ông Trùm Phượng hân hoan mời cha về nhà mình. Ngay tối hôm sau, quân lính ùa đến vây làng. Cha Hoan lén ra đàng sau tìm cách trốn nhưng bị bắt. Sau đó, lính kéo nhau đến nhà ông Trùm, rồi chia nhau lục soát. Khi tìm thấy áo lễ, chén lễ và ảnh tượng, lính liền bắt ông Phượng đưa về Đồng Hới cùng với cha Hoan và 7 giáo hữu khác nữa.
Dù quan quân áp dụng đủ cách để tra tấn xét khảo hết ngày này qua ngày khác, ông Trùm Phượng và các bạn nhắc nhở nhau không khai điều gì làm hại đến những người còn lại. Ông nhận mình có mời cha Hoan đến nhà vì tang chứng quá rõ rệt, nhưng cương quyết không chịu bỏ đạo và bước qua Thập giá.
Ở dinh quan án có viên lục sự trẻ tuổi đem lòng yêu thương cô con gái ông Trùm, nên nói với ông: “Nếu bác gả con gái cho cháu, cháu hứa hết sức lo cho bác được thả về.” Ông đáp: “Tôi không gả đâu, trừ phi chính anh theo đạo! Còn chuyện phải chết vì đạo, thì tôi sẵn sàng.”
Ngày 25-05-1861, bản án của triều đình về tới Đồng Hới. Ông Phượng vui vẻ đi chào giã biệt các bạn tù, để sáng sớm hôm sau theo lý hình ra pháp trường cùng với cha Hoan. Một người cầm bản án đi phía trước đọc lớn: “Tên này là Nguyễn Văn Đắc, tức Phượng, tín đồ Gia-tô. Kẻ đã đang tâm bao che đạo trưởng Hoan. Vì phạm luật nhà nước là một trọng tội, phải đem xử trảm tức khắc.”
Đến pháp trường, theo gương cha Hoan, ông Phượng cũng xin khỏi trói, rồi bình tĩnh quỳ xuống trên chiếc chiếu của mình, chắp tay lại cầu nguyện. Hai người con trai và chị nữ tu con gái của ông tiến đến sát bên, vừa khóc vừa chào vĩnh biệt, nhưng ông can đảm an ủi họ. Sau đó, lý hình đuổi tất cả ra xa. Ngay khi tiếng chiêng đầu nổi lên, đầu vị tử đạo đã rơi xuống và linh hồn vị anh hùng đức tin về hưởng nhan Thiên Chúa muôn đời.
Lương y Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Đắc) được nâng lên hàng chân phước ngày 02-05-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-06-1988.
Hài cốt thánh nhân hiện nay đang được lưu giữ tại Tu viện Dòng Kín Carmêlô và Đại Chủng viện, Tổng Giáo phận Huế.
————————————————————-
CÂU HỎI :
1- Hỏi: Thánh Matthêu Phượng (Đắc) quê quán ở đâu? làm nghề gì?
Thưa: Thánh Matthêu Phượng (Đắc) quê quán làng Kẻ Lái, Quảng Bình, học nghề thuốc, hành nghề y sĩ sau chuyển sang nghề buôn bán.
2- Hỏi: Thánh Matthêu Phượng làm chức vụ gì trong đạo?
Thưa: Thánh Matthêu Phượng làm trùm họ.
3- Hỏi: Thánh Matthêu Phượng bị bắt vì lý do nào?
Thưa: Thánh Matthêu Phượng bị bắt vì tiếp đón cha Gioan Hoan ở nhà mình.
4- Hỏi: Thánh Matthêu Phượng đã giữ vững đức tin như thế nào?
Thưa: Thánh Matthêu Phượng kiên vững trong đức tin. Dù quan quân áp dụng đủ cách để tra tấn xét khảo hết ngày này qua ngày khác, thánh Phượng nhận có chấp chứa cha Gioan Hoan, nhưng cương quyết không chịu bỏ đạo và bước qua Thập giá.
5- Hỏi: Viên lục sự trẻ tuổi vì yêu thương cô con gái thánh Matthêu Phượng, nên nói với thánh Phượng: “Nếu bác gả con gái cho cháu, cháu hứa hết sức lo cho bác được thả về”. Ngài đáp lại thế nào?
Thưa: Thánh Matthêu Phượng đáp rằng: “Tôi không gả đâu, trừ phi chính anh theo đạo! Còn chuyện phải chết vì đạo, thì tôi sẵn sàng.”
6- Bản án của Thánh Matthêu Phượng được viết như thế nào?
Thưa: Bản án của thánh nhân được viết như sau: “Tên này là Nguyễn Văn Đắc, tức Phượng, tín đồ Gia-tô. Kẻ đã đang tâm bao che đạo trưởng Hoan. Vì phạm luật nhà nước là một trọng tội, phải đem xử trảm tức khắc.”
7- Hỏi: Thái độ của Thánh Matthêu Phượng khi chịu xử án như thế nào?
Thưa: Trước khi chịu xử án, Thánh Matthêu Phượng xin khỏi bị trói, rồi bình tĩnh quỳ xuống trên chiếc chiếu của mình, chắp tay lại cầu nguyện.
8- Hỏi: Thánh Matthêu Phượng chịu hình xử nào?
Thưa: Thánh Matthêu Phượng chịu xử trảm.
Ban Biên soạn Tư liệu Năm Thánh Tử Đạo TGP Huế