Ngày 26 tháng 05
Thánh Gioan ĐOẠN[1] TRINH HOAN
Linh mục (1798 – 1861)
“Giờ cuối cùng của tôi không còn xa.
Phần anh em, những người con yêu quý,
anh em còn ở lại trên trần gian đau khổ này,
anh em hãy trung tín đến cùng.
Xin anh em cầu nguyện cho tôi
hoàn thành ý Chúa cho trọn.”
Gioan Đoạn Trinh Hoan sinh năm 1798 tại họ Kim Long, Phú Xuân (Huế) trong một gia đình nề nếp, đạo hạnh. Nhờ sự hỗ trợ của gia đình, cậu đã dâng mình cho Chúa, và theo học tại chủng viện Pénang (Malaysia) của Hội Thừa Sai Paris. Học xong thần học, năm 1836, thầy Gioan về nước và thụ phong linh mục tại Sài Gòn, phục vụ đắc lực cho Giáo Hội Việt Nam.
Trong 26 năm linh mục, phục vụ tại nhiều nhiệm sở, cha Gioan Hoan luôn nhiệt tình hoạt động. Nhờ đức điềm tĩnh thận trọng, lòng bác ái nhân từ, tài nói chuyện duyên dáng, nên ở đâu cha cũng được mọi người quý mến. Dưới thời vua Tự Đức, cha là một trong những linh mục Việt Nam có uy tín nhất do khả năng, tuổi tác và kinh nghiệm mục vụ lâu dài. Dù phải thay đổi chỗ ở liên tục, thực tế phải sống trên thuyền nhiều hơn trên đất, cha vẫn kiên tâm đầu tư tim óc vào việc đào tạo các thầy giảng và cổ động hỗ trợ ơn gọi linh mục nơi các thanh thiếu niên. Cha đã hướng dẫn và giới thiệu nhiều bạn trẻ vào chủng viện.
Tối 03-01-1861, nhân lễ Hiển Linh, cha đến xứ Sáo Bùn (Quảng Bình), trọ nhà ông Trùm Phượng, để thăm viếng, khích lệ các giáo hữu, giải tội và giúp họ mừng lễ. Ngay tối ngày 03-01, quan quân nghe tin báo, đến bao vây và truy bắt, cha chạy ra sông tìm đường lẩn trốn, không ngờ vừa đến bờ sông thì gặp ngay họ. Lính bắt cha giải vào Đồng Hới. Khi đó, cha đã 63 tuổi.
Trước tòa án, quan tỉnh đã cho dùng mọi hình thức tra tấn dã man: đánh đập tàn nhẫn, kẹp kìm sắt nung đỏ vào đùi và cánh tay, để bắt cha bước qua Thập giá và tiết lộ tin tức về Giáo Hội. Thế nhưng ông đã thất bại hoàn toàn. Dù đau đớn đến nỗi có khi ngất xỉu, cha Gioan Hoan vẫn cắn răng không nói một lời, và dĩ nhiên không chịu chối đạo. Ông Trùm Phượng và 7 tín hữu khác cùng bị bắt ở Sáo Bùn cũng theo gương cha. Cuối cùng, cha Hoan và ông Phượng bị kết án tử hình, còn những người kia bị lưu đày chung thân.
Trong 5 tháng tù giam, cha Hoan dành rất nhiều thời giờ để giải tội, chúc lành và khích lệ các tín hữu, ban Mình Thánh Chúa từ ngoài gửi vào. Ngày 25-05, trước ngày bị chém, vị mục tử còn đi một vòng thăm các bạn tù lần cuối. Ngài khuyên nhủ họ: “Giờ cuối cùng của tôi không còn xa. Phần anh em, những người con yêu quý, anh em còn ở lại trên trần gian đau khổ này, anh em hãy trung tín đến cùng. Xin anh em cầu nguyện cho tôi hoàn thành ý Chúa cho trọn.”
Ngày bị đem đi xử, lúc bước ra khỏi nhà tù, thì cha gặp lại ông Phượng, người đã cho cha trú ngụ cũng bị đem đi xử. Hai toán lính nhập làm một. Đến pháp trường, hai vị quỳ trên chiếu đã trải sẵn. Sau đó cha ngước mắt lên trời tạ ơn Chúa, giơ tay giải tội cho ông Phượng và ra dấu sẵn sàng. Viên lý hình được chỉ định, thấy thái độ của cha, biết cha vô tội nên nhờ người khác. Anh này không quen việc nên đã phải chém cha đến 3 nhát, sau đó dùng gươm cứa đứt miếng da còn sót lại.
Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan được nâng lên hàng chân phước ngày 02-05-1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-06-1988.
Hài cốt thánh nhân hiện nay đang được lưu giữ tại nhà thờ giáo xứ Tây Lộc, Tổng Giáo phận Huế.
—————————————————————
CÂU HỎI :
1-Hỏi: Thánh Gioan Hoan sinh năm nào? quê quán ở đâu ?
Thưa: Thánh Gioan Hoan sinh năm 1798, quê quán giáo xứ Kim Long, Huế.
2-Hỏi: Thánh Gioan Hoan chịu chức linh mục năm nào? phục vụ Hội Thánh bao nhiêu năm ? lãnh phúc tử đạo năm nào ?
Thưa: Thánh Gioan Hoan chịu chức linh mục năm 1836, phục vụ Hội Thánh 26 năm và được lãnh nhận phúc tử đạo năm 1861.
3- Hỏi: Thánh Gioan Hoan bị bắt trong hoàn cảnh nào?
Thưa: Thánh Gioan Hoan bị bắt vào dịp lễ Hiển Linh, khi ngài đến xứ Sáo Bùn (Quảng Bình), trọ nhà ông Trùm Phượng.
4- Hỏi: Thánh Gioan Hoan bị bắt như thế nào?
Thưa: Tối ngày 03-01-1861, quan quân nghe tin báo đến bao vây và truy bắt, cha thánh Gioan Hoan chạy ra sông tìm đường lẩn trốn, không ngờ vừa đến bờ sông thì gặp ngay quan quân. Quân lính bắt cha Hoan giải vào Đồng Hới.
5- Hỏi: Trước khi bị đem đi xử trảm, Thánh Gioan Hoan đã an ủi và khuyên dạy các tín hữu trong tù như thế nào?
Thưa: Trước khi bị đem đi xử trảm, Thánh Gioan Hoan đã khuyên nhủ họ: “Giờ cuối cùng của tôi không còn xa. Phần anh em, những người con yêu quý, anh em còn ở lại trên trần gian đau khổ này, anh em hãy trung tín đến cùng. Xin anh em cầu nguyện cho tôi hoàn thành ý Chúa cho trọn.”
6- Hỏi: Thánh Gioan Hoan bị chém đầu mấy nhát? vì sao?
Thưa: Vì tên lý hình không quen việc chém này, nên Thánh Gioan Hoan bị chém 3 nhát.
7- Hỏi: Hài cốt thánh Gioan Hoan nay được lưu giữ và tôn kính ở đâu?
Thưa: Hài cốt thánh Gioan Hoan nay được lưu giữ và tôn kính ở nhà thờ giáo xứ Tây Lộc, Huế.
—————————————————————–
[1] Trên bia mộ của Cha Thánh Hoan ghi họ ĐOẠN chứ không phải họ ĐOÀN (Theo nghiên cứu tìm hiểu của Ban làm sử Tổng Giáo phận Huế năm 2000 đã tìm kiếm và chụp hình bia mộ).
Ban Biên soạn Tư liệu Năm Thánh Tử Đạo TGP Huế