Xyrillô (826-869) và Mêthôđiô (815-885) là hai anh em ruột gốc ở Salonique (Hy Lạp). Trước khi đi truyền giáo vùng Moravie, Mêthôđiô là tổng trấn một tỉnh người Slave và Xyrillô, nhỏ tuổi hơn, nhưng lại sáng chói hơn, đã chu toàn những sứ vụ tôn giáo và ngoại giao quan trọng. Cả hai nói lưu loát tiếng Slave.
Sứ vụ làm cho hai vị nổi tiếng là do Thượng phụ Photius sai đi từ năm 862-863 với mục đích dạy dỗ và Phúc Âm hóa dân Slave ở Moravie trong ngôn ngữ của họ.
Vì thế Xyrillô và Mêthôđiô bắt đầu tạo ra mẫu tự (alphabet) về sau được gọi là “mẫu tự cyrillique” và đã dịch các văn bản tôn giáo ra tiếng Slave: Thánh Vịnh, các Phúc Âm, các Thư Tông Đồ, kinh nguyện…
Sau vài năm ở Moravie, Xyrillô và Mêthôđiô tiếp tục công tác ở Pannonie (Hungari và một phần đất Yougoslavi ngày nay), trước khi đến Rôma, nơi họ được Đức Giáo Hoàng Adrien II đón nhận và công nhận các việc họ làm về Phụng vụ Slave.
Tại Rôma, Xyrillô ngã bệnh và qua đời vào ngày 14.02.869, lúc khoảng 42 tuổi.
Sau cái chết của người em, Mêthôđiô được gọi làm Giám mục ở Pannonie và sứ thần toà thánh cho dân Slave; ngài gặp nhiều khó khăn do sự chống đối của hàng giáo sĩ Đức; nhưng điều này không ngăn cản được công trình Phúc Âm hoá và hội nhập văn hóa mà ngài đã theo đuổi cho đến chết (885).
Với công trình như thế, chúng ta mới thấy được công khó của hai thánh Xyrillô và Mêthôđiô trong việc thiếp lập các cộng đoàn Kitô trong nhiều vùng Đông Âu. Việc này đã tạo một bước tiến để thành lập Âu Châu, không những về mặt tôn giáo, nhưng cả về mặt chính trị và văn hóa.
Công trình của Xyrillô và Mêthôđiô vô cùng to lớn, đánh dấu bằng sự can đảm trí thức và sự khiêm tốn, vì trong thời gian mà người ta chỉ được cầu nguyện ca tụng Thiên Chúa bằng tiếng Hipri, Hy Lạp hay La Tinh, hai vị tông đồ của dân Slave đã đáp trả bằng tiếng Slave, và qua đó cho thấy mọi người có thể cầu nguyện với Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của mình.
Năm 1980, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố hai vị làm quan thầy Âu Châu. Mỹ thuật trình bày thánh Xyrillô với bảng chữ cái, và thánh Mêthôđiô với một quyển Phúc Âm mở ra, được ghi bằng tiếng Slave.