Bài chia sẻ “Quên mình vì yêu” của Cha Đaminh Phan Hưng, Tổng Thư Ký Hội Đồng Mục Vụ TGP Huế, trong ngày gặp mặt các Gia đình trẻ giáo phận tại Linh Địa La Vang.
Dẫn nhập
Martyr (=tử đạo) theo nguyên ngữ có nghĩa là nhân chứng. Cuộc đời của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (CTTĐVN) đã là một chứng từ, một quá trình hợp tác với ơn Chúa, trước khi phải làm chứng cho Ngài bằng máu đào, bằng cái chết.
Những cái chết của các Vị Tử Đạo lên tiếng gọi mời sự sống. Chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với con người chung quanh, tình yêu gia đình, tình yêu vợ chồng và con cái, tình yêu của đời đôi lứa, tình yêu với những gì cao thượng và chân thật, rõ nét nhất.
Đó là:
+ Tình yêu đó bùng lên cách mãnh liệt trong mầu nhiệm tự hủy và hiến dâng: sống hiến thân từng giây từng phút của đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân.
+ Tình yêu đó luôn kêu mời chúng ta: mỗi ngày chết đi những yếu đuối tầm thường, để can đảm làm chứng tá đấu tranh cho Chân lý, cho Sự thật, cho Tình yêu.
+ Tình yêu đó đó hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, ngày đoàn tụ với cha anh chúng ta trên cõi bất diệt.
Thư Công bố Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trích lời Đức Thánh Cha Piô XII ” Trong một gia đình mà người chồng biết quên mình đi để nghĩ đến vợ và các con, người mẹ quên mình đi để nghĩ đến chồng và các con, các con quên mình đi để nghĩ đến cha mẹ và anh chị em, gia đình đó là Thiên Đàng.” vì gia đình đó là phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Nói cách khác, khi các gia đình Công giáo biết quên mình, biết từ bỏ những ham muốn bất chính và tính toán ích kỷ, họ đang sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay, đồng thời làm chứng rằng Tin mừng về hôn nhân công giáo là nẻo đường hạnh phúc.
Bài chia sẻ hôm nay gồm hai phần:
I – Quên mình để đặt Chúa, đặt Tin Mừng của Chúa lên trên hết.
II – Quên mình để xây dựng một “nền văn minh tình thương”
+++
I – QUÊN MÌNH ĐỂ ĐẶT CHÚA, ĐẶT TIN MỪNG CỦA CHÚA LÊN TRÊN HẾT.
Chúng ta cũng đang được mời gọi “tử đạo” giữa đời thường hôm nay. Trước đây, tử đạo là bị chém đầu, thiêu sống, buông sông… Ngày nay chúng ta cũng đang được mời gọi tử đạo trong cuộc sống thường ngày, ngay trong gia đình của mình, xã hội mình, làng xóm mình, nghĩa là đặt Chúa, Tin mừng của Chúa lên trên hết, khi mà các giá trị gia đình truyền thống bị vi phạm nghiêm trọng như HĐGMVN cảnh báo (thư mục vụ 2017): “do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính”
Kitô hữu được mời gọi làm cho chứng đức tin, làm chứng về hôn nhân công giáo là nẻo đường hạnh phúc, quả là một thách thức lớn, một sự tử đạo đúng nghĩa.
1 – Phải đặt Chúa lên trên hết: Tử đạo là đặt Chúa lên trên hết cho mọi chọn lựa.
a) Chứng từ của các Thánh Tử Đạo
* Simon Phan Đắc Hoà, y sĩ, làng Mai Vĩnh Thừa Thiên:
Trong hoàn cảnh bị tra tấn dã man, Thánh Simon Phan Đắc Hoà không hề nản chí. Dù nhìn thấy viễn cảnh: đầu rơi, xa lìa những người thân yêu nhất trong gia đình, ông vẫn nhất quyết theo gương Thầy Chí Thánh, sống vì mọi người và một lòng theo thánh ý Thiên Chúa cho tới hơi thở cuối cùng: “Cha luôn yêu thương và chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu mến Chúa nhiều hơn.”
*Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng (Đắc), Trùm họ: Ở dinh quan án có viên lục sự trẻ tuổi đem lòng yêu thương cô con gái ông Trùm, nên nói với Người: “Nếu bác gả con gái cho cháu, cháu hứa hết sức lo cho bác được thả về” Người đáp: “Tôi không gả đâu, trừ phi chính anh theo đạo! Còn chuyện phải chết vì đạo, thì tôi sẵn sàng.”
b) Những chọn lựa trong đời thường:
– Ngày nay, chúng ta phải sống trong môi trường xã hội đảo điên, tiền bạc chi phối mọi sinh hoạt đời sống xã hội. Chúng ta sẽ bị thách thức rất nhiều trước những trọn lựa.
– Nếu chọn Chúa và đặt Chúa lên trên hết mọi sự, chúng ta sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều. Vậy nên việc chọn lựa này sẽ không hề dễ dãi hơn so với việc chọn lựa tử vì đạo như các cha ông chúng ta nếu không muốn nói là khó khăn hơn. Bởi vì, những cám dỗ ngày nay êm ái hơn, tinh vi hơn. Vậy sẽ là không ngoa khi ta gọi những từ bỏ “thế gian” và “ác thần” là những chọn lựa tử đạo.
– Chọn cho con cái đi học giáo lý hơn là chọn học thêm; chọn đi sinh hoạt đoàn thể hơn là ngồi tán gẫu nhậu nhẹt: “Sáng xỉn, chiều say, tối lai rai, mai nhậu tiếp.” “Uống rượu không phải là khùng – Uống là để máu anh hùng tăng lên – Uống rượu không phải là thèm – Uống rượu là để lấy hèm nuôi heo”.
– Con cái chúng ta phải thấy cha mẹ dám hy sinh những thú vui khác để dành ưu tiên cho Chúa (ví dụ: đi lễ, thay vì ngồi uống rượu nhậu nhẹt với bạn bè; đi họp giảng viên giáo lý, thay vì đi uống cà phê; đi tập hát, thay vì ở nhà xem đá bóng…).
Cha mẹ cùng con cái đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, và tham gia các công tác giáo xứ.
Nhắc con cái đọc kinh tối mà mình nằm xem phim. La rầy con hút thuốc mà miệng đang phì phèo .Chính cách hành xử của như thế làm sao dạy được con?!?
2 – CHỌN LỰA CHÚA VÀ TIN MỪNG CỦA CHÚA BẰNG CÁCH BIẾT NÓI KHÔNG.
2.1 – BIẾT NÓI KHÔNG VỚI GIAN DỐI – LỌC LỪA
a) Chứng từ của các thánh Tử đạo
Quan yêu cầu chỉ giả bộ bước qua Thập Giá chứ không cần làm thực sự, thì tha chết ngay.
* Thánh Hồ Đình Hy, Thừa Thiên Huế: Một lần chính vua Tự Đức xét xử và khuyên Người giả bộ bước qua Thập giá, Người thẳng thắn từ chối: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước và trung với vua. Hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô, đền bù tội lỗi và chết thánh thiện.”
* Thánh Nguyễn Cần, Thầy giảng Hà nội, quan nói nhắm mắt bước đại qua Thập giá, thầy đáp: “Thưa quan, mắt thì nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm”.
Một số giáo hữu đã bỏ đạo dụ dỗ thầy: “Tội nào Chúa chẳng tha, thánh Phêrô chối Chúa ba lần còn làm thủ lãnh Giáo hội.”
Người khác lừa: “Cha Retord Liêu nhắn thầy cứ bước qua Thập giá, rồi về sẽ liệu sau”. Thầy Cần đáp: “Dù thiên thần có xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng nghe nữa là cha Liêu. Hơn nữa tôi biết chắc ngài không ra lệnh cho tôi như vậy”. Đúng thực câu nói của Thầy Cần: “Tôi trung không thờ hai chủ”.
b) Biết nói không với gian dối, lọc lừa:
– Xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chuyển mình cách mạnh mẽ và đang có những thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật…
Nhưng khi đời sống con người được nâng cao hơn về kinh tế song song với sự phát triển khoa học hiện đại, những tiện nghi sa hoa, sự hưởng thụ ích kỷ của con người đã ùa đến cùng với mặt trái là cạnh tranh, gian dối, bất nghĩa, vô tâm, vô cảm… Hậu quả là các tệ nạn đã tấn công và tàn phá các mối tương quan trong gia đình, xã hội. Đó là một thứ bóng tối khủng khiếp nhất mà các gia đình đang phải đối diện. Nhìn vào cục diện xã hội thời nay, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thốt lên: “Thời đại của nền văn minh sự chết”.
Mấy câu thơ sau đây có thể tóm tắt thực trạng xã hội, đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm:
“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi, Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi,
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực, Chân lý chân giò một giá thôi.”
Đức Thánh Cha Phanxicô định nghĩa gian dối là:”đó là sức mạnh lừa đảo của cái ác di chuyển từ lời nói láo này đến lời lừa dối khác nhằm cướp đi sự tự do nội tâm của chúng ta”.
Đức Thánh Cha gọi đó là “những chiến thuật của con rắn quỷ quyệt” trong Sách Sáng thế ký 3,1-15″ (Sứ điệp của Ðức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Truyền Thông Thế giới 2018)
Nên trong Thánh lễ sáng thứ Sáu 29.04.2016 tại nhà nguyện Matta, Đức Thánh Cha khuyên: “Nếu bạn nói bạn kết hiệp với Chúa, thì phải bước đi trong ánh sáng, đừng dối trá! Đừng sống hai mặt.”
Cuối cùng trong mười ba lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô cho một hôn nhân vững bền, lời thứ 11 là:
“Tình yêu tin tưởng tất cả, không nghi ngờ người kia nói dối hay lừa mình, là không kiểm soát, không chiếm giữ, không thống trị.” (phanxico.vn – 03/12/2016)
2.2 BIẾT NÓI KHÔNG VỚI NẠN LY HÔN, LY DỊ
– Nạn ly hôn ngày càng tăng cao. Theo kết quả nghiên cứu về xã hội học đã được công bố của Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) thì tỷ lệ ly hôn trên cả nước chiếm từ 31 – 40% trên số kết hôn. Điều đó có nghĩa cứ 3 cặp kết hôn thì sẽ có 1 cặp chia tay và chiếm 60% trong số này là lớp người trẻ thuộc thế hệ 8X (từ 23 – 30 tuổi).
NGUYÊN NHÂN LY HÔN: Mâu thuẫn về lối sống, không thông cảm, tự do cá nhân và cái tôi bản thân quá lớn, hoặc bạo hành….là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc vợ chồng ly hôn.
– Đa số cả chồng và vợ khi quyết định ly hôn đều giành quyền nuôi con. Điều đó chứng tỏ họ rất thương con nhưng không thể hy sinh bớt cái tôi bản thân. (Tại Sài Gòn, số liệu điều tra xã hội học còn cho biết mỗi năm có trên 50 ngàn trẻ em rơi vào hoàn cảnh cha mẹ bỏ nhau và 30% trẻ em lang thang đường phố xuất thân từ hoàn cảnh này)
– Trích thư con gái nhỏ viết cho cha mẹ li hôn:
“Con biết ly hôn là gì. Ở lớp con có bạn Minh Tú, có cả bạn Anh Khang, bố mẹ các bạn ý đều ly hôn lâu rồi. Minh Tú bảo với con ly hôn là mình không còn được sống cùng bố hoặc cùng mẹ nữa. Con sẽ phải chọn một trong hai. Nếu ở cùng bố thì không bao giờ còn thấy mẹ, còn nếu chọn sống cùng mẹ thì sẽ chẳng bao giờ được bố ôm vào lòng nữa….. Con đã suy nghĩ rất kĩ về vấn đề này. Và cuối cùng, con chọn làm trẻ mồ côi. Con sẽ không chọn bố, không chọn mẹ và cũng không muốn chờ đến lúc có em mới thành mồ côi. Ngày mai, khi bố mẹ ly hôn, con sẽ thành trẻ mồ côi luôn. Bố mẹ yên tâm nhé!
…Bố mẹ quyết định ly hôn, con không thể cản được. Con cũng quyết định sẽ làm trẻ mồ côi. Bố mẹ cũng đừng cản con. Mẹ từng nói: ai cũng cần phải được hạnh phúc. Con cũng chưa hiểu ý mẹ lắm nhưng trẻ mồ côi không biết có hạnh phúc hơn được bây giờ hay không”.
– Những người ly hôn thường bị gia đình, bạn bè đặt họ dưới cái nhìn bất bình thường, nghi kỵ. Giáo xứ lẽ ra là nơi ôm ấp họ, thì lại nhiều khi biến thành nơi kết án, nghi kị, loại trừ, hay thậm tệ hơn, coi họ như kẻ tội lỗi, không thánh thiện đạo đức…. Những ngươi này thương bỏ nhà thờ, sống khép kín, hoặc xa tránh mọi người.
– Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan An chuyên gia về nghiên cứu gia đình: “Nhiều cặp vợ chồng ly hôn vì những lý do hết sức đơn giản, mà chỉ cần mỗi người biết thông cảm, sẻ chia với nhau hoặc điều chỉnh mình một chút họ vẫn có thể hàn gắn, giữ được một mái ấm hạnh phúc”
Bài thuốc chữa bệnh này được Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra như sau:
“Trong đời sống hôn nhân có nhiều bất hoà, đôi khi ngay cả “chén đĩa cũng bay,” nhưng tôi muốn tặng anh chị em một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau! các đôi vợ chồng trẻ, đừng bao giờ để một ngày kết thúc mà chưa làm lành với nhau. Chính nhờ biết làm hoà với nhau sau mỗi lần cãi vã, hiểu lầm, ghen ngầm, và kể cả phạm tội nữa, mà làm mới lại bí tích hôn nhân. Biết làm hoà với nhau sẽ mang lại sự hiệp nhất trong gia đình. Phải nói điều đó cho các bạn trẻ, các đôi vợ chồng trẻ, dù biết không dễ thực hiện nhưng đó là một con đường đẹp, rất đẹp.” (13.5.2015 )
2.3 – BIẾT NÓI KHÔNG VỚI HẠN CHẾ SINH SẢN VÔ TRÁCH NHIỆM VÀ THIẾU Ý THỨC
Hạn chế sinh sản vô trách nhiệm và thiếu ý thức là làm cạn kiệt suối nguồn tình yêu nền tảng của đời sống hôn nhân, biến quan hệ vợ chồng trong hôn nhân trở thành một hành vi hưởng thụ ích kỷ: thích hưởng thụ nhưng ngại sinh con, ngại trách nhiệm….
Dùng mọi biện pháp hạn chế sinh sản như ngừa thai nhân tạo, hay phá thai với đủ mọi thứ lý do: không đủ khả năng để chăm lo con cái, kinh tế chưa cho phép… hoặc lấy lý do về việc khủng hoảng dân số trên địa cầu để đề ra hoặc khuyến khích kế hoạch hoá việc sinh sản. Những lý do này đang cổ súy cho một nền “ văn hóa sự chết”.
2.4 – BIẾT NÓI KHÔNG VỚI NẠN NẠO PHÁ THAI LAN TRÀN:
Tại Hội nghị Sản Phụ Khoa Việt-Pháp – Châu Á Thái Bình Dương , các bác sĩ trong bệnh viện Từ Dũ cho biết Việt Nam nằm trong danh sách mười nước trên thế giới có tỷ lệ phá thai cao nhất, nghĩa là đến 20%.
Số trẻ vị thành niên Việt Nam dưới mười chín tuổi đi phá thai gần như tăng đều mỗi năm. Năm 2005 bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khoảng 388 ca phá thai tuổi vị thành niên, nhưng đến năm 2008 thì tăng thành 512 em.
Tình trạng phá thai ở tuổi vị thành niên hiện nay đang trở thành thông dụng. Phá thai được thực hiện tại nhiều bệnh viện công, bệnh viện tư và các trung tâm kế hoạch hóa gia đình.
Thực trạng này đã và đang gây ra nhiều nhức nhối gây tổn hại đến đời sống hôn nhân gia đình. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định: “Chúng ta đang đương đầu với cái được gọi là “cơ cấu tội lỗi”, nó chống lại sự sống con người chưa được sinh ra”.
Phá thai làm cho con người đang dần dần đánh mất phẩm giá cao quí mà Thượng Đế ban tặng, biến con người trở nên “thú dữ” giết hại lẫn nhau, thậm chí đó là những người thân yêu nhất của mình, ngay cả “giọt máu” khi còn trong“trứng nước”.
“RU-486 Pille” , với viên thuốc này người phụ nữ có thể trục thai một cách dễ dàng đơn giản. Các chính phủ lập luận việc cho phép phá thai là việc làm phù hợp với quyền tự do lựa chọn của người mẹ. Nại đến quyền tự do của người mẹ mà cho phép cướp đi quyền được sống của thai nhi là một việc hết sức bất nhẫn và là một tội ác.
2.5 – BIẾT NÓI KHÔNG VỚI NẠN TỰ DO SỐNG CHUNG, SỐNG THỬ TRƯỚC HÔN NHÂN, NGOẠI TÌNH…
Nạn tự do sống chung, sống thử đang làm mai một những giá trị và truyền thống của hôn nhân gia đình và làm tăng thêm tội ác phá thai.
Hậu quả là con số trẻ em được sinh ra ngoài hôn nhân càng ngày càng đông; hay con số phá thai càng ngày càng tăng cao. Có bạn trẻ đã đưa ra nhận xét: “Những trò đùa nam nữ bây giờ không còn là chướng ngại vật nữa. Cháu có cảm tưởng một số bạn gái chẳng ngần ngại gì khi “sống thử” cùng bạn trai. Sau đó họ đưa nhau đi giải quyết “sự cố”, coi như bình thường, không có chuyện gì xảy ra”.
Họ không có lựa chọn nào khác hơn là phá bỏ cái thai, nhẫn tâm trở nên “thú dữ” với chính mầm sống đang từng ngày lớn lên trong bụng. Đó là giải pháp cuối cùng và tất yếu của việc sống thử, hay vội vàng “cho” để chứng minh tình yêu của cô gái, hay của những cuộc ăn chơi thác loạn.
II – QUÊN MÌNH ĐỂ XÂY DỰNG MỘT “NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG”
– Đó là một sự pha trộn giữa bóng tối và ánh sáng. Sống Tin mừng trong gia đình như thế nào?
“Anh em sẽ trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa giữa một thế hệ gian tà, sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống…” (Pl 2,15-16)
– Xã hội hôm nay có nhiều bóng tối, không phải vì bóng tối có nhiều, mà vì thiếu ánh sáng. Mỗi chúng ta được mời gọi “Thà thắp lên một ngọn nến, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.” Mỗi chúng ta hãy là một ngọn nến! Ngọn nến ấy dầu chưa phải là ánh sáng rực rỡ, nhưng là điểm khởi đầu của việc thoát ra khỏi bóng tối mịt mù.
a) Chứng từ của các thánh Tử đạo
Lựa chọn sống theo giáo huấn của Chúa là một hình thức “chèo thuyền ngược nước” cho nên đòi hỏi sự hy sinh rất lớn. Sống như thế cũng là tử đạo, tức là hy sinh, từ bỏ vì niềm tin tôn giáo, vì hạnh phúc của vợ chồng, con cái mình.
Suốt thời gian bị giam cầm, lương y Phan Đắc Hòa không những đã giúp đỡ anh em bạn tù bằng việc bốc thuốc trị bệnh, ông còn khuyến khích họ sống dũng cảm, làm chứng cho Tin Mừng… Những trận đòn không làm ông nản chí, trái lại ông còn lấy thế làm hạnh phúc, vì được hiệp thông với Đức Kitô chịu đóng đinh”
b) Xây dựng nền văn minh tình thương
Đối diện với phong trào thế tục hóa và những hệ lụy của nó tác động nặng nề trên đời sống Đức tin của gia đình Công giáo như thế, Hội thánh đã kêu gọi xây dựng một “nền văn minh tình thương”, để tất cả khởi sự từ tình yêu và không ngừng qui chiếu về đó, nhờ đó mà tái khám phá lại ý nghĩa và tầm quan trọng của đời sống, ơn gọi, phẩm giá của hôn nhân gia đình.
Tông huấn về gia đình FAMILIARIS CONSORTIO từ số 17 đến 64 đã đưa ra bốn bổn phận chính của gia đình giúp mỗi gia đình công giáo ý thức hơn về một nhiệm vụ khác của gia đình là đào tạo những con người biết yêu thương và là sống tình yêu trong mọi tương quan với người khác.
Theo đó, mỗi người nhiệt tâm chu toàn sứ vụ và bổn phận thường ngày trong tình yêu thương chân thành: là người cha, ta chu toàn trọng trách của người cột trụ gia đình; là người mẹ, ta hoàn thành sứ vụ của người bảo vệ và gìn giữ hạnh phúc gia đình; là con cái, ta chu toàn bổn phận của mình trong gia đình và ngoài xã hội.
Muốn vậy, xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn sống tình yêu hợp nhất thủy chung, cộng đoàn hăng say loan báo Tin Mừng.
1 – Cộng đoàn cầu nguyện: Đọc kinh chung.
– Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Chung 2017 “Đồng hành với gia đình trẻ” đã cổ võ việc cầu nguyện chung trong gia đình, năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích”. Có Chúa làm trung tâm, làm chủ gia đình, thì có tình thương và lòng tha thứ.
Nhiều gia đình Việt Nam vẫn giữ được nếp sống gia phong, vẫn bảo tồn được các giá trị gia đình như lòng hiếu thảo, tình yêu chung thủy và sống hòa thuận trong đại gia đình có khi ba,bốn thế hệ sống chung với nhau: Tứ đại đồng đường.
Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài.
2 – Cộng đoàn sống tình yêu hợp nhất thủy chung:
– Thánh Nguyễn Văn Trung, Cai đội (Phan xá Quảng trị):
Người căn dặn vợ: “Tôi có bị chết, mình liệu săn sóc con cái! Hãy hết lòng yêu thương chúng, đừng tái hôn với ai nữa”.
– ” Sống trong trào lưu hưởng thụ, mọi người chỉ biết nghĩ về bản thân, với những sinh hoạt riêng, thú vui riêng, lo âu riêng của mình cái tôi lớn hơn bao giờ hết, Do đó, người ta ít cảm thông, ít quan tâm đến nhau, người kitô hữu chúng ta sống Tin Mừng trong đời sống gia đình là một thách đố rất lớn.
Cọng đoàn sống tình yêu hợp nhất thủy chung xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ sống động của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, các gia đình công giáo phải loại bỏ mọi thứ bạo hành, “hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).
– Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các gia đình hãy học theo Thánh Gia thất sống giản dị, trở thành “một cộng đoàn yêu thương, luôn biết tha thứ và hòa giải”, đồng thời hãy giữ gìn những vẻ đẹp truyền thống trong đời sống gia đình, như cách nói năng, cư xử hòa nhã, yêu thương, biết nói lời “xin phép, xin lỗi, cảm ơn”, ba từ ngữ thông thường nhưng rất có ý nghĩa trong gia đình. Ngài nói:
“Muốn có an bình và niềm vui trong gia đình, chúng ta hãy biết sống ba từ chìa khóa sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi.
Khi trong một gia đình người ta không xâm lần nhau, nhưng biết xin phép. Khi trong một gia đình người ta không ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn. Khi trong một gia đình một người nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có an bình và niềm vui”. (Chúa Nhật, 28.12.2013, tại quảng trường Thánh Phêrô)
– Với ơn Chúa, họ cố gắng hiểu nhau để rồi tiến đến sự cảm thông hoàn toàn. Đức tin công giáo dạy “khi hai người kết bạn với nhau là nên một với nhau trong một gia đình mới, với hoa trái là con cái nối tiếp sinh ra”, và mọi người lấy tình thương làm nền tảng cho mọi ứng xử.
3 – Cộng đoàn hăng say loan báo Tin Mừng
Sống bác Ái: Thư HĐGMVN khuyến khích sống bác ái tông đồ trong năm thánh Tử Đạo, bằng cách thăm viếng người túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật…như là hành hương về với ĐK (x.Mt 25,34-36)
– Thánh Quỳnh Năm, trùm họ người Quảng Bình thì bác ái rõ rệt là hoa quả của đức tin, Người từng nói với gia đình: “Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”, vì theo Người: “Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.
– Chia sẻ những khó khăn ấy cho người thân trong gia đình, dòng tộc, làng xóm và những người bất hạnh khắp đất nước. Đó là những nghĩa cử cao đẹp mà chúng ta đã và đang làm theo gương cha ông chúng ta. Đó cũng là những hành động “tử đạo”, là những hy sinh, những mất mát để giúp cho bà con, xóm giềng, những người già yếu, cô đơn, những người gặp cảnh hoạn nạn… có thêm cơ hội để sống và sống đúng với nhân phẩm của mình.
– Dạy và làm gương cho con cái về lòng thương yêu người nghèo, kính trọng người già yếu tàn tật, thảo kính cha mẹ, thăm viếng những người liệt lào neo đơn, sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ cho người khác những gì mình có: một cái bánh cái kẹo, một món đồ chơi, hy sinh tiền ăn quà để bỏ oi hay để chia sẻ cho người nghèo gặp trên đường.
– Ngày nay các cộng đoàn tín hữu chúng ta không nên đóng khung việc hành đạo trong việc đọc kinh dự lễ tại nhà thờ, mà cần mở rộng bằng các công tác xã hội như phục vụ các người nghèo khổ bệnh tật và neo đơn nữa.
…”Một gia đình Kitô hữu thực sự tốt đẹp không thể chỉ đóng kín trong những sinh hoạt riêng tư, nhưng cần mở rộng mối quan hệ với những gia đình chung quanh, để kính trọng yêu thương, trao đổi học hỏi và quan tâm giúp đỡ, góp phần phát triển nền văn minh tình thương”(Thư Mục Vụ của HĐGM VN năm 2002, phần III , số 8).
– Cần tập nhẫn nhịn chịu đựng và tha thứ các xúc phạm của tha nhân, luôn nghĩ đến người khác và phục vụ trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt để được mối lợi là đưa được nhiều linh hồn về làm con Chúa như thánh Phaolô đã quả quyết: “Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).
TTMV Huế ngày 25.7.2018
————————————————–
CÂU HỎI GỢI Ý
1) Thư Công bố “Năm Thánh Tôn vinh Các Thánh Tử Đạo VN” của HĐGMVN mời gọi các gia đình sống tinh thần tử đạo trong môi trường hiện nay. Bạn sẽ sống tinh thần tử đạo như thế nào trong môi trường của gia đình bạn?
2 ) Trong thư mục vụ 2017, HĐGMVN nhận định: “Trước những khó khăn trong đời sống hôn nhân, nhiều đôi bạn trẻ coi ly dị, phá thai là giải pháp tối ưu thay vì cố gắng vượt qua để bảo vệ hạnh phúc gia đình.” Theo bạn, cần phải làm gì để bảo vệ hạnh phúc gia đình thay vì phá thai hay li dị?
3) Trong thư mục vụ 2017 của HĐGMVN nhìn nhận rằng do ảnh hưởng trào lưu hưởng thụ, sống ảo, sống gấp và quan niệm lệch lạc về hôn nhân, một số không nhỏ những tiêu cực vẫn tồn tại và có nguy cơ phát triển, ngay trong cộng đồng Công giáo như: phá thai, sống thử, kết hợp đồng tính, ly dị, lựa chọn giới tính.
Theo bạn, các giáo xứ ở Huế có xảy ra tình trạng này không? và bạn đã làm gì để đối phó với các tệ nạn này trong đời sống cụ thể của một gia đình trẻ?
4) Người công giáo có được phép thực hiện việc điều hoà sinh sản không? Những phương pháp nào được Giáo hội chuẩn nhận?
5) Trong hoàn cảnh sống hôm nay, bạn sẽ làm gì để “làm chứng về hôn nhân công giáo là nẻo đường hạnh phúc” ( Thư mục vụ HĐGMVN)?
Linh mục Đaminh Phan Hưng