Nhân dịp Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh tổ chức Hội nghị thường niên của các Đại Chủng viện ở Việt Nam, tại Tòa tổng Giáo phận Hà Nội, từ ngày 07 – 10.8.2023, với chủ đề: “Đồng hành Tòa trong và Tòa ngoài trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam,” xin gửi tới quý độc giả một số bài viết cho Hội nghị của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê.
Bài 2:
ĐÀO TẠO LINH MỤC, MỘT TIẾN TRÌNH NĂNG ĐỘNG
Đào tạo ơn gọi linh mục và thánh hiến là một tiến trình mang tính năng động, tiệm tiến và sư phạm. Tiến trình này phải được thực hiện qua các giai đoạn giáo dục, huấn luyện và đồng hành. Giáo dục, huấn luyện và đồng hành là ba khái niệm nền tảng quan trọng của một tiến trình huấn luyện. Đào tạo phải có giai đoạn giáo dục và giai đoạn huấn luyện kết hợp với sự đồng hành. Để hiểu rõ về tiến trình năng động này, chúng ta tìm hiểu ba khái niệm nền tảng này.
1. Giáo dục (Education)
Theo nguyên từ, giáo dục trong tiếng Latinh – educere – có nghĩa là dẫn ra, phân biệt ra, làm cho rõ. Theo nghĩa đó, giáo dục là “đào bới,” “lôi ra,” hoặc đưa ra sự thật con người của mình lên bình diện ý thức, sự thật mà ta ý thức hay không ý thức. Giáo dục là giúp một người nhận biết chính mình, ý thức về sự thật chính mình, khám phá những tiềm năng và nhược điểm, đồng thời giúp người thụ huấn phát huy các tiềm năng con người một cách tối đa và tự thể hiện mình một cách đầy đủ.
Giáo dục phải đụng chạm tới toàn bộ con người của người thụ huấn. Theo Tông Huấn về Đời Sống Thánh Hiến, việc giáo dục “phải quan tâm đến toàn thể con người, tức là mọi khía cạnh trong nhân cách, hành vi và ý hướng của người thụ huấn” (Vita consecrata, tr. 65).
Nếu một nền giáo dục chỉ nhấn mạnh hay chỉ tập trung vào việc huấn luyện các kỹ năng và cung cấp kiến thức, hoặc chỉ chú trọng giáo dục phần bên ngoài con người thụ huấn, thì nền giáo dục đó có nguy cơ bị giảm thiểu, thiếu tính toàn vẹn và không mang lại sự biến đổi bên trong con người của người thụ huấn. Công cuộc đào tạo linh mục – tu sĩ không phải là đào tạo các ‘công chức’ hay các ‘chuyên viên’ cho Giáo Hội, mà là đào tạo những “con người của Thiên Chúa và của Giáo Hội.”
Giáo dục phải là một quá trình giúp người thụ huấn biến đổi toàn bộ con người mình: Từ hành vi, thái độ, tình cảm, động lực thúc đẩy và cả chiều sâu thẳm của lòng họ. Theo tiến trình này, giáo dục là giúp người thụ huấn khám phá và nhận thức một cách chính xác các hành vi, cử chỉ, lời nói, sở thích, tập quán, thói quen, thái độ sống, lối phản ứng trước một hoàn cảnh, trước một sự kiện. Những hành vi và thái độ sống này có phù hợp với các giá trị và lý tưởng tu trì không?
Không dừng lại ở bên ngoài và hài lòng với những gì thay đổi ở bên ngoài, người thụ huấn phải được giáo dục từ bên trong là chính con tim của mình, nghĩa là họ được giúp đỡ để nhận biết tình cảm và cảm xúc sâu xa bên trong, kể cả những cảm xúc mà mình không ý thức. Giáo dục là giúp họ nhận ra trong họ những tình cảm “hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục” có phù hợp với đời tu không, từ đó giúp họ thay đổi, trưởng thành về tình cảm và cảm xúc của mình.
Sâu hơn nữa, người thụ huấn cũng phải được giáo dục cả về động lực thúc đẩy. Việc giáo dục không dừng ở chỗ hướng dẫn họ “làm gì” mà còn phải giáo dục họ nhận thức được “tại sao tôi làm,” “động lực nào thúc đẩy tôi hành động?” Từ việc nhận biết các động lực thúc đẩy, người thụ huấn nhận ra những khuynh hướng đang lèo lái đời sống của họ: Khuynh hướng quy ngã, quy xã hội, cá nhân chủ nghĩa, lập dị, thích tiền hay quyền lực, gây hấn, hay quá khích, ấu trĩ hay nhu nhược… và cả sự mơ hồ trong chọn lựa căn bản.
Việc giáo dục phải quan tâm đến tất cả những yếu tố làm nên “con người thật” của ứng sinh. Theo ngôn ngữ chuyên môn, các nhà tâm lý giáo dục gọi đây là “cái tôi hiện tại – actual self” của ứng sinh. Do đó, việc huấn luyện phải can thiệp trực tiếp vào cái tôi hiện tại của người thụ huấn. Giáo dục là lôi ra ánh sáng những gì không phù hợp, những gì là “ấu trĩ” và thiếu trưởng thành của người thụ huấn.
Quả thế, đây là một quá trình trở về với chính bản thân, nhận biết mình, khám phá bản thân, chấp nhận chính mình và thay đổi chính mình. Tiến trình này được thực hiện trong khó khăn, dài thăm thẳm, tiệm tiến và rất năng động. Theo nghĩa này, công cuộc đào tạo không phải là một cuộc dạo chơi trong công viên mà là một hành trình đầy gian khó đi về Giêrusalem như hành trình của Đức Giêsu. Và đây là logic mầu nhiệm thập giá xảy ra trong việc huấn luyện: Phải qua đau khổ để tới Phục Sinh vinh quang. Giáo dục phải đi qua kinh nghiệm của ngày Thứ Sáu để tới ngày Chúa Nhật phục sinh. Nếu ai muốn bước vào quá trình siêu việt chính mình và hoàn thiện bản thân, có nghĩa người đó phải chấp nhận bị tổn thương, gột rửa và lột xác con người của mình. Chấp nhận thay đổi cấu trúc con người, động lực, tình cảm, lối suy nghĩ và cách hành động của mình để có thể tới một giai đoạn khác mà ta gọi đó là giai đoạn huấn luyện.
2. Huấn luyện (Formation)
Giáo dục mà thôi thì chưa đủ. Cần có huấn luyện. Trong tiếng Latinh động từ formare có một ý nghĩa đặc biệt: “Đưa ra một khuôn mẫu, tạo một hình thức.” Theo đó, việc huấn luyện là đưa ra một gương mẫu rõ ràng mà người thụ huấn được mời gọi phải hướng tới và cưu mang trong lòng. Đó là một thể thức hay một lối sống mới mà họ chưa có, nhưng họ phải đạt tới một cách tiệm tiến và đó cũng là yếu tố làm nên căn tính mới nơi họ. Theo nghĩa này, huấn luyện không chỉ là năng động tự thể hiện (self-realization), mà còn là năng động tự siêu việt (self-transcendence) theo một khuôn mẫu hoặc một lý tưởng. Huấn luyện không chỉ dừng lại ở việc biết mình hay chiêm ngắm bản thân, mà còn phải hướng tới việc khám phá và hình thành cái tôi lý tưởng (ideal self) mới mẻ và đích thật của mình.
Chính vì thế, trong các tài liệu về đào tạo linh mục và tu sĩ,[1] Giáo hội chọn mô hình Chúa Con làm khung quy chiếu cho dự phóng huấn luyện. Theo đó, Đức Giêsu Kitô là khuôn mẫu lý tưởng mà người thụ huấn luôn được mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Người.[2]
Nói cách khác, việc huấn luyện là một tiến trình xây dựng nơi người thụ huấn con người mới trong Đức Kitô, hình thành nơi họ cách sống mới, thái độ mới, lối suy nghĩ mới, tâm tình và ước muốn của chính Đức Kitô. Vì thế, việc huấn luyện không được hiểu như là một sự bắt chước bên ngoài, nhưng là sự trở nên giống từ bên trong, là “mặc lấy những tâm tình của Chúa Kitô như Người đã biểu lộ với Chúa Cha.”[3]
Nếu nói quá trình giáo dục là chết đi con người cũ, thì quá trình huấn luyện là phục sinh con người mới trong Đức Kitô. Nếu trong cuộc đời Đức Giêsu, Mầu Nhiệm Tử Nạn gắn liền với Mầu Nhiệm Phục Sinh, thì trong quá trình huấn luyện đau khổ và vinh quang cũng rất gắn bó với nhau. Phải chấp nhận thay đổi, tự hủy, chết đi thì mới phục sinh con người mới, con người nhân đức và thần khí.
Việc huấn luyện chỉ có hiệu quả thực sự khi có sự biến đổi nơi ứng sinh. Việc huấn luyện giúp ứng sinh nhận ra căn tính của mình nơi Chúa Kitô. Chân – thiện – mỹ của giá trị dần dần trở thành chân – thiện – mỹ của chủ thể. Tâm tình của Chúa Kitô ngày càng trở nên tâm tình của người thụ huấn. Huấn luyện là để cho Thiên Chúa uốn nắn thái độ, lời nói, ý nghĩ và ước muốn của mình mỗi ngày nên giống Chúa Kitô.
Chính việc huấn luyện này tác động trên trái tim, để họ say mê Thiên Chúa; tác động trên trí tuệ, để họ có thể chiêm ngắm và tìm kiếm Thiên Chúa và tác động trên ý chí, để họ biết khao khát như Thiên Chúa khát khao.
3. Đồng hành (Accompagnement)
Từ thời Trung Cổ, hạn từ đồng hành trong tiếng Latinh là cum-panio, có nghĩa là “chung một tấm bánh.” Tự bản chất, đồng hành có nghĩa là chia sẻ. Vì thế, việc đồng hành với người thụ huấn muốn sống đời sống tu trì không chỉ là hướng dẫn họ trong đời sống tâm linh, dạy dỗ, hay thiết lập tương quan một chiều với họ, nhưng là cùng nhau thực hiện hay cử hành và chia sẻ kinh nghiệm đức tin. Đồng hành không chỉ có nghĩa là đi bên cạnh người khác trên một quãng đường nhất định, mà là cùng nhau bước đi trên đường, cùng nhau chia sẻ “của ăn đàng” là đức tin, kinh nghiệm về Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thánh Thần.
Theo nghĩa đó, toàn thể tiến trình huấn luyện không chỉ là truyền đạt hay chỉ cho biết con đường phải đi, mà là một kinh nghiệm dấn thân và “tuyên xưng” đức tin của nhà huấn luyện với người thụ huấn.
Lối đồng hành này là hình thức mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên đường Emmaus và là hình tượng của mọi việc đồng hành trong đức tin. Chúa Giêsu gặp gỡ, cùng bước đi với họ, trò chuyện với họ, nói cho họ nghe những chuyện xảy ra và giải thích cho họ hiểu các sự kiện dưới ánh sáng Lời Chúa. Rồi sau đó, cùng với họ Người “bẻ bánh,” họ nhận ra Người, lòng họ bừng lên, mắt họ sáng ra và liền quay trở về Giêrusalem để loan báo cho mọi người biết Chúa đã sống lại (Cf. Lc 24, 13-35).
Người đồng hành không phải là người quyết định ơn gọi của người thụ huấn, cũng không phải là người nắm giữ mọi “bí mật” về tương lai của ứng sinh. Người đồng hành đóng vai trò của Gioan Tẩy Giả, người đưa môn đệ mình tới gặp Chúa, giới thiệu họ với Chúa, rồi từ từ rút vào bóng tối, để “Người lớn lên, còn tôi nhỏ lại” (Ga, 3,30).
Tuy nhiên, việc đồng hành tiên vàn là phương thức hành động của Chúa Thánh Thần, “vị khách dễ thương của linh hồn,” người bạn đường thần linh của chúng ta và là nhà điêu khắc nội tâm, Đấng uốn nắn khuôn mặt mỗi người theo hình ảnh Chúa Kitô một cách vô cùng sáng tạo.
Do đó, điều cơ bản là người thụ huấn phải cảm nhận Chúa Thánh Thần như là bạn trung tín của mình, như là Đấng sẽ giúp họ am hiểu toàn vẹn và sự khôn ngoan của trái tim, như một người dẫn đường đăm đăm nhìn về Chúa Giêsu và những kẻ được kêu gọi, để làm cho họ trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu.
Một khi người thụ huấn nhận biết và cảm nghiệm Chúa Thánh Thần như là “bạn đường,” họ sẵn sàng đón nhận những người đồng hành mà không đòi hỏi người đồng hành phải hoàn hảo; họ dễ dàng đón nhận những phương tiện, điều kiện và cả những giới hạn nhân loại của người đồng hành. Hễ ai tin cậy Chúa Thánh Thần thì cũng tin cậy những trung gian của Người. Hễ ai biết phó mình trong tay Chúa Thánh Thần thì không lo sợ khi chia sẻ lịch sử đời mình với người đồng hành trong sự cởi mở, tin tưởng và phó thác.
4. Kết luận
Theo đường hướng mà chúng ta vừa suy nghĩ, nếu giáo dục có nghĩa là đào bới sự thật của chủ thể, huấn luyện là hình thành con người mới của chủ thể, thì đồng hành là quy tụ của chủ thể. Người thụ huấn được mời gọi hướng tất cả cơ cấu nội tâm, con tim, lý trí và ý chí lại với nhau để đáp lại tiếng gọi của Chúa Thánh Thần. Có thể ví quá trình huấn luyện bằng một hình ảnh bình dị hơn của nhà nông làm ruộng, thì giáo dục được ví như là vun xới đất đai, huấn luyện là gieo hạt giống tốt vào lòng đất, còn đồng hành là sự chăm sóc, vun tưới, bón phân cho cây lớn lên, trổ bông và kết trái.
– – – – – – – – – – – – –
[1] Vita consecrata, op. cit.
[2] Pastores dabo vobis, số 3 tt.
[3] Vita consecrata, op. cit.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Nguồn: hdgmvietnam.com