“Phêrô ở đây”: Làm thế nào xác định được hài cốt của Thánh Phêrô Tông đồ?

23/06/2024

Dưới Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Rôma là nơi thánh Tông đồ Phêrô yên nghỉ. Sự thật này chỉ được chứng minh vào cuối thế kỷ XX, sau các cuộc khai quật do Đức Giáo hoàng Piô XII phát động. Một khám phá gây chấn động đã làm thăng hoa gần hai thiên niên kỷ truyền thống cầu nguyện và sùng kính.

Từ đỉnh mái vòm cao hơn 133 mét cho đến nơi an nghỉ của Thánh Phêrô, cách mặt đất của vương cung thánh đường hiện nay vài mét, có thể đoán thấy một sợi dây vô hình nối liền nhiều thế kỷ lịch sử. Ngày nay, người ta có thể đến thăm mộ của Thánh Phêrô, nhưng nó chỉ được khám phá lại cách đây vài thập niên.

Khi qua đời năm 1939, Đức Piô XI yêu cầu được chôn cất gần mộ Thánh Phêrô. Một năm sau, Đức Piô XII, người kế vị ngài, đã dám tiến hành những cuộc khai quật chưa từng có tại địa điểm được cho là có ngôi mộ của Thánh Phêrô, gần 1900 năm sau khi ngài tử đạo.

Bị đóng đinh trong đấu trường của Néron, bên hữu ngạn sông Tiber ở Rôma, thánh Tông đồ Phêrô được chôn cất cách đó không xa, trên ngọn đồi lân cận, được dùng làm nghĩa địa, giữa nhiều người vô danh. Không có dấu hiệu nào được lưu giữ trong kho lưu trữ của Đế quốc La Mã liên quan đến tội nhân người Galilê tầm thường này. Nhưng các Kitô hữu đã giữ dấu vết của địa điểm cực kỳ linh thiêng này, một địa điểm hành hương từ gần hai thiên niên kỷ qua.

Khám thờ Gaius (*) Khải hoàn

Lần đầu tiên được biểu thị bằng một khám thờ đơn giản, dưới hình thức một nhà nguyện nhỏ, được gọi là Gaius Khải hoàn, ngôi mộ của thánh Tông đồ được tôn kính qua các bàn thờ khác nhau trong vương cung thánh đường do hoàng đế Constantinô xây dựng này, sau đó là bàn thờ hiện tại, do Đức Clement VIII cho xây vào năm 1549, dưới bóng của tán du Bernini.

Tuy nhiên, chỉ có sự truyền miệng mới chứng minh được thực tế về ngôi mộ của Thánh Phêrô, cho đến khi các cuộc khai quật vào thập niên 1940, trở nên phức tạp do Thế chiến thứ hai, và đặc biệt cho đến khi Đức Piô XII công bố vang dội trong thông điệp vô tuyến Giáng sinh ngày 23 tháng 12 năm 1950, vào lúc kết thúc Năm Thánh: “Đã tìm thấy mộ của Hoàng tử các Tông đồ” (thánh Phêrô). Nhưng Đức Thánh Cha tiếp tục giải thích rằng không thể khẳng định rằng các xương được tìm thấy cùng với nhiều xương khác ở nghĩa địa của thế kỷ thứ nhất này thuộc về Thánh Phêrô.

Việc phát hiện ra bộ xương

Năm 1952, nhà khảo cổ học và là nhà nghiên cứu văn khắc, bà Margherita Guarducci, đã chịu trách nhiệm khai quật và thực hiện một khám phá phi thường. Là một chuyên gia về các dòng chữ do bàn tay con người tạo ra, bà nghiên cứu nhiều câu khắc được tìm thấy trên các bức tường của khám thờ Gaius Khải hoàn, có niên đại từ năm 160. Những dòng chữ này làm chứng cho hoạt động sùng kính và toàn bộ phong trào của các tín hữu đầu tiên của cộng đoàn Rôma, những người đã đến gần khám thờ này để tôn vinh ký ức về vị Giáo hoàng đầu tiên.

Margherita Guarducci bắt tay vào làm việc và giải mã các câu khắc khác nhau, trong số đó có “Petros eni”, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Phêrô ở đây”. Gần dòng chữ này, bà tìm thấy một chiếc hộp bằng đá porphyre được trang trí quý giá, được nhét vào một cái lỗ đào trên bức tường của khám thờ Gaius Khải hoàn. Những mảnh xương chứa trong chiếc hộp này sau đó được phân tích và tương ứng với một người đàn ông khoảng sáu mươi tuổi và bị đờ người vì chứng hư khớp, căn bệnh của các ngư dân. Thánh Phêrô được tìm thấy.

Khám thờ Gaius Khải hoàn

Thánh Phêrô được tìm thấy

Đối với Fiocchi Nicolai, giáo sư địa hình các nghĩa trang Kitô giáo tại Viện Khảo cổ Kitô giáo của Tòa Thánh, “khi thánh đường Constantinô được tạo ra, những gì còn lại của xương thánh Phêrô sẽ được lấy từ hố mộ và đặt trong hộp tường để lưu giữ chúng mãi mãi” .

Một khám phá được xác minh bởi các văn bản cổ nhất, chẳng hạn như bản văn của Eusèbe de Césarée vào thế kỷ thứ IV, người trong cuốn Historiae ecclesiasticae (II 25, 5-7) của mình, đã cho biết một Gaius nào đó đã nói rằng mình có thể chỉ ra các ngôi mộ của các Tông đồ Phêrô và Phaolô ở Vatican và trên đường Ostia.

Trong buổi tiếp kiến ​​chung ngày 26 tháng 6 năm 1968, Đức Giáo hoàng Phaolô VI, khi nhắc lại các cuộc điều tra và nghiên cứu trong quá khứ và đồng thời nhấn mạnh rằng “việc nghiên cứu, xác minh, thảo luận và tranh cãi sẽ không kết thúc với điều này”, đã đưa ra một “thông báo vui mừng”: “chúng ta phải càng vui mừng hơn vì chúng ta có mọi lý do để tin rằng chúng ta đã tìm thấy hài cốt phàm trần – nhỏ bé nhưng rất thánh – của Hoàng tử các Tông đồ, của Simon con ông Giôna, của người đánh cá được Chúa Kitô gọi là Phêrô, của người đã được Chúa Chúa Kitô chọn là nền móng của Giáo hội, người được Chúa giao phó chìa khóa vương quốc của Người, với sứ mạng chăn dắt và hiệp nhất đàn chiên của Người, nhân loại được cứu chuộc, cho đến ngày trở lại cuối cùng và vinh hiển của Người”.

Kể từ những năm 1980, công chúng đã có thể tiếp cận các cuộc khai quật của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, mang đến cho các tín hữu một cuộc hành hương thực sự càng gần với khởi thủy của Giáo hội.

(*) Gaius là tên của một linh mục sống vào đầu thế kỷ thứ III (ctcnd).

Tý Linh

(theo Maria Milvia Morciano và Jean-Benoît Harel – Vatican News)

Nguồn: xuanbichvietnam.net