Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Giáo Lý TGP Sài Gòn thuyết trình trong những ngày họp mặt các Ban Giáo Lý trong Giáo tỉnh Huế lần thứ IV tại TGP Huế.
Từ 15g30-16g30 ngày 07.8.2018, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Giáo Lý TGP Sài Gòn đã chia sẻ đề tài: “ĐỐI THOẠI VỚI CÁC TÔN GIÁO VÀ LƯƠNG DÂN TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ”. Với đề tài này, Cha Phêrô nhận định rằng:
– Trong thế giới đa nguyên, đối thoại được coi là lối sống và cách thức để giải quyết những bất đồng quan điểm nhằm xây dựng xã hội hài hòa và tiến bộ.
– Trong lãnh vực tôn giáo, đối thoại là phương thế để các tôn giáo để học hỏi lẫn nhau và xích gần nhau, để canh tân cách thức và ngôn ngữ diễn đạt niềm tin của mình.
– Đối với Kitô giáo, đối thoại còn mang tính cứu độ, nghĩa là đối thoại như một cách thế để loan báo Tin Mừng.
Từ đó, ngài cho các tham dự viên hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của việc đối thoại: đối thoại là gì? Để đối thoại, cần có thái độ nào? Đối thoại có những đặc tính nào? Và sau cùng là Đối thoại mang lại những lợi ích nào?
Ngài đưa mọi người đến việc khám phá đối thoại với người ngoài Kitô giáo, khởi đi từ cuộc đối thoại cứu độ của Thiên Chúa với nhân loại, đến cuộc đối thoại của Giáo Hội và những thách đố của đối thoại liên tôn. Trong những thách đố này, ngài nêu lên: Đối thoại và niềm tin vào Đức Kitô như Đấng Cứu Độ phổ quát và duy nhất; Đối thoại và niềm tin vào vai trò của Giáo Hội trong nhiệm cục cứu độ; rồi đối thoại và sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Cha Phêrô tiếp tục đề ra những nguyên tắc đối thoại cho mọi người: Tôn trọng tự do tôn giáo; Tôn trọng hoạt động của Thánh Linh nơi các tôn giáo; Dung hòa giữa đối thoại và giữ vững căn tính; và chuẩn bị đầy đủ về trí thức, tâm linh và đạo đức. Thực tế hơn là ngài nói lên những hình thức đối thoại như: bằng đời sống và chứng tá; bằng hoạt động chung; bằng chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng; và bằng trí thức.
Ngài đem ứng dụng đối thoại trong việc dạy giáo lý như thế nào cho hữu hiệu. Đó là, với người Á Đông, cứu độ là giao hòa và hiệp thông với Thiên Chúa; hiệp thông đòi hỏi đối thoại nhằm loan báo Tin Mừng; hiệp thông đòi hỏi đối thoại với tín đồ các tôn giáo và hiệp thông đòi hỏi đối thoại với mọi người.
Cha Phêrô đi đến kết luận: Giáo Hội đã nhìn nhận ơn cứu độ của các tín hữu thuộc các tôn giáo cũng như những giá trị tích cực trong các truyền thống tôn giáo ngoài Kitô giáo, nhưng vẫn chưa chính thức nhìn nhận các tôn giáo là “con đường” qua đó Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô tiếp xúc và chuyển giao ơn cứu độ cho các tín đồ ngoài Kitô giáo. Mọi hình thức đối thoại đích thực đều phải mang tính chất của một cuộc đối thoại cứu độ, nghĩa là đối thoại như một cách thế để loan báo Tin Mừng. Vì thế, đối thoại liên tôn không mâu thuẫn và loại trừ sứ vụ loan báo Tin Mừng; trái lại còn là cách thế tốt nhất, hữu hiệu nhất và phù hợp với Tin Mừng nhất để loan báo Tin Mừng; Là giai đoạn chính yếu trong tiến trình loan báo Tin Mừng, việc dạy giáo lý trước hết phải giúp cho tín hữu Công giáo hiểu niềm tin của mình, xác tín về tính đặc thù của đức tin Công giáo; kế đến, phải cống hiến cho Giáo Hội những con người sẵn sàng đối thoại bằng cuộc sống và bằng tình yêu, với con tim dịu dàng khiêm tốn, cởi mở, có thiện chí lắng nghe nhau, tôn trọng và cảm thông với người khác trong sự dị biệt của họ; sau hết, phải giúp người thụ giáo mở rộng trái tim và đôi tay để hợp tác với mọi người thiện chí trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến phẩm giá con người cách toàn diện.
Từ 07g00-08g00 ngày 08.8.2018, với đề tài: “DẠY GIÁO LÝ VÀ VẤN ĐỀ MÊ TÍN DỊ ĐOAN”, Cha Phêrô lại mở ra cho các tham dự viên một khía cạnh khác mà việc dạy giáo lý phải đối mặt. Đó là, hiện nay trong đời sống xã hội, có nhiều lễ hội dân gian và nhiều phong trào như tin vào phong thủy, ngoại cảm… được gọi là “văn hóa tâm linh”, dẫn đến việc các tôn giáo đúng nghĩa cũng bị giản lược thành “văn hóa tâm linh”. Điều xem ra nghịch lý là ngay trong một thế giới mệnh danh là khoa học kỹ thuật hoặc duy vật vô thần, nhiều người lại tin vào một quyền lực huyền bí nào đó, vu vơ, mơ hồ, với mong ước được thuận lợi trong đời sống hằng ngày, nhất là về vật chất. Hiện tượng mê tín dị đoan cũng phát xuất từ đó.
Vì thế, ngài muốn mọi người hiểu rõ thế nào là mê tín dị đoan; Những hình thức mê tín là thờ ngẫu tượng, bói toán và ma thuật. Ngài cũng đưa ra các nguyên nhân dẫn đến mê tín dị đoan mà gốc rễ bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và nhu cầu nỗ lực kiểm soát mọi thứ của con người. Họ thường có hành động kỳ quặc. Sự mê tín của họ có nguồn gốc do hai nguyên nhân chính: sự mong cầu và sợ hãi. Nhất là, theo Kitô giáo, mê tín dị đoan không chỉ do sợ hãi mà còn do ma quỷ phỉnh gạt (St 6,1-2; Lc 8,2.30).
Từ đó, Cha Phêrô đề ra một số cách chữa trị theo Margaret Mead, nhà nhân chủng học, theo Phật giáo và sau cùng là theo Kitô giáo.
Cụ thể với việc dạy giáo lý cần:
– Giúp người thụ giáo hiểu ý nghĩa sâu xa của việc thờ phượng (phụng vụ).
– Giúp người thụ giáo phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa nhờ xác tín vững vàng.
– Giúp người thụ giáo có được tự do của con cái Thiên Chúa
Kết thúc bài chia sẻ, ngài mời gọi mọi người theo gương Đức Giêsu khi đối diện với nỗi sợ hãi đến mướt mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu, Đức Giêsu vẫn ước muốn và lựa chọn thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42). Dù có phải đau đớn và thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha bỏ rơi con!”, Đức Giêsu vẫn một lòng tín thác vào Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha!” (Lc 23,46).
Mỗi người cần cầu xin Chúa ban thêm niềm tin cho mình.
Ban Truyền Thông TGP Huế