Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Năm XXXIII Thường Niên – Năm B
BÀI ĐỌC I: Kh 5, 1-10
“Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Đấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: “Ai xứng đáng mở sách và tháo ấn?” Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: “Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Đavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong”.
Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Đấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:
“Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b
A+B: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).
A) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.
B) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.
A) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.
A+B: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).
ALLELUIA: x. Cv 16, 14b – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 19, 41-44
“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”. Đó là lời Chúa.
(Nguồn: UBPV/HĐGMVN, ấn bản 1973)
++++++++++++++++++
21/11/2024 – THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ
Mt 12,46-50
BIẾT LÀM THEO LỜI CHÚA
“Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12,50)
Suy niệm: Là người thân của người nổi tiếng là một vinh dự. Với ta, được là người thân của Chúa là vinh dự còn lớn lao hơn; nhưng điều kiện để trở thành người thân ấy – làm theo ý Chúa – thì ta chưa sẵn lòng chấp nhận. Điều này khác xa với Đức Mẹ, đấng được xưng tụng có phúc vì là mẹ Chúa Giê-su hai lần. Một lần là mẹ theo nghĩa thể lý, mang thai, sinh ra con mình. Lần khác như Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay, trở thành người nhà, mẹ của Ngài, do hơn ai hết, Mẹ đã hoàn toàn vâng phục, thực thi thánh ý Chúa trong đời mình. Tiếng Fiat (Xin vâng) không chỉ được thốt ra trong ngày Truyền tin, nhưng còn được lặp lại mọi ngày trong đời Mẹ, ngay thời ấu thơ khi dâng mình cho Chúa trong Đền thờ, và cách đặc biệt dưới chân thập giá.
Mời Bạn: Dâng mình cho Chúa để thuộc trọn về Ngài, đó là cơ hội tốt nhất để toàn tâm toàn ý thực hiện thánh ý Chúa, là cung cách sống hiếu thảo với Chúa của Mẹ Ma-ri-a. Mời bạn chiêm ngắm mẫu gương của Mẹ, để rồi noi theo mẫu gương này. Chúa muốn bạn làm gì để sống hiếu thảo với Chúa Cha, đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su hơn?
Sống Lời Chúa: Nhân ngày lễ hôm nay, tôi cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến, cũng như cho mọi người sẵn lòng vâng theo ý Chúa, trở thành người thân của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa cho con trở thành người thân của Ngài. Xin thánh hóa ước muốn, trí khôn, trí hiểu của con, để con thực thi thánh ý Chúa theo gương Mẹ Ma-ri-a. Nhờ vậy, con có thể thật sự là người nhà của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bị sốc.
Đức Giêsu đang giảng cho một đám người khá đông.
Chắc là họ đứng chen chúc nhau đến nỗi khó lòng đến gần Ngài được.
Chính vào lúc này thì mẹ và anh em Ngài đến, không rõ lý do.
Họ muốn nói chuyện với Đức Giêsu, nhưng đành phải đứng ở ngoài.
Có người vào báo cho Ngài về chuyện đó.
Chúng ta tưởng Ngài sẽ ngưng ngay bài giảng để ra gặp mẹ và anh em.
Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Mẹ Ngài hẳn đã phải đi một đoạn đường xa để đến gặp con trò chuyện.
Nhưng lạ thay Đức Giêsu vẫn tiếp tục giảng.
Ngài vẫn tiếp tục nói chuyện với đám đông đang nghe Ngài,
thay vì đi ra nói chuyện với mẹ.
Sự quan tâm của Ngài nhắm vào những người ở trong đây,
hơn những người đứng ở ngoài kia.
Sau đó Ngài lại đặt những câu hỏi vừa dễ lại vừa lạ :
“Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” (c. 48).
Dĩ nhiên đó là những người đang đứng ngoài kia,
đang chờ được gặp mặt và nói chuyện với Ngài.
Nhưng đó không phải là đáp án của Đức Giêsu.
Chính Ngài cho ta đáp án bằng cách giơ tay chỉ các môn đệ mà nói :
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi” (c. 49).
Có một gia đình máu mủ đậm đà đứng ở ngoài kia,
và một gia đình mới rất thân thương đứng ở trong này.
Đức Giêsu không coi thường tình mẫu tử hay tình họ hàng ruột thịt.
Điều Ngài muốn nhấn mạnh ở đây là chuyện Ngài có một gia đình mới.
Các môn đệ của Ngài thuộc về gia đình này.
Họ là mẹ, là anh chị em của Ngài, vì họ thi hành Ý muốn của Cha Ngài.
Chính Đức Giêsu là người Con luôn thi hành Ý muốn của Cha.
Ai thi hành Ý Cha trên trời cũng trở nên gần gũi với người Con (c. 50).
Chúng ta có họ với Đức Giêsu và làm nên một gia đình bao la rộng lớn.
Bỗng nhiên chúng ta thấy mình gần Cha, gần Giêsu và gần nhau.
Nước Trời bắt đầu đến khi hơn hai tỷ kitô hữu
nhận ra là mình cùng muốn làm trọn Ý Cha,
cùng gắn bó keo sơn với Giêsu và cùng coi nhau là anh chị em (Mt 23, 8).
Đức Giêsu có nhiều anh chị em trong gia đình của Ngài.
Các phụ nữ thật là chị em của Ngài, dù xã hội Ngài trọng nam khinh nữ.
Đức Giêsu cũng không chỉ có một người mẹ tên là Maria.
Bất cứ ai sống theo ý Cha trên trời trong niềm vâng phục phó thác,
bất cứ ai sinh Đức Giêsu ra cho môi trường sống của mình,
bất cứ ai làm cho Ngài lớn lên trong trái tim nhân loại,
người ấy là mẹ Đức Giêsu.
Trong gia đình mới là Giáo hội của Đức Giêsu,
Maria đã là Mẹ Đức Giêsu theo ý nghĩa tuyệt vời nhất.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
(phutcaunguyen.net)
++++++++++++++++++
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG MƯỜI MỘT
Trả Lại Cho Gia Đình Vai Trò Đúng Đắn Của Nó Trong Xã Hội
Trong tác phẩm Hành Trình Mục Vụ của ngài, Đức Hồng Y Baffi đã dành một số trang rất hay để nói về những hiểm họa và những niềm hy vọng của gia đình. Ngài nhấn mạnh rằng gia đình hôm nay rất ốm yếu trong xã hội chúng ta, và đôi khi thậm chí gia đình bị khinh thường. Đó là lý do tại sao sự chữa trị cho gia đình phải liên can tới việc Phúc Âm hóa nền văn hóa của chúng ta. Nếu nền văn hóa của chúng ta được chuyển hóa xuyên qua cuộc gặp gỡ với Tin Mừng, gia đình sẽ tìm lại được các gốc rễ của nó. Gia đình sẽ được canh tân hoàn toàn và bắt đầu sống căn tính của nó trong tư cách là một hiệp thông và cộng đoàn của các ngã vị trong niềm kính trọng hoàn toàn đối với tất cả các thành viên của nó: vợ chồng, con cái, trẻ già …
Như vậy, thay vì đóng kín chính mình và thoái thác trách nhiệm của mình đối với xã hội, gia đình Kitôhữu được canh tân sẽ trở thành tác nhân chủ yếu xây dựng xã hội tương lai. Điều này là tất nhiên vì gia đình là nền móng căn bản của xã hội. Vâng, gia đình Kitôhữu phải đảm nhận trách nhiệm phục vụ cộng đồng lớn hơn, nhất là phục vụ người nghèo và những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội. Gia đình Kitôhữu phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng cho thế giới.
Gia đình Kitôhữu cũng có chỗ đứng riêng của mình trong sứ vụ của Giáo Hội. Nó được mời gọi để tham dự, trong tư cách là một gia đình, vào sứ mạng cứu độ của Giáo Hội. Gia đình thực thi sứ mạng này bằng việc sống trung thành với căn tính của mình và bằng việc xây dựng mình trở thành một cộng đoàn tin và loan báo Tin Mừng. Gia đình Kitôhữu được mời gọi sống cầu nguyện và phục vụ mọi người theo giới luật yêu thương. Bằng cách này, gia đình trở thành một nguồn sống và một nguồn ơn gọi – bởi vì trong tư cách là Giáo Hội tại gia, gia đình tham dự vào sứ mạng ba chiều kích của Giáo Hội Chúa Kitô: đó là sứ mạng tư tế, vương đế và ngôn sứ của Dân Thiên Chúa.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 21/11
Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ
Kh 5, 1-10; Lc 19, 41-44.
Lời Suy Niệm: Khi đến gần Giêrusalem, và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay, ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không trông thấy được.” (Lc 19,41-42)
Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cả một giáo huấn liên tục. Có những lúc Người thinh lặng, có những lúc Người cầu nguyện một mình nơi thanh vắng với Chúa Cha, có những lúc Người làm các dấu lạ. Người đặc biệt quan tâm đến những kẻ bé mọn, bệnh tật đang đau khổ. Hôm nay Người đến gần thành Thánh Giêrusalem, Người khóc thương, bởi vì đã thành không nhận biết Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn nhận ra Chúa đang sống và vững tin vào Chúa là Đấng Cứu Chuộc chúng con. Amen.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-11
Lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh
Nói về lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh, đức giáo hoàng Phaolô VI viết: “Những lễ dựa trên lời truyền khẩu, nhưng có giá trị gương mẫu cao và đươc Giáo hội Đông phương đặc biệt mừng kính từ xa xưa, đó là lễ Đức Maria dâng mình và đền thánh”
Việc Đức Mẹ dâng mình và đền thánh dựa trên sự kiện này, là luật cũ đã nhận các trinh nữ tự hiến mình cho Thiên Chúa tại đền thành. Hơn nữa Đức Trinh nữ còn được đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội ngay từ buổi đầu thai. Sư trinh trong này có thể dẫn tới hiệu quả là trí khôn Đức Maria đã phát triển sớm hơn bình thường, vì không bị ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ. Bởi đó, người ta cho rằng, Mẹ đã dâng mình cho Chúa rất sớm, ngay khi trí khôn ngài có khả năng hiểu biết.
Cuốn ngụy thư “Phúc âm về cuộc sinh hạ của Đức Maria” còn cho rằng ngài đã thực hiện cuộc dâng hiến này khi mới ba tuổi. Giottô trong một bức họa đã diễn tả Đức Maria trong những bước chân mạnh mẽ tiến vào đền thánh.
Trong niềm tin này, người Hy lạp, Armênia và Latinh, đều mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thánh vào ngày 21 tháng 11 hàng năm. Simon Métaphrate cho rằng lễ mừng đã được thiết lập vào năm 730 ở Constantinople. Năm 1143, hoàng đế Emmanuelđã xếp vào số các lễ được Giáo hội khắp nơi biết đến.
Vị đại sứ của vua Chypre bên đức giáo hoàng Grêgoriô XI (ở Avignon) đã thuyết phục, để giáo triều với đức Sixtô IV chấp nhận lễ này từ năm 1372. Kể từ đó, ở nhiều vương quốc và nhiều nhà thờ đã mừng long trọng theo sách nguyện Rôma. Đức giáo hoàng Pio V bãi bỏ và được đức Sixtô V tái lập.
Nhiều nhà dòng đã chọn lễ này làm ngày khấn dòng hay lặp lại lời khấn cho các tu sĩ. Cùng với Đức Maria, chúng ta cũng dâng mình cho Chúa một cách mau mắn và quảng đại.
(daminhvn.net)
+++++++++++++++++
21 Tháng Mười Một
Vâng ý Cha Dưới Ðất Cũng Như Trên Trời
William Barlay, một học giả Kinh Thánh nổi tiếng người Anh đề nghị sửa một dấu trong Kinh “Lạy Cha” như sau: Giữa những câu “chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” và câu “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” thay vì dấu phết hay dấu chấm phết nên dùng dấu hai chấm, để nêu bật ý nghĩa: Nếu chúng ta vâng theo ý Chúa dưới đất ý Chúa được vâng phục trên trời thì chúng ta sẽ làm cho: danh Chúa cả sáng và Nước Chúa được thống trị mọi nơi.
Ðề nghị trên nhằm mục đích nhấn mạnh sứ mệnh xây dựng Nước Trời giữa lòng xã hội trần thế bằng cách hoàn toàn vâng theo ý Chúa của các tín hữu Kitô.
Bởi lẽ đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của sứ điệp Chúa Giêsu rao giảng và cũng là mẫu gương nổi bật nhất trong cuộc đời của Ngài.
“Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì kẻ ấy là anh em Ta, là chị em Ta và là Mẹ Ta”.
Tuyên bố câu này, Chúa Giêsu không có ý khước từ mối dây liên lạc và tình mẫu tử giữa Ngài với Ðức Maria. Nhưng Ngài muốn nêu bật một thực tại: Ðức Maria đã trở nên Mẹ Ngài qua câu trả lời: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” và trong suốt cuộc đời, Ðức Maria đã trung tín giữ trọn lời thưa xin vâng này đến giây phút đứng dưới chân thập giá.
Mừng Lễ Ðức Mẹ dâng mình vào đền thánh, không gì chúng ta có thể làm đẹp lòng Mẹ hơn là học cùng Mẹ để bập bẹ thưa: “Xin vâng!”.
(Lẽ Sống)
++++++++++++++++++
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm – Tuần 33 – TN2
Bài đọc: Rev 5:1-10; Lk 19:41-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khóc!
Con người khóc vì nhiều lý do: (1) Vì tiếc, vì không đạt được điều mình muốn: Em bé muốn xem tivi; bố mẹ bắt vào đi ngủ. (2) Vì thương, thân nhân và bạn hữu khóc thương người chết; vì họ không còn được sống nữa. (3) Vì tội nghiệp, khi thấy một người chịu quá nhiều đau khổ, nhất là chịu đau khổ cho mình. (4) Vì vui sướng, khi nhìn thấy kết quả vinh quang sau khi đã trải qua bao hy sinh gian khổ để đạt được (cầu thủ TVH khi đạt huy chương vàng). Trong Bài đọc I, Thánh Gioan khóc nức nở vì sợ không đạt được ý muốn. Ngài muốn biết những gì trong Cuộn Sách, vì nó liên quan đến lịch sử của nhân lọai sắp xảy ra; nhưng không tìm được ai xứng đáng để mở 7 ấn niêm phong của Cuộn Sách. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khóc vì tội nghiệp cho dân Thành Giêrusalem, vì họ không nhận ra ý nghĩa và mục đích sự thăm viếng của Ngài. Chúa cũng khóc vì Ngài biết Thành sẽ bị phá hủy bình địa (70 AD), và dân Thành sẽ tan tác như chiên không người chăn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thị kiến Cuộn Sách và 7 ấn niêm phong
“Tôi thấy trong tay hữu Đấng ngự trên ngai một Cuộn Sách viết cả trong lẫn ngoài, được niêm bảy ấn. Rồi tôi thấy một thiên thần dũng mãnh lớn tiếng công bố: “Ai xứng đáng mở cuốn sách và tháo ấn niêm phong?” Nhưng không ai ở trên trời, dưới đất hay trong lòng đất, có thể mở Cuộn Sách và nhìn vào đó.”
– Cuộn Sách chứa đựng ý muốn kỳ diệu của Thiên Chúa liên quan đến mọi biến cố sẽ xảy ra trong thời kỳ sau hết như đã nói từ ban đầu (x/c Rev 1:9). Nội dung của Cuộn Sách có những gì? Có nhiều ý kiến khác nhau; nhưng đa số các học giả đồng ý nội dung của Cuộn Sách là những gì được viết trong (Rev 6:1-8:1).
– Gioan khóc nức nở, vì không ai được coi là xứng đáng mở cuốn sách và nhìn vào đó. Nếu không ai mở Cuộn Sách, làm sao con người biết được những gì sẽ xảy ra? Gioan muốn biết, đó là lý do tại sao ông khóc.
– Một trong các vị Kỳ Mục bảo tôi: “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong.” Truyền thống Do-Thái tin Đấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ chi tộc Giuđa và là chồi non của Nhà Đavít.
– “Con Chiên, trông như thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất. Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng ngự trên ngai.” Con Chiên là danh hiệu chính thức của Đức Kitô, được dùng 28 lần trong Sách Khải Huyền. Ngài được gọi là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian (Jn 1:29).
– Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách từ tay của Đấng ngự trên Ngai, thì bốn Con Vật và 24 vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh.
– Các vị hát một bài ca mới: Bài ca mới tương xứng với tên mới được tặng cho Người chiến thắng, cho Jerusalem mới, cho trời mới đất mới, và cho vũ trụ được đổi mới.
– Ngài xứng đáng lãnh nhận Cuộn Sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa: Bằng Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển, Đức Kitô đã bắt đầu một vương quốc mới cho Thiên Chúa.
– Muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân: 4 danh từ này có ý nói tất cả mọi dân tộc trên địa cầu. Sách Khải Huyền giới hạn trong vòng các Kitô hữu trên địa cầu, những người đã đáp trả lời mời gọi và tháp tùng Con Chiên mà thôi.
– Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này: Những người đi theo Con Chiên là dân của Con Chiên, họ trở thành những tư tế để ca ngợi và phụng thờ Thiên Chúa; và cùng với Con Chiên, họ sẽ làm chủ mặt đất.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.
2.1/ Chúa Giêsu khóc: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như một con người. Tin Mừng đã tường thuật 2 lần Chúa khóc:
(1) Vì thương Thành Jerusalem như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương Khó, chặng thứ 8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành Jerusalem vì họ khóc thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk 23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục đích tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành không biết. Điều có lẽ Chúa muốn nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc thương cho chính họ và cho con cháu của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó mà Ngài đang chịu.
(2) Vì tiếc thương Lazarô (Jn 11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa; nhưng suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc ông đừng trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng được chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary và mọi người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25). Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm vui.
2.2/ Hai lý do tại sao Chúa khóc:
(1) Vì dân Thành Jerusalem không nhận ra Chúa: Khỏang lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện đường gọi là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã khóc vì thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng đem bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.” Nguyên ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết lập,” và danh từ salem, có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là Đấng từ Trời xuống thiết lập bình an và chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã không nhận ra Ngài.
(2) Vì Thành sẽ bị phá hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm năm 70 AD, khi quân đội Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và Thành. Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của hoang tàn đổ nát vẫn còn cho các du khách viếng Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Con người khóc vì tiếc và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do tiếc hay thương có thể sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại sao Ngài khóc là sự thật. Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
****************