“Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”.
Người ta thường thích những danh ngôn giúp họ sống tốt; nhưng mấy ai để ý đến những danh ngôn giúp họ chết tốt! Chẳng hạn, trước giờ lâm chung, nhà thơ Đức, Heinrich Heine, đã nói, “Chúa sẽ tha thứ cho tôi… Đó là công việc của Ngài!”; hoặc khi Thomas Hooker sắp qua đời, một người bạn nói, “Anh ơi, anh sẽ nhận được phần thưởng cho công sức của mình!”, ông khiêm tốn đáp, “Không, tôi sẽ nhận được ‘sự thương xót cuối cùng’ của Ngài!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Thomas Hooker thật chí lý khi nói đến ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa dành cho mình. Sự thật này có một ý nghĩa sâu sắc trong ngày chúng ta nhớ đến Các Linh Hồn, những người đã chết trong ân sủng Chúa nhưng chưa sẵn sàng để đứng trước nhan Ngài. Giáo Lý Hội Thánh nói đến Luyện Ngục, như là ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa; qua đó, linh hồn “được thanh luyện sau khi chết, đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng”.
Thanh tẩy mọi ràng buộc đối với tội lỗi nơi một linh hồn đã qua đời là sự thể hiện tình yêu của Thiên Chúa vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Qua sự thanh luyện cuối cùng này, Thiên Chúa chuẩn bị cho các linh hồn thánh khiết đã chết được hưởng niềm vui vĩnh viễn, niềm vui mà Chúa Giêsu đã hứa trong Tin Mừng hôm nay, “Ai tin vào người Con, thì được sống muôn đời”. Thế mà trong tình yêu, Thiên Chúa vẫn không muốn bất kỳ một linh hồn nào sẽ sống đời đời với Ngài lại phải vướng víu dù chỉ là một ràng buộc nhỏ nhất đối với tội lỗi. Ngài muốn tất cả họ được tự do! Sự thật là, mọi tội lỗi trên linh hồn, dù là nhỏ nhất, cũng là lý do đủ để chúng ta bị loại khỏi thiên nhan Đấng Cực Thánh. Vì vậy, Luyện Ngục được xem như một ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa; nhờ đó, linh hồn thoát khỏi mọi gánh nặng sau hết, hầu trong cõi đời đời, chúng ta được hoàn toàn tự do để hiệp nhất với Ngài một cách tuyệt đối và trọn vẹn.
Như thế, Luyện Ngục là một quà tặng, một ân sủng, một lòng thương xót. Và biết rằng, bất cứ cuộc vượt qua nào cũng đau đớn, nhưng cuộc vượt qua sau hết cho những tội lỗi chắc chắn sẽ rất đau đớn, nhưng là một sự đau đớn cần thiết đáng giá gấp trăm và hơn thế nữa. Bởi lẽ sau đó, chúng ta trở thành một vị thánh; và đó là điều Thiên Chúa chờ đợi. Sách Khôn Ngoan hôm nay nói, “Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa”. Luyện Ngục chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa vậy! Chính trong cuộc vượt qua này, các linh hồn đang rất cần chúng ta cầu xin cho các ngài sớm hưởng niềm vui phúc kiến. Đây cũng là cách thức rõ nét nhất để chúng ta sống mầu nhiệm Các Thánh Thông Công; trong đó, Giáo Hội lữ hành hiệp thông với Giáo Hội khải hoàn để cùng cầu bầu cho các anh chị em đang thuộc Giáo Hội thanh luyện. Lạ thay, các linh hồn không thể cầu cho mình, nhưng lại có thể cầu cho chúng ta; để ngày kia, trên thiên đàng, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết được hiệu quả của những gì chúng ta đã sống cho mầu nhiệm này!
Anh Chị em,
“Sinh ký, tử quy!”; nhưng “ký” vào đâu, đó là vấn đề! Chúng ta “ký” vào lòng thương xót của Thiên Chúa; bởi lẽ, ý muốn của Ngài thật quá tốt lành, “Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời!”. Như vậy, vấn đề là mỗi người chúng ta phải biết ký thác đời mình vào Thiên Chúa, chuẩn bị tâm hồn từng ngày, từng giờ để có thể “quy” về Ngài trong từng giây phút cũng như mọi quyết định của mình. Đồng thời, năng hướng về những người đang chờ đợi ‘sự thương xót cuối cùng’ của Thiên Chúa bằng những Thánh Lễ, hy sinh, cầu nguyện, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô. Như vậy, nhờ vào tất cả những gì chúng ta dành cho các linh hồn, những ‘đau đớn ngọt ngào cuối cùng’ cần thiết của họ sẽ dễ chịu hơn biết bao!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của cuộc thanh luyện sau hết như là ‘sự thương xót cuối cùng’ của Chúa; một cuộc thanh luyện để con và những anh chị em của con trở thành những vị thánh”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)